Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phong cách tối giản giúp chữa lành tâm hồn

Khi đối diện với cuộc sống lo toan bộn bề, nhiều người lựa chọn theo đuổi phong cách tối giản để đầu óc thêm nhẹ nhàng, thư thái.

 Ảnh minh họa

Thiết kế nội thất và cách bài trí nhà cửa có thể có tác động rất lớn đến sức khỏe thể chất, cảm xúc và tinh thần của gia chủ. Vì thế, khi đối diện với cuộc sống lo toan bộn bề, nhiều người lựa chọn theo đuổi phong cách tối giản để đầu óc thêm nhẹ nhàng, thư thái. Khi nhắc đến tối giản, hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến việc loại bỏ những đồ đạc không cần thiết, nhưng tối giản còn là giảm bớt ánh sáng, tiếng ồn ảnh hưởng đến không gian sống nữa. Dưới đây là một số điều bạn cần biết để tạo ra không gian sống tinh giản, gọn nhẹ và thoải mái tinh thần.

Phong cách tối giản trong thiết kế nội thất có nguồn gốc từ đâu?

Vào thế kỷ 20, phong cách tối giản trong thiết kế phát triển mạnh mẽ, đi ngược lại các trường phái thiết kế rườm rà và có phần khó hiểu như phong cách Victorian (phong cách xuất phát từ thời kỳ lịch sử nước Anh dưới sự cai trị của Nữ hoàng Victorian, nổi bật với lối thiết kế xa hoa, lộng lẫy) hay chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng (Abstract Expressionist Art). Các nhà sử học về thiết kế cho rằng chủ nghĩa tối giản bị ảnh hưởng bởi 3 phong cách:

1. Sự đơn giản của phong cách kiến trúc De Stijl. Một phong cách phổ biến ở Hà Lan từ năm 1917 đến đầu những năm 1930, với đặc trưng là các đường kẻ ngang dọc và các gam màu cơ bản.

2. Tính thẩm mỹ của phong cách Scandinavian, hay còn gọi là phong cách Bắc u. Phong cách Bắc u có 3 đặc điểm nổi bật là đơn giản trong thiết kế, tinh tế trong cảm giác và tiện nghi khi sử dụng.

3. Sự nhẹ nhàng, thoát tục của phong cách Zen - phong cách kiến trúc Phật giáo Nhật Bản đề cao lợi ích của các yếu tố tự nhiên đến sức khỏe của con người.

Nhân vật huyền thoại đại diện cho chủ nghĩa tối giản trong thiết kế sản phẩm là nhà thiết kế công nghiệp người Đức Dieter Rams, với câu nói bất hủ "Ít nhưng chất" (less but better). Những nguyên tắc của ông đã đặt nền móng cho xu hướng tối giản trong thiết kế các vật dụng hàng ngày từ giữa thế kỷ 20.

 

Do sự ảnh hưởng của văn hoá tiêu dùng thế kỷ 20, bày trí nhà cửa với nhiều chi tiết phức tạp và trang hoàng quá mức ngày càng trở nên phổ biến. Trong bối cảnh đó, thiết kế nội thất và trang trí nhà cửa theo phong cách tối giản như một phương án cứu nguy cho không gian chật chội, đồng thời giúp hạn chế hành vi sắm sửa các phụ kiện không cần thiết.

Áp dụng các quy tắc thiết kế, trang trí theo phong cách tối giản để cuộc sống thêm nhẹ nhàng

Tối ưu hoá không gian sống

Loại bỏ đồ đạc thừa là bước đầu tiên nếu bạn muốn theo đuổi phong cách tối giản trong bài trí nhà cửa. Khi ngôi nhà có quá nhiều đồ đạc không cần thiết và được sắp xếp tùy tiện, không gian dành cho các hoạt động làm việc, vui chơi và rèn luyện thể thao trong nhà sẽ bị hạn chế.

Cách tốt nhất để bỏ bớt đồ đạc là ngay từ đầu bạn không nên mua hay tích lũy chúng. Ví dụ nhiều gia đình Việt Nam luôn tích trữ rất nhiều vỏ hộp nhựa, chai nhựa với niềm tin rằng một ngày đó sẽ cần đến, nhưng sự thực là họ lại chẳng dùng bao giờ. Ngoài ra, khi đi mua sắm, cố gắng bước vào siêu thị với danh sách đồ cần mua trên tay và mua đúng theo những gì bạn đã đề ra.

