Nghệ An: Ô nhiễm bên trong hàng rào các cụm công nghiệp
- 06:11 10-01-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bất cập trong cụm công nghiệp
Ngày 6/12/2022, UBND TP. Vinh đã ban hành Quyết định số 640 xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH In tem bưu điện (Chi nhánh Nghệ An) với số tiền 45 triệu đồng, do “không phân loại chất thải đã qua sử dụng, không có khu vực lưu giữ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật môi trường, không ký hợp đồng thu gom rác thải theo quy định”, được quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 26 Nghị định 45/2022 của Chính phủ.
Không những vi phạm quy định bảo vệ môi trường mà Công ty này còn vi phạm quy hoạch, vi phạm sử dụng đất. Bởi Công ty TNHH In ấn tem bưu điện – Chi nhánh Nghệ An có trụ sở tại số 2, đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Vinh nhưng vị trí mà đơn vị này đang sản xuất in ấn là thuê lại của một đơn vị khác tại CCN Nghi Phú (thuộc xóm 4, xã Nghi Phú, TP. Vinh). Theo quy hoạch được phê duyệt, khu đất này chỉ sử dụng làm kho xưởng, không được sản xuất.
Nơi sản xuất của Công ty TNHH In tem bưu điện (chi nhánh Nghệ An) vừa bị TP. Vinh “tuýt còi” về hành vi gây ô nhiễm môi trường |
Khu CCN Hưng Lộc (đóng tại xã Hưng Lộc, TP. Vinh), có quy mô 8,89 ha, với 11 doanh nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác xử lý môi trường có cải thiện, nhưng vẫn chưa triệt để. Người dân xóm Hòa Tiến và xóm Mỹ Hạ nằm sát CCN này đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng về vấn đề khói bụi, tiếng ồn, nước xả thải... của doanh nghiệp.
Trước đây, tại CCN Hưng Đông, nằm cạnh sông Kẻ Gia (xã Hưng Đông, TP. Vinh). Tại đây, có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất chế biến gỗ, may mặc, làm kho bãi. Theo Kết luận số 38, ngày 12/2/2018 của Thanh tra Sở TN&MT Nghệ An, từ ngày 1/2/2014 đến 4/2/2016, UBND xã Hưng Đông đã cho 12 doanh nghiệp thuê đất với thời hạn từ 8 đến 10 năm. Cụ thể, xã Hưng Đông đã cho thuê 25 lô đất với tổng diện tích hơn 3,8 ha với mục đích làm bãi tập kết vật liệu xây dựng. Theo quy định, thẩm quyền cho các doanh nghiệp này thuê đất thuộc UBND tỉnh.
Một cán bộ UBND xã Hưng Đông cho biết, liên quan đến việc cho thuê đất trái thẩm quyền, UBND TP Vinh đã chỉ đạo xã Hưng Đông khắc phục vi phạm trong quản ý đất đai theo Kết luận thanh tra. Tổ chức kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân theo trách nhiệm vì để xảy ra sai phạm.
CCN Hưng Lộc tại TP Vinh cũng bị nhiều người dân “tố” về vấn đề môi trường |
Về vấn đề CCN Nghi Phú có những sai phạm trong quy hoạch, sử dụng đất, ô nhiễm môi trường, theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương Nghệ An cho biết, dù là đơn vị quản lý về mặt nhà nước, nhưng để xử lý các vi phạm trong CCN cần phải phối hợp với các ngành liên quan.
Vào giữa tháng 5/2022, nhiều hộ dân ở xóm Xuân Yên, xã Nghĩa Mỹ, T.X Thái Hòa (Nghệ An) khốn khổ vì nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH Đầu tư PTP đóng trên diện tích đất của CCN Nghĩa Mỹ nhưng nằm cạnh khu dân cư. Mỗi khi nhà máy hoạt động khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn bởi bụi bặm và tiếng ồn.
