Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tranh luận việc Hà Tĩnh cho học sinh có IELTS thành HSG cấp tỉnh

Trước thông tin Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đặc cách giải thưởng học sinh giỏi (HSG) tỉnh cho thí sinh có điểm IELTS cao, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.

Sở GD&ĐT Hà Tĩnh vừa quyết định đặc cách công nhận học sinh giỏi tỉnh cho 91 học sinh lớp 10 và 11 có chứng chỉ IELTS với số điểm cao trong năm học 2021-2022.

Dù đã thực hiện được nhiều năm, đến nay, cách làm này của Hà Tĩnh vẫn khiến nhiều người băn khoăn về việc quy đổi khập khiễng, thiếu công bằng. Bênh cạnh đó cũng có khôn ít phụ huynh, giáo viên ủng hộ chủ trương này, cho rằng đây là một trong những giải pháp tốt để động viên, khuyến khích việc học tiếng Anh của học sinh.

Không tương xứng

Chia sẻ với Zing, Lê Thiên Kim (18 tuổi, quê Bình Phước) cho rằng kỳ thi chọn HSG cấp tỉnh và thi lấy chứng chỉ tiếng Anh IELTS không thể "gộp chung kết quả". Kim từng đoạt giải nhì trong kỳ thi chọn HSG tỉnh môn tiếng Anh và đồng thời có điểm IELTS 8.0.

Theo Kim, IELTS là một kỳ thi chuẩn hóa ngôn ngữ, đề cao tính thông dụng. Dù hình thức học thuật (Academic) của IELTS có nhiều từ vựng thuộc trình độ B2 trở lên, nhưng trong các văn bản của đề thi, những từ này vẫn thông dụng và phổ biến.

Đối với kỳ thi chọn HSG tỉnh, Kim nhận xét từ vựng trong đề bài lại ít khi được người bản ngữ sử dụng. Cấu trúc đề thi cũng khác IELTS ở phần nghe thực tế và một phần kiểm tra từ vựng, ngữ pháp. Riêng phần thi đọc hiểu có sự kết hợp của nhiều format: IELTS, FCE, CAE, thậm chí là CPE.

"Với sự khác nhau nhiều như vậy, em tự hỏi là những bạn đạt điểm IELTS cao liệu có thể làm tốt đề thi chọn HSG và ngược lại hay không? Sau khi đặc cách, các bạn đạt IELTS cao - nếu có cơ hội thi chọn HSG cấp quốc gia thì cũng không thể đảm bảo sẽ đạt thành tích tốt. Rất nhiều trường hợp IELTS 8.0-8.5 nhưng vẫn trắng tay ở kỳ thi cấp quốc gia và em cũng là một trường hợp như vậy", Kim nói.

Kim cảm thấy không nhất thiết phải đặc cách cho những thí sinh này đoạt giải trong kỳ thi chọn HSG tỉnh - "một kỳ thi mà các bạn còn chưa bao giờ đặt bút làm bài".

Theo chính sách của Hà Tĩnh, học sinh lớp 10 có 7 giải nhất tương đương với điểm IELTS từ 7.0 - 8.0; 2 giải nhì tương đương với điểm IELTS 6.5 và 5 giải ba tương đương với điểm IELTS 6.0.

Nhóm lớp 11 có 22 giải nhất tương đương với điểm IELTS 7.5 - 8.0; 23 giải nhì tương đương với điểm IELTS 7.0 và 32 giải ba tương đương với điểm IELTS 6.5.

Q.H. (18 tuổi, Hà Nội) nhận định việc dựa vào kết quả IELTS để công nhận thành HSG tỉnh môn tiếng Anh là rất khập khiễng và không khách quan.

"Em từng tham dự 2 kỳ thi này và em biết chúng hoàn toàn khác nhau. IELTS là một bài kiểm tra đánh giá toàn diện năng lực vận dụng ngoại ngữ của thí sinh trong môi trường học thuật. Còn bài thi chọn HSG lại đánh giá trình độ chuyên sâu của thí sinh thông qua nhiều dạng câu hỏi tập trung vào kiến thức liên quan đến từ vựng, ngữ pháp", Q.H. nói.

Ngoài ra, theo Q.H. thời gian tổ chức 2 kỳ thi cũng khác biệt nên sẽ khó xem xét tương xứng. Cụ thể, H. nhận định thí sinh muốn cải thiện điểm IELTS có thể thi nhiều lần. Ngược lại, ở kỳ thi chọn HSG tỉnh, thí sinh chỉ được tham dự mỗi năm một lần, nếu không đoạt giải hoặc đạt kết quả như ý, thí sinh không thể thi lại.

T.G. (18 tuổi, TP.HCM) - từng tham dự kỳ thi chọn HSG cấp tỉnh môn tiếng Anh và cũng đạt IELTS 7.5 - cũng không ủng hộ việc đặc cách cho những học sinh có IELTS 6.0-7.0 thành giải nhì và giải ba trong kỳ thi HSG tỉnh.

"Nếu tham dự kỳ thi HSG, các bạn có chứng chỉ IELTS cao chưa chắc sẽ đoạt giải . Em là một ví dụ điển hình. Bạn của em cũng đạt 7.0 IELTS nhưng không thể nào làm nổi đề thi chọn HSG cấp tỉnh", T.G. nói.

 Nhiều học sinh cảm thấy "quy đổi" kết quả của 2 kỳ thi này là không tương xứng. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Giải pháp động viên thí sinh có điểm IELTS cao?

Khác với những ý kiến trên, chị Kim Anh (Hà Nội) - có con từng học IELTS - cho rằng đây là một kỳ thi chuẩn quốc tế, không phải ôn luyện trong thời gian ngắn là có thể đi thi.