 


Bên cạnh đó, những đồ vật thông minh và đa năng như giường ngủ kết hợp tủ quần áo, giường ngủ kiêm sofa hay ghế ngồi gấp gọn có không gian lưu trữ đồ đạc... giúp tiết kiệm không gian mà vẫn đảm bảo tiện nghi cho ngôi nhà.

Để kiểm soát mua sắm, bạn có thể áp dụng quy tắc "one in, one out", tức là khi bạn mua một món đồ mới thì phải bỏ một món đồ cũ đi. Nói theo cách khác, bạn chỉ mua đồ mới khi thật sự cần phải thay thế đồ cũ. Quy tắc này giúp số lượng đồ đạc trong nhà luôn được kiểm soát ổn định và hạn chế mua đồ không cần thiết.

Giảm thiểu tiếng ồn

Bên cạnh không gian bừa bộn, tiếng ồn quá mức cũng là một trong các nguyên nhân gây căng thẳng và lo lắng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm tiếng ồn có thể dẫn đến những tác động tiêu cực như rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, mất tập trung nghiêm trọng và bệnh tim mạch.

Thiết kế nội thất theo phong cách tối giản giúp giảm thiểu mức độ ô nhiễm tiếng ồn trong ngôi nhà. Bạn có thể bắt đầu từ việc nâng cấp cửa sổ, trang bị tấm che cửa sổ, chọn vật liệu cách âm.

Sử dụng màu sắc trung tính

Màu sắc sặc sỡ, chi tiết độc đáo thường thu hút sự chú ý của mắt và não bộ ngay tức khắc. Tuy nhiên, quá nhiều chi tiết như vậy dẫn đến hỗn loạn và lo lắng do bộ não quen với tính đối xứng, ngăn nắp và trật tự.

Thiết kế theo phong cách tối giản thường ưu tiên các màu sắc trung tính giúp đem lại cảm giác ấm cúng, yên bình mà vẫn làm nổi bật vật dụng khác. Các màu sắc trung tính có thể là xanh lam nhạt, nâu nhạt, màu kem.

 


Tận dụng nguồn sáng tự nhiên

Trong mọi không gian, đặc biệt là không gian tối giản, ánh sáng đóng vai trò then chốt. Ánh sáng giúp điều chỉnh nhịp sinh học của cơ thể và ảnh hưởng đến nhiều mặt từ giấc ngủ, tâm trạng đến năng lượng.

Thiết kế nhà theo phong cách tối giản là đưa nhiều ánh sáng tự nhiên vào nhà, để tận dụng lợi ích mà ánh sáng tự nhiên mang lại cho cơ thể. Với những ngôi nhà ở vị trí ít tiếp xúc với nguồn sáng tự nhiên, công nghệ chiếu sáng thông minh tái tạo ánh sáng tự nhiên có thể là một lựa chọn thay thế.

Đưa các yếu tố tự nhiên vào ngôi nhà

Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Environmental science & technologychỉ ra tập luyện thể dục và dành thời gian ngoài trời giúp cải thiện sức khỏe tinh thần. Những người vừa tập luyện vừa ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên cũng cho thấy sự cải thiện đáng kể về tâm trạng và huyết áp so với những người chỉ tập luyện đơn thuần.

 


Do đó, xu hướng thiết kế mới đem thiên nhiên vào nhà ngày càng phổ biến hơn. Tối giản sinh thái (eco-minimalism) là một phong cách thiết kế không gian nội thất tận dụng những vật liệu từ tự nhiên. Trái ngược với phong cách tối giản truyền thống, tối giản sinh thái đem lại cảm giác thoải mái, ấm áp và thân thiện cho ngôi nhà. Gạch, đá, gỗ, gốm, thuỷ tinh, đất sét, vải lanh, mây, tre… đều có chỗ đứng trong không gian nội thất này, nhưng quan trọng nhất vẫn là cây xanh. Hơn nữa, những chất liệu có nguồn gốc tự nhiên cũng thân thiện và an toàn với môi trường hơn.

Nguồn: Tổng hợp

Tác giả: Hạ Khương

Nguồn tin: phunuvietnam.vn