Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Kiểm điểm phó chủ tịch huyện xác nhận "khống" về sâm Ngọc Linh

Công ty CP rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum được xác nhận không đúng thực tế về diện tích sâm Ngọc Linh đã trồng, khai thác.

Ngày 4-1, UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã kiểm điểm một phó chủ tịch UBND huyện vì ký giấy xác nhận "khống" cho Công ty CP rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum (xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông).

UBND huyện cũng đã ra quyết định hủy bỏ giấy xác nhận do vị phó chủ tịch huyện trên ký.

Trước đó, vào ngày 30-5-2022, Công ty CP rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum có văn bản xin xác nhận đơn vị này đã và đang sản xuất giống, trồng, bảo vệ, bảo tồn và khai thác cây sâm Ngọc Linh tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông theo quyết định số 4025 ngày 18-12-2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

 Công ty CP rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum được xác nhận đang thực hiện dự án nuôi cây mô, trồng trong nhà màng, không phải dưới tán rừng

Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, việc một phó chủ tịch UBND huyện xác nhận Công ty CP rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã trồng, khai thác cây sâm Ngọc Linh tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông là không chính xác. Thực tế đơn vị này đang thực hiện nuôi cấy mô thí điểm. Vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum mới cho chủ trương đưa cây nuôi cấy mô thí điểm này ra ngoài tự nhiên.

Ông Mạnh cũng khẳng định ở huyện Tu Mơ Rông, Công ty CP rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum chỉ hợp đồng thuê 2 người dân với giá 6 triệu đồng/tháng chứ không hề liên kết trồng sâm Ngọc Linh với hộ dân nào.

Còn ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọk Lây, cho biết tại địa phương, Công ty CP rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum đang thực hiện dự án nuôi cây mô, trồng trong nhà màng, không phải dưới tán rừng. Thời gian qua, công ty này nhiều lần nhờ chính quyền xác nhận có liên kết với dân trồng sâm nhưng chưa được.

Mặc dù chính quyền địa phương xác nhận công ty này chưa hề có việc liên kết trồng sâm Ngọc Linh với người dân, nhưng trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Duy Thái, Phó Giám đốc Công ty CP Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum, khẳng định công ty đã liên kết được 10 hộ trồng sâm ở xã Ngọc Lây. Diện tích mỗi hộ từ 5-10 ha. Ngoài ra, ở xã Măng Ri đã liên kết với 3 hộ với diện tích hơn 10 ha và đang làm việc với 2 hộ ở Tê Xăng.

Cũng theo ông Thái, Công ty CP rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum là một thành viên của Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam. Vừa qua, tập đoàn này công bố mở hàng loạt showroom trên cả nước chuyên bán các sản phẩm sâm Ngọc Linh. Ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, nguyên Chủ tịch đoàn Liên minh HTX Việt Nam, được giới thiệu là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Y dược Sâm Ngọc Linh.

"Sản phẩm của Tập đoàn lấy nguồn từ Công ty CP rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum. Ở Quảng Nam không có đơn vị thành viên. Theo đề án, công ty vừa nuôi cấy mô, vừa trồng sâm gieo bằng hạt, mua sâm của dân về trồng. Trong rừng, công ty có diện tích hơn 24 ha" - ông Thái nói.

 Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh khai trương hàng loạt showroom và giới thiệu vùng trồng sâm Ngọc Linh "khủng" tới hơn 7.000 ha - Ảnh nhadautư.vn

Theo giới thiệu, Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam đang sở hữu hơn 7.000 ha vùng trồng sâm tại đỉnh núi Ngọc Linh (!?). Tập đoàn đã trồng hơn 600 ha (!?). Sau gần 10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển, Tập đoàn xây dựng được vùng trồng quy mô lớn nhất Việt Nam (!?).

Tại tỉnh Kon Tum mới chỉ vừa cho Công ty CP rượu Sâm Ngọc Linh phối hợp với Công ty TNHH-MTV lâm nghiệp Đăk Tô trồng thí điểm trên 24ha sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô. Diện tích trên mới được bàn giao từ tháng 10-2022, đến nay mới dọn mặt bằng chưa tiến hành trồng sâm. Còn tỉnh Quảng Nam thì đơn vị này chưa có trong danh sách được cấp phép trồng sâm Ngọc Linh.

Tác giả: Hoàng Thanh

Nguồn tin: Báo Người Lao Động