"Việc ôn thi lấy chứng chỉ tiếng Anh IELTS là cả một quá trình dài. Các con phải nỗ lực dành nhiều thời gian học, luyện tập và thực hành mới đạt được kết quả mong muốn. Vì vậy, công nhận các con như HSG tỉnh môn tiếng Anh có thể là cách Sở GD&ĐT Hà Tĩnh ghi nhận sự cố gắng của học sinh", chị Kim Anh nói.

Về phía giáo viên, cô Hồ Thu Hằng - giáo viên dạy tiếng Anh ở một trường THPT tại tỉnh Bình Phước - nhận định có thể Hà Tĩnh thực hiện chủ trương này là muốn đẩy mạnh phong trào học tiếng Anh.

"Những bạn đạt điểm IELTS cao thường có nền tảng từ vựng, ngữ pháp và nghe nói tốt. Các bạn cũng phải chăm chỉ, kiên trì mới đạt được thành tích này. Vì vậy, việc đặc cách của Hà Tĩnh như một cách để họ tạo động lực cho các em học tập", cô Hằng nói.

Theo cô Hằng, những học sinh sở hữu chứng chỉ IELTS ở mức điểm 7.5-8.0 nếu tham dự kỳ thi HSG tỉnh vẫn có thể đoạt giải. Tuy nhiên, ở kỳ thi cấp quốc gia, việc sở hữu mức điểm IELTS cao "không thể nói trước điều gì". Ngược lại, những học sinh đoạt giải tỉnh cũng chưa chắc chắn sẽ đạt điểm IELTS 7.0-7.5.

Trước thực trạng chứng chỉ tiếng Anh IELTS ngày càng phổ biến, được nhiều trường đại học sử dụng để xét tuyển và có số lượng học sinh ôn luyện tăng. Cô Hằng lo ngại nếu Hà Tĩnh có nhiều học sinh đạt điểm IELTS cao thì chủ trương của tỉnh sẽ dẫn đến tình trạng "bùng nổ" số lượng thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba ở kỳ thi chọn HSG môn tiếng Anh.

Giáo viên này cho rằng Sở GD&ĐT Hà tĩnh nên xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng số điểm quy đổi từ chứng chỉ IELTS sang giải HSG cấp tỉnh.

Cô Thu Hương - giáo viên của một trường THPT ở tỉnh Sơn La - lại đánh giá đây là việc làm tích cực, khuyến khích kịp thời cho cả học sinh và phụ huynh.

"Có thể ở những thành phố lớn, IELTS là một chứng chỉ phổ biến, nhưng với học sinh ở các tỉnh lẻ đây là một chứng chỉ tiếng Anh phải nỗ lực không ngừng nghỉ mới có thể đạt được. Các em không có điều kiện học trực tiếp mà hầu như tự ôn hoặc tham gia những lớp học IELTS online... nên việc đặc cách là điều hoàn toàn hợp lý, đúng thực lực và khả năng của các em", cô Hương nói.

 Đại diện Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho rằng không thể nói dùng IELTS để đặc cách là khập khiễng so với kỳ thi HSG tỉnh. Ảnh minh họa:Phương Lâm.

Trao đổi với Zing, đại diện Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết UBND tỉnh khuyến khích giáo viên và học sinh tham gia các kỳ thi chứng chỉ quốc tế. Vì vậy, chủ trương đặc cách công nhận HSG tỉnh cho những học sinh có chứng chỉ quốc tế là nhằm thúc đẩy phong trào học tập và nâng cao chất lượng dạy, học tiếng Anh trong nhà trường.

Đại diện Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho rằng kỳ thi IELTS đã được quốc tế cũng như Bộ GD&ĐT công nhận để đánh giá năng lực ngoại ngữ. Vì vậy, không thể nói dùng IELTS để đặc cách là khập khiễng so với kỳ thi HSG tỉnh.

Cụ thể, vị này nhận xét bài thi IELTS có phần hiện đại và toàn diện hơn khi đánh giá thí sinh trên 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết (bao gồm cả trắc nghiệm và tự luận). Trong khi đó, đề thi HSG tỉnh lâu nay lại chú trọng ngữ pháp, phương pháp đánh giá này đang lạc hậu hơn so với các bài thi quốc tế.

Tiếp đó, vị này cho biết hiện tại, Việt Nam đang sử dụng khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc để đánh giá đầu ra tiếng Anh đối với học sinh phổ thông. Các học sinh tốt nghiệp THPT là mức 3/6 (chứng chỉ B1). Trong khi đó, những em đạt 7.0 IELTS đã tương đương mức C1 - cao hơn 2 bậc so với chuẩn đầu ra, thậm chí ngang bằng với mức chuẩn của giáo viên tiếng Anh THPT. Như vậy, không thể nói các em đạt từ 7.0 IELTS trở lên là không giỏi.

Trước ý kiến chủ trương đặc cách của Hà Tĩnh sẽ tạo sự cạnh tranh thiếu công bằng với thí sinh các tỉnh, thành khác khi xét tuyển vào đại học, vị đại diện sở cho rằng chủ trương này đã được thực hiện trước khi các trường có quy định cộng hoặc quy đổi điểm đại học cho thí sinh có IELTS.

"Văn bản và kế hoạch của chúng tôi ra đời trước nhiều năm, không thể khẳng định chúng tôi đưa ra chủ trương để cạnh tranh không công bằng với các thí sinh của tỉnh khác. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không thể can thiệp được vào quy chế tuyển sinh của các trường đại học", đại diện sở nói.

Tác giả: Nguyễn Hằng - Ngọc Bích

Nguồn tin: zingnews.vn