Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hiệu trưởng thừa nhận việc dạy thêm học thêm đã tồn tại quá lâu

"Các em và gia đình không muốn đi học thêm nhưng vì thầy cô lớp mình đã nhắc nhở mà không đi học sẽ rất ái ngại, vì vậy nhiều em phải đăng ký học trong khi không muốn, thậm chí ấm ức", thầy Bình nói.

Không học thêm không được

Chia sẻ với chúng tôi, chị Hạnh Linh, phụ huynh một học sinh ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, con chị học ở một trường tiểu học ở trên địa bàn.

Trong 4 năm đầu, các cô giáo đều không đề cập đến chuyện học thêm. Thế nhưng đến đầu năm lớp 5, mới vào học hơn một tháng, cô giáo chủ nhiệm nhắn tin vào nhóm Zalo lớp cho toàn bộ phụ huynh về lịch học thêm ở ngoài trường.

"Học lực của con tôi thường đứng top 10 trong lớp. Vả lại, chồng tôi vốn đủ kiến thức kèm được con nên gia đình không đăng ký học thêm.

Thế rồi tôi nhận được tin nhắn riêng ở Zalo, cô giáo cho biết mình rất lo lắng cho các học sinh năm học cuối cấp.

 Nhiều gia đình phải "tự nguyện" cho con học thêm vì… ngại (Ảnh: Ngọc Diệp).

Vì sao gia đình không cho con học "tăng cường" vào cuối tuần, có phải vì kinh tế? Và rồi cô nhắn cho chúng tôi lịch học hai môn Toán, Tiếng Việt kèm với đó là địa chỉ.

Tôi ngại quá, đành phải đăng kí cho con. Hóa ra, không chỉ riêng tôi mà lớp có rất nhiều phụ huynh được cô nhắn tin gợi ý như vậy", chị Linh nói.

Cũng chia sẻ về việc học thêm, một học sinh THPT cho biết, mình là một học sinh cấp 3 ở Hà Nội.

Vài ba tuần sau khai giảng, tất cả các học sinh trong lớp đều được phát một tờ "đơn xin học thêm".

Sau khi tìm hiểu quy định và thấy nhu cầu không cần thiết nên em không đăng kí vào đơn.

Thế rồi đến buổi sinh hoạt vào đầu giờ của ngày hôm sau, thầy gọi riêng học sinh này ra, bảo lớp mình chỉ có em và một bạn nữa không đăng kí học thêm, nguyên nhân vì sao? Có phải do khó khăn tài chính hay không?

Không biết nói thế nào, em đành kí vào tờ đơn và nộp thầy mà trong lòng không hề muốn.

"Tại sao tôi lại bị ép buộc như vậy? Giá như thầy để cho học sinh được thực hiện theo nguyện vọng cá nhân và không "gợi ý" như vậy có phải tốt hơn không", học sinh này nói.

Phụ huynh "tự nguyện" trong ấm ức

Trao đổi với PV Dân trí, thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Lô mô nô xốp (Hà Nội) cho biết, ở trường mình có tình trạng phụ huynh chuyển từ trường công lập sang vì nhiều lý do, trong đó có lý do phải học thêm rất nhiều trong khi nhu cầu của gia đình không cần thiết.

"Ngoài các lý do như khoảng cách giữa trường và nhà, do bố mẹ chuyển công tác, thay đổi định hướng du học cho con... thì còn có một lý do nữa là con phải "tự nguyện" học thêm, học tăng cường nhiều trong khi nhu cầu không cần thiết.

Trong khi đó, một số giáo viên từ trường tư thục lại chuyển sang trường công lập, ngoài lý do ổn định tâm lý còn có lý do để tăng thu nhập vì dạy thêm tăng cường nhiều hơn", thầy Tùng cho hay.

 Phụ huynh không nhất thiết phải lo lắng quá mức, cho con đi học thêm khi thấy nhu cầu không cần thiết (Ảnh: M.H).

Chính vì vậy, theo thầy giáo này, phụ huynh không nhất thiết phải lo lắng quá mức cho con đi học thêm khi thấy nhu cầu không cần thiết.

"Mỗi học sinh cần được phụ huynh hỗ trợ, tìm hiểu kỹ nhu cầu học tập để không phải đi học thêm nếu thấy không nhất thiết phải đi.

Các bài kiểm tra chất lượng đầu năm thường sẽ không cao vì sau kỳ nghỉ hè, học sinh cũng quên kiến thức và sự tập trung chưa cao.

Phụ huynh cũng không phải lo lắng với bài kiểm tra đầu năm có kết quả thấp và đổ xô đưa con đi học thêm ngay lập tức. Thay vào đó, phụ huynh hãy theo dõi, tìm hiểu khả năng của con theo cả một quá trình", thầy Tùng nói.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng thừa nhận, việc dạy học thêm là vấn đề đã tồn tại quá lâu.

Mặc dù các cơ quan quản lý đã quán triệt trong nhiều văn bản nhưng sự việc vẫn bị "biến tướng" với nhiều hình thức tinh vi, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

"Các em và gia đình không muốn đi học thêm nhưng vì thầy cô lớp mình đã nhắc nhở mà không đi học sẽ rất ái ngại, vì vậy nhiều em phải bất đắc dĩ đăng ký học trong khi không hề muốn, thậm chí ấm ức", thầy Bình nói.

Cũng theo Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình, một số phụ huynh cho biết, họ thà bỏ tiền và công khai cho con học hành ở trường tư thục còn đỡ hơn việc "ép tự nguyện" như hiện nay bởi nó gây ấm ức cho cha mẹ học sinh.

Và thực ra các hiệu trưởng nhà trường đều biết việc "ép tự nguyện" học thêm nhưng việc quản lý còn lỏng lẻo. Về phía phụ huynh, nếu người nào nói ra sẽ bị đưa vào danh sách "đen" vì chống đối ngầm nên không ai dám có ý kiến.

"Ở Nhật hoặc Hàn Quốc cũng có dạy học thêm nhưng việc dạy thêm diễn ra ngoài nhà trường.

Theo đó, họ quy định rất chặt chẽ, bất cứ giáo viên nào đang đứng lớp đều không được dạy thêm ở bên trong hoặc ngoài nhà trường.

Các giáo viên dạy thêm ở các trung tâm là những người đã nghