Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bộ Công Thương nói gì về đề xuất điều chỉnh giá điện như giá xăng dầu?

Việc điều hành giá xăng dầu đang được thực hiện 10 ngày/lần, trong khi giá điện đã có quy định về cơ chế điều chỉnh, tối thiểu là 6 tháng/lần.

 Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin về điều hành giá điện - Ảnh: DANH KHANG

Chiều tối 3-1, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ, với sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn. Phóng viên nêu các vấn đề được quan tâm là việc điều chỉnh giá điện, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, việc điều tra, xử lý các vụ án Việt Á, gian lận trong kiểm định xe...

Trả lời câu hỏi về cơ chế điều chỉnh giá điện như giá xăng, ông Đỗ Thắng Hải - thứ trưởng Bộ Công Thương - cho biết theo nghị định 95 và nghị định 83, cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu được thực hiện 10 ngày một lần.

Tuy vậy, ông cho biết Bộ Công Thương đang sửa đổi quy định điều hành giá xăng dầu, dự kiến rút ngắn kỳ điều hành là dưới 10 ngày.

Giá điện có đặc trưng khác giá xăng dầu

Về điều chỉnh giá điện, ông Hải dẫn ra quy định của quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá điện, hàng quý Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm cập nhật chi phí đầu vào. Nếu khâu phát điện thay đổi, tăng từ 3-5% thì sẽ được điều chỉnh tăng. Trường hợp giá giảm thì điều chỉnh giảm tương ứng.

"Như vậy đã có cơ chế đảm bảo giá điện theo sát giá đầu vào, đảm bảo phản ánh biến động giá trên thị trường với giá bán lẻ điện bình quân", ông Hải nói.

Thông tin thêm, thứ trưởng cho rằng giá điện có đặc trưng khác với xăng dầu, khi chi phí sản xuất kinh doanh điện phụ thuộc vào các mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thì huy động nhiều thủy điện nên chi phí thấp hơn so với việc huy động nguồn điện khác có giá cao hơn.

Vì thế, theo quy định thì thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu 6 tháng từ lần điều chỉnh gần nhất. Việc này nhằm phản ánh khách quan những biến động chi phí sản xuất.

Tuy nhiên, ông nói gần nhất, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh ngày 20-3-2019, tức gần 4 năm chưa điều chỉnh giá điện.

Trong bối cảnh giá điện có tác động lớn, ông Hải cho biết cần tính toán và đánh giá cân nhắc kỹ lưỡng các tác động, báo cáo Thủ tướng trước khi điều chỉnh.

Theo đó, hiện nay Bộ Công Thương đã nhận được đề xuất tăng giá điện của EVN, nên trong bối cảnh tình hình khách quan các chi phí sản xuất kinh doanh điện đều tăng giá, nhiều quốc gia giá điện tăng gấp nhiều lần, thì Việt Nam không phải ngoại lệ.

"Chính phủ giao cho Bộ Công Thương phối hợp bộ ngành liên quan nghiên cứu đề xuất của EVN để xây dựng lộ trình tăng giá, trên cơ sở đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng tác động lạm phát, đời sống người dân, doanh nghiệp đang có nhiều khó khăn, sau đó báo cáo các cấp có thẩm quyền theo đúng quy định, đảm bảo tác động nhỏ nhất nếu điều chỉnh giá điện" - ông Hải nói.

Tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp

Thông tin về chính sách tài khóa, thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong năm 2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất một loạt giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như gia hạn nộp thuế, hoãn thời gian nộp cho một số khoản thuế, hỗ trợ dòng tiền và thanh khoản cho doanh nghiệp, giảm tiền thuê đất, giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu...

Bộ trưởng Trần Văn Sơn khẳng định năm 2023 người dân và doanh nghiệp sẽ tiếp tục được hỗ trợ. Về chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, bộ trưởng cho biết việc thực hiện đang có nhiều khó khăn nhưng đã được tháo gỡ một phần qua các nghị định.

Gần đây, Chính phủ đưa ra chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội, ông nói quỹ đất là rất quan trọng, nhưng phải gắn với hạ tầng xã hội, kèm theo các giải pháp như giá cả, lãi suất, đền bù cho cả nhà đầu tư, người mua...

Về nguồn tiền thực hiện gói vay mua nhà ở xã hội, ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết đây là chủ trương trong nhiều năm, nên đây sẽ là đối tượng khuyến khích, chỉ đạo ngân hàng tập trung cho vay.

Tác giả: Ngọc An

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