Kiên quyết xử lý các trường đại học bất chấp tuyển vượt chỉ tiêu
- 14:39 25-12-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) mới đây đã xử phạt hành chính 78 trường đại học tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Điều đáng nói đây không phải là năm đầu tiên xảy ra tình trạng nhiều trường tuyển vượt chỉ tiêu, dù không được phép (năm 2021, có ngành của một trường ĐH đã tuyển vượt tới gần 1.400%).
Việc nhiều trường tuyển vượt chỉ tiêu sẽ gây khó khăn cho hệ thống lọc “ảo”, làm nhiễu hệ thống tuyển sinh, ảnh hưởng tới quyền lợi người học. Vậy giải pháp nào để giải quyết tình trạng này, nhằm siết lại kỷ cương trong tuyển sinh khi mùa tuyển sinh 2023 đang tới gần? Chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật đã có cuộc trao đổi với TS.Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT về vấn đề này.
TS. Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo. |
PV: Tại buổi giao ban quý IV về công tác tuyển sinh vừa được Bộ GD & ĐT tổ chức, Bộ GD& ĐT cho biết đã xử lý nghiêm các cơ sở đào tạo (CSĐT) tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Xin ông cho biết cụ thể kết quả xử lý vấn đề này? Ông có thể kể tên những cơ sở “điển hình” trong sai phạm tuyển sinh đã bị Thanh tra Bộ xử lý? Trường tuyển vượt nhiều nhất vượt bao nhiêu lần so với chỉ tiêu tự xác định, thưa ông?
TS.Nguyễn Đức Cường: Việc xử lý đối với các cơ sở đào tạo tuyển sinh không đúng quy định là việc làm thường niên hằng năm của Bộ GD & ĐT. Đối với các cơ sở đào tạo có dấu hiệu tuyển sinh không đúng quy định, Vụ Giáo dục Đại học tổng hợp danh sách kèm dấu hiệu gửi Thanh tra để xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Căn cứ quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 04/2021/NĐ-CP và Nghị định số 127/2021/NĐ-CP, Thanh tra Bộ tiến hành mời các đơn vị có dấu hiệu vi phạm làm việc, xác định hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính và tổng hợp trình lãnh đạo Bộ đề xuất hình thức xử phạt theo quy định pháp luật. Trên cơ sở đó, Thanh tra tiến hành xử phạt, áp dụng hình thức khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật.
Năm 2021 là năm dịch bệnh COVID - 19 diễn biến rất phức tạp, dẫn đến công tác tuyển sinh cũng bị tác động, không theo quy luật, nhiều sinh viên chưa thể đi du học nên khó dự đoán tỉ lệ nhập học. Bên cạnh đó, phổ điểm tập trung nên dẫn đến nếu giảm 0,1 điểm thì không đủ số lượng trúng tuyển theo quy định nhưng nếu tăng thêm 0,1 điểm thì số lượng trúng tuyển lại vượt chỉ tiêu.
Công tác tuyển sinh năm 2022 thì đến 31/12/2022 mới kết thúc, lúc đó các trường mới báo cáo và chúng tôi mới xác định được trường nào sẽ không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh (do vượt chỉ tiêu). Còn năm 2021, vi phạm trong tuyển sinh năm 2021 của các cơ sở đào tạo được xem xét thực hiện theo quy định tại Nghị định số 04/2021/NĐ-CP (năm đầu tiên thực hiện), xử lý vi phạm theo khối ngành và mức vi phạm đối với hành vi tuyển vượt thấp hơn (Nghị định 138/2013/NĐ-CP là từ 5% trở lên, còn Nghị định 04/2021/NĐ-CP là 3%), nên có những cơ sở đào tạo mặc dù không tuyển đủ theo tổng chỉ tiêu nhưng lại vi phạm ở từng khối ngành vẫn bị xử phạt. Điều này dẫn đến số lượng cơ sở đào tạo bị xử lý tăng lên so với những năm trước, cá biệt có khối ngành số lượng chỉ tiêu các trường xác định thấp (dưới 50 chỉ tiêu) dẫn đến khi tuyển sinh vượt chỉ tiêu với tỉ lệ lớn nhưng số tuyệt đối không nhiều.
Ngoài tuyển sinh vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực của cơ sở đào tạo, các cơ sở đào tạo còn bị xử lý khi tuyển sinh không đúng đề án đã xác định và công khai, mặc dù tuyển sinh chưa vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực của mình.
