"Hơn 41.000 tỷ đồng chỉ 1 tháng chi trả xong nhờ cơ sở dữ liệu tốt"
- 13:42 25-12-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phát biểu tại hội nghị của Chính phủ sơ kết đề án 06 phát triển dữ liệu dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia 2022-2025, tầm nhìn 2030 diễn ra sáng 25/12, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khái quát, ngành LĐ-TB&XH được phân công chịu trách nhiệm quản lý nhà nước với đối tượng rất đa dạng. Hiện Bộ đang được giao quản lý, phối hợp quản lý nhiều nhóm đối tượng liên quan đến cơ sở quản lý dữ liệu dân cư, chi trả trợ cấp hàng tháng, đặc biệt quản lý đối tượng lao động từ 15 tuổi trở lên (khoảng 51,6 triệu người).
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị sơ kết đề án 06 về chuyển đổi số của Chính phủ. |
Công việc thường xuyên, Bộ trực tiếp quản lý và phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả lương hưu, trợ cấp hàng tháng với 3,3 triệu người; 1,8 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp hàng tháng; 6,2 triệu người khuyết tật và hơn 1 triệu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn do Nhà nước nuôi dưỡng. Ngoài ra, ngành chịu trách nhiệm chăm lo 9,2 triệu người có công và thân nhân, trong đó có 1,2 triệu người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng thường xuyên.
Số người cần chi trả chế độ thường xuyên, theo đó, rất lớn, đối tượng phong phú, cơ sở dữ liệu quản lý rộng.
Theo thống kê, toàn ngành LĐ-TB&XH hiện có 329 thủ tục hành chính từ cấp Trung ương tới xã phường; 56 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 được ngành xác định là nhiệm vụ trọng tâm để phục vụ người dân và tất cả các đối tượng an sinh xã hội.
Trong năm qua, Ban cán sự đảng Bộ đã ban hành Nghị quyết số 01 về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành. 2022 được xác định là năm khởi đầu thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Toàn ngành quán triệt chuyển đổi số là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, phải thực hiện với phương châm làm nhanh, gọn nhưng không nóng vội, làm chắc từng việc, từng cơ sở dữ liệu một, đi từ cơ sở, hoàn thành cơ sở dữ liệu trước hết là đối với trẻ em, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, hộ nghèo, cận nghèo và bước cuối cùng là thị trường lao động.
Cập nhật kết quả, Bộ trưởng khái quát, đã hoàn thành một số nhiệm vụ cơ bản về dữ liệu.
Thứ nhất là đã kết nối, làm sạch hơn 15 triệu trong tổng số 25 triệu dữ liệu trẻ em tích hợp với cơ sở dữ liệu dân cư. Nội dung này đã hoàn thành sớm 2 tháng so với chỉ đạo của Thủ tướng. Đến nay, ngành đã hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu bảo trợ xã hội với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đang cùng Bộ Công an xử lý làm sạch xác minh bổ sung vào cơ sở dữ liệu dân cư hơn 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội.
Thứ hai, Bộ LĐ-TB&XH đã hình thành dữ liệu cơ sở tập trung thống nhất về người có công với cách mạng, ưu tiên trước hết đối với người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Dự kiến, cơ sở dữ liệu người có công sẽ được kết nối, vận hành đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong những tháng đầu năm 2023.
Thứ ba, đối với lĩnh vực giảm nghèo, Bộ đang chỉ đạo các địa phương thu thập dữ liệu chi tiết về hộ nghèo, cận nghèo để phục vụ việc xây dựng cơ sở dữ liệu về hộ nghèo, cận nghèo chung và thống nhất trên phạm vi toàn quốc, phấn đấu hoàn thành cơ bản xong trước Tết Âm lịch 2023.
Theo Bộ trưởng, hiện tại, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp cùng Bộ Công an quản lý cơ sở dữ liệu về bảo hiểm thất nghiệp, xây dựng dự án cung - cầu, cập nhật dữ liệu về người lao động thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hệ thống phần mềm hiện đã sẵn sàng triển khai, các bộ phận bắt đầu thu thập cơ sở dữ liệu trên quy mô toàn quốc.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH trao đổi cùng Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại hội nghị. |
"Báo cáo Thủ tướng, chúng tôi luôn mong tất cả người lao động có hợp đồng lao động, xây dựng hệ thống kết nối thị trường lao động với những số liệu quản lý chính thức. Thực tế những nhiệm vụ đã triển khai thời gian qua như việc chi trả hỗ trợ người lao động qua các nghị quyết của Chính phủ, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 cho thấy đây là vấn đề cấp thiết. Hơn 41.000 nghìn tỷ đồng cần chi trả từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, hoàn thành chỉ trong hơn 1 tháng mà không xảy ra nhầm lẫn là do có cơ sở dữ liệu tốt" - Bộ trưởng phân tích.
Vị tư lệnh ngành lao động khái quát, bước đầu Bộ LĐ-TB&XH đã hoàn thành nền tảng số quản lý hợp động lao động điện tử hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động giao dịch trực tuyến. Trong năm 2023, ngành sẽ thí điểm áp dụng việc này tại một số địa phương có các khu công nghiệp tập trung nhiều doanh nghiệp FDI.
Thứ tư, theo Bộ trưởng Đào Ngọc dung, Bộ đã hoàn thành một số dịch vụ công theo Đề án 06, hiện đang thí điểm dịch vụ đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí tại Hà Nội và Hà Nam để rút kinh nghiệm, chuẩn bị cho việc triển khai toàn quốc.
Cụ thể như việc chi trả chế độ an sinh không dùng tiền mặt, khâu ban hành văn bản, chuẩn bị đã hoàn thành, tinh thần là thực hiện linh hoạt, nhóm nào có thể thực hiện thì áp dụng ngay, với người nghèo, người có công thì không máy móc.
Về định hướng năm 2023, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng LĐ-TB&XH cho biết sẽ tập trung một số lĩnh vực. Trước hết là xây dựng hệ thống đồng bộ cơ sở dữ liệu đối tượng do Bộ phụ trách để kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, chi trả lương hưu, trợ cấp với một số nhóm đối tượng qua tài khoản. Sau nữa, ngành tập trung xây dựng nền tảng số cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ an sinh; nâng cao chất lượng dịch vụ công của ngành và tập trung triển khai đồng bộ hệ thống chi trả không dùng tiền mặt.
Tác giả: Thái Anh
Nguồn tin: Báo Dân trí