Sau đó, vào ngày 9/6/2022, UBND TX. Thái Hòa đã chỉ đạo Phòng TN&MT chủ trì phối hợp cùng phòng Kinh tế, UBND xã Nghĩa Mỹ tổ chức kiểm tra, xác minh nội dung báo chí phản ánh. Qua kiểm tra và làm việc với các hộ dân xung quanh nhà máy, khẳng định nội dung phản ánh là đúng. Sau khi có phản ánh, Công ty TNHH đầu tư PTP đã chủ động có những biện pháp khắc phục giảm thiểu tiếng ồn và việc phát tán bụi ra bên ngoài.
Ông Hồ Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND TX. Thái Hòa cho biết, CCN Nghĩa Mỹ đã được quy hoạch với diện tích 75 ha. Nhà máy chế biến dăm gỗ tuy có tường rào bào quanh nhưng khoảng cách với nhà dân quá gần. Theo quy định, các khu, CCN nói chung đều phải có dải xanh rộng 50m để trồng cây xanh tại các điểm tiếp giáp khu dân cư nhằm tránh ô nhiễm.
Cần lấp đầy các “khoảng trống”
Được biết, đến năm 2022, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 53 CCN được quy hoạch tại TP. Vinh, Diễn Châu, Quỳ Hợp, TX. Thái Hòa... Trong đó, có 24 CCN đã thu hút được khoảng trên 250 doanh nghiệp đi vào đầu tư sản xuất, kinh doanh với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 80%.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hạ tầng ở các CCN này về cơ bản đang thiếu đồng bộ đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và khu vực dân cư cận kề. Không những vậy, việc quản lý chồng chéo, đã khiến bên trong CCN bị “chia năm sẻ bảy”, ô nhiễm môi trường, sai quy hoạch.
Ao cá của hộ dân tại xã Nghĩa Mỹ, TX Thái Hoà sống gần nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH Đầu tư PTP bị bụi gỗ phủ nhiều ngày |
Phía Sở Công thương tỉnh Nghệ An cho rằng, vẫn còn những hạn chế, tồn tại tại nhiều CCN trên địa bàn là công tác quy hoạch một số CCN thiếu khoa học, hệ thống hạ tầng trong CCN không đồng bộ, một số CCN thực hiện không tuân thủ quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong CCN kéo dài, nên còn chắp vá. Việc thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng CCN còn ít, chủ yếu là ngân sách tỉnh và địa phương.
Cùng với đó, địa phường này chưa tạo được các CCN có hạ tầng kiểu mẫu, với kết cấu đồng bộ, đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật phục vụ nhu cầu thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao tạo tiền để phát triển bền vững. Quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý khai thác sau đầu tư vẫn còn lúng túng nhất là công tác quản lý và cung cấp các dịch vụ tiện ích công cộng, công tác duy tu bảo dưỡng các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật.
CCN Hưng Đông ở TP Vinh trước đây đã có nhiều vi phạm về sử dụng đất đai |
Nguyên nhân là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến CCN còn chồng chéo, hiệu lực và tính thực tiễn chưa cao. Huy động vốn đầu tư xây dựng hạ tầng từ các doanh nghiệp CCN thấp, trong khi nguồn vốn ngân sách còn hạn chế. Công tác xúc tiến đầu tư phát triển CCN chưa có sự đổi mới và chưa thực sự quyết liệt. Quy hoạch phát triển CCN không đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư (vị trí quy hoạch không thuận lợi, diện tích nhỏ; xa cảng biển, sân bay; xa các trục giao thông chính...). Hầu hết các CCN đều do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư nên ngân sách còn hạn hẹp, năng lực tài chính của các chủ đầu tư hạ tầng CCN yếu. Trong khi đó, việc huy động xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ các doanh nghiệp còn thấp.
Được biết, mới đây, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành nghị quyết về các chính sách hỗ trợ cụ thể cho các CCN. Trong đó, có chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng cơ bản như: nâng cấp đường sá, cầu cống, điện, nước. Đối với công tác xử lý môi trường, sẽ hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt chuẩn để giảm tải áp lực về môi trường, hạ tầng giao thông đến các địa phương có CCN...
Tác giả: CAO SƠN
Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn