Gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động đã giải ngân gấp 1,7 lần dự kiến
- 14:03 26-12-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh tổng kết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thời gian qua - Ảnh: TỐNG GIÁP |
Thông tin tại Hội nghị tổng kết nghị quyết số 68 và nghị quyết 126 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 hôm nay 26-12, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết nghị quyết 68 (gói 26.000 tỉ đồng) xây dựng trên cơ sở các bài học kinh nghiệm từ triển khai nghị quyết 42 (gói 62.000 tỉ đồng).
Khi đó, Chính phủ thảo luận, thống nhất cần tiếp tục có các chính sách để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Thứ trưởng cho hay bộ đã chủ động thiết lập đường dây nóng với sáu số điện thoại để tiếp nhận, giải đáp các nội dung chính sách, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của gần 25.000 cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp. Cổng thông tin điện tử của bộ cũng có chuyên mục hỏi - đáp về chính sách hỗ trợ, hồ sơ thủ tục.
Tuy vậy, lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá quá trình triển khai còn có vướng mắc, thiếu sót trong lãnh đạo, chỉ đạo, có tình trạng địa phương phát sinh thủ tục không có trong nghị quyết. Tuy vậy, gói 26.000 tỉ đồng đã hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, chưa phát hiện hành vi trục lợi chính sách.
Cụ thể, đã hỗ trợ 36,5 triệu người, 394.440 doanh nghiệp và hơn 508.000 hộ kinh doanh với tổng số tiền trên 45.665 tỉ đồng. Như vậy, số giải ngân thực tế gấp hơn 1,7 lần dự toán ban đầu.
Giải thích điểm này, ông Nguyễn Huy Hưng - cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương - cho biết các địa phương chưa dự kiến số chi thực tế cho đối tượng lao động tự do (chính sách số 12). Có nơi như TP.HCM hỗ trợ đợt 2 cho hộ gia đình khó khăn, người lao động tự do trên địa bàn để bà con nhanh chóng vượt qua khó khăn nên phát sinh ngân sách khi tổng kết.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến ngày 30-6 có 389.800 doanh nghiệp được giảm đóng tương ứng khoảng 11,6 triệu người lao động với số tiền là trên 4.100 tỉ đồng. Cơ quan này đánh giá quá trình triển khai cơ bản không gặp vướng mắc do áp dụng công nghệ thông tin và sự phối hợp tích cực giữa các bên.
Đến ngày 19-7, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng hỗ trợ tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền khoảng 1.393 tỉ đồng cho hơn 1.000 doanh nghiệp và 207.600 người lao động. Cơ quan bảo hiểm cho biết một số đơn vị trong diện hưởng chính sách không làm hồ sơ đề nghị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân người lao động, do đó kết quả thực hiện thấp hơn so với dự kiến ban đầu.
Ngoài ra, có 66 đơn vị tiếp nhận kinh phí đào tạo nâng cao bồi dưỡng kỹ năng để duy trì việc làm cho 8.230 người lao động với số tiền là 38,87 tỉ đồng (tính đến ngày 19-7), rất thấp so với dự kiến (khoảng 4.500 tỉ đồng).
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá kết quả thực hiện các chính sách thấp do điều kiện hưởng khá chặt chẽ, doanh nghiệp tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh nên khó bố trí lao động đào tạo lại...
Tác giả: Hà Quân
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