Đến thời điểm này, Thanh tra Bộ đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 78 cơ sở giáo dục đại học có hành vi vi phạm trong công tác tuyển sinh. Một số cơ sở đào tạo vi phạm điển hình như: Trường ĐH FPT tuyển sinh vừa vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực, vừa tuyển sinh không đúng đề án đã công khai, vượt chỉ tiêu cả trình độ đại học cả trình độ thạc sĩ; hay Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Nguyễn Trãi đều tuyển vượt và đã bị xử lý…
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt tuyển vượt chỉ tiêu như hiện nay là quá nhẹ, khiến các trường không biết sợ, nên không có nhiều tác dụng răn đe. Thậm chí có trường sẵn sàng tuyển vượt và cũng sẵn sàng chịu phạt. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Việc các trường tuyển sinh đúng chỉ tiêu, đúng năng lực đào tạo sẽ giúp thí sinh chọn được ngành, nghề chính xác |
TS.Nguyễn Đức Cường: Việc xử phạt hành vi vi phạm hành chính chủ yếu mang tính răn đe, ngăn ngừa vi phạm nên Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về các hình thức xử phạt có các hình thức xử phạt vi phạm hành chính gồm hình thức xử phạt chính là Cảnh cáo và Phạt tiền và các hình thức xử phạt bổ sung gồm: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; Trục xuất.
Việc xử phạt chính bằng tiền đối với lĩnh vực giáo dục, cao nhất đối với tổ chức là 150 triệu đồng và cá nhân là 75 triệu đồng có thể tính răn đe còn thấp nhưng đối với cơ sở giáo dục khi bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả sẽ có tính răn đe cao và mạnh. Hình thức phạt bổ sung gồm: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Trục xuất; Đình chỉ hoạt động có thời hạn và 22 biện pháp khắc phục hậu quả.
Tôi muốn nhấn mạnh thêm, đối với cơ sở giáo dục đại học vi phạm sẽ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh mở ngành đào tạo, liên kết đào tạo… trong thời hạn 5 năm, kể từ khi có kết luận về việc vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Riêng về tuyển sinh, cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh thì bị xử lý theo quy định của pháp luật và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 5 năm, kể từ khi có kết luận về việc vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
PV: Theo quy định hiện nay, các trường sẽ được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở năng lực đào tạo, nhu cầu sử dụng nhân lực, tỷ lệ sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp (đối với đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, đại học), kết quả tuyển sinh của năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh của cơ sở đào tạo… Theo ông, các trường đã tuân thủ nghiêm túc các tiêu chí này hay chưa? Bộ có cơ chế nào để giám sát việc “tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh” đó hay không, hay để cho các trường tự chủ hoàn toàn, nếu sai thì sẽ phạt, thưa ông?
TS. Nguyễn Đức Cường: Kết quả kiểm tra, rà soát cho thấy cơ bản các cơ sở đào tạo khi xác định và công khai chỉ tiêu tuyển sinh đã bám sát quy định của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cũng thực hiện công khai thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng, trong đó có điều kiện để xác định chỉ tiêu để toàn xã hội cùng giám sát. Về phía Bộ GD&ĐT, khi các cơ sở đào tạo xác định và đăng ký chỉ tiêu vào hệ thống sẽ phải kê khai các điều kiện, nếu kê khai không đúng, cơ sở dữ liệu hệ thống sẽ không chấp nhận.
Hằng năm, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng kế hoạch và lựa chọn một số cơ sở đào tạo để kiểm tra về công tác tuyển sinh, kịp thời phát hiện vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật.
PV: Tuyển sinh 2023 đang tới gần, ông có khuyến cáo gì tới các trường trong việc thực thi pháp luật về tuyển sinh? Thanh tra Bộ có giải pháp gì để siết chặt kỷ cương trong tuyển sinh, đào tạo đại học?
TS. Nguyễn Đức Cường: Các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu kỹ quy định của Bộ GD&ĐT, quy định của ngành về công tác tuyển sinh để tổ chức thực hiện tại đơn vị mình đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định tại Luật số 34 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP.
Hằng năm, Bộ GD&ĐT đều có hướng dẫn thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo. Đặc biệt vừa qua, Bộ GD&ĐT có Công văn số 624/BGDĐT-TTr ngày 28/2/2022 về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ, đặc biệt là những nội dung tự chủ theo quy định. Do vậy, chúng tôi luôn đề nghị các cơ sở giáo dục tăng cường công tác thanh tra nội bộ để giúp Hội đồng trường, Ban Giám hiệu phát hiện sớm những hạn chế, thiếu sót hay vi phạm của nhà trường để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Đối với hệ thống thanh tra Bộ, Sở tiếp tục thanh tra, rà soát và xử lý nghiêm sai phạm của các cơ sở đào tạo theo quy định pháp luật.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tác giả: Thu Phương (thực hiện)
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân