Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chủ tịch Petrolimex: "Nhập hàng xăng dầu về đến cảng đã lỗ rồi"

Theo Chủ tịch Petrolimex thì giá dầu cao nên nhóm doanh nghiệp thượng nguồn lãi lớn, còn lại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trong đó có Petrolimex, lại rất khó khăn, nhập hàng về đến cảng đã lỗ...

Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023 do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức sáng 15/12, ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Petrolimex - đề cập tới các khó khăn, áp lực của ngành xăng dầu.

"Giá dầu có lúc âm, rồi có lúc vượt lên 150 USD. Có ngày tăng giá 10 USD/thùng", ông Thanh nói và cho biết thị trường diễn biến rất phức tạp, biến động bất thường với biên độ lớn và kéo dài chưa từng có tiền lệ. Ông này dùng từ "dị biệt" để nói về thị trường xăng dầu 2 năm vừa qua.

Chủ tịch Petrolimex cho biết, chính vì giá dầu cao nên nhóm doanh nghiệp thượng nguồn lãi lớn. Ngược lại, những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trong đó có Petrolimex lại rất khó khăn. Nhiều quyết định chính sách nhà nước không theo kịp diễn biến "dị biệt" của thị trường xăng dầu dẫn đến tình trạng không phản ánh đủ giá vốn. "Nhập hàng về đến cảng là đã lỗ rồi", ông Thanh nói.

 Ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Petrolimex (Ảnh: GT).

Cũng chính vì nhiều doanh nghiệp lỗ nên theo ông Thanh, nhiều nơi xuất hiện tình trạng thiếu xăng dầu. Các thương nhân kinh doanh xăng dầu chịu áp lực kéo về nguồn cung và kinh doanh thua lỗ… dẫn đến thiếu nguồn cung hoặc chủ động tạm dừng bán hàng để giảm lỗ, gây nên tình trạng bức xúc cho người tiêu dùng. "Áp lực dồn về Petrolimex. Petrolimex đã thể hiện vai trò của doanh nghiệp Nhà nước, cung ứng đủ nguồn cung cho thị trường khi nhiều nơi, trong đó có Hà Nội, TPHCM thiếu xăng dầu", ông Thanh chia sẻ.

Báo cáo của tập đoàn này cho thấy, sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp tăng đột biến trong khi các cơ chế, chính sách, quy định về điều hành thị trường xăng dầu trong nước vẫn còn nhiều bất cập đã tạo nên áp lực rất lớn trong công tác tạo nguồn và ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả kinh doanh của tập đoàn. 

Dù thế, về kết quả kinh doanh ước tính, lãnh đạo này cho biết vẫn cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra. Tổng sản lượng xuất bán hợp nhất toàn tập đoàn ước đạt hơn 13,5 triệu m3, hoàn thành 112% kế hoạch năm, tăng 10% so với năm 2021. Trong đó, sản lượng bán nội địa đạt hơn 10,2 triệu m3, tăng 21% so với năm 2021. Doanh thu hợp nhất ước đạt 240.000 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ. Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 300 tỷ đồng.

Trước đó, báo cáo tài chính của Petrlimex cho biết lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp đạt 225.697 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 88,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, lãi trước thuế 9 tháng chỉ đạt 614 tỷ đồng; lãi sau thuế là 498 tỷ đồng, chỉ bằng 20,7% kết quả cùng kỳ 2021. 

Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết thêm đã kiến nghị nhiều vấn đề liên quan tới thị trường xăng dầu. Cụ thể là tập đoàn kiến nghị với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để phản ánh đủ, kịp thời chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về các cảng và chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam trong giá cơ sở. Bên cạnh đó là kiến nghị Chính phủ sửa đổi các bất cập trong điều hành kinh doanh xăng dầu, đã được chấp thuận trong Thông báo kết luận số 352 của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về chỉ đạo sớm nghiên cứu, rà soát, sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83.

Các kiến nghị tới Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng được ông Thanh đưa ra, trong đó có việc xem xét, phê duyệt các nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban như tăng vốn điều lệ, thoái vốn tại PGBank, PGCC, tái cơ cấu Petrolimex tại Lào, PTC…

Một số nội dung khác gồm kiến nghị nâng mức xăng dầu dự trữ quốc gia, nghiên cứu đầu tư hệ thống kho dự - cảng trữ xăng dầu, và sửa đổi kinh phí bảo quản hàng dự trữ, cho phép Công ty cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex (PA) tiếp tục thuê kho K199 tại Đình Vũ, Hải Phòng đến khi kết thúc hợp đồng vào tháng 9/2023... 

Tác giả: Nguyễn Khánh

Nguồn tin: Báo Dân trí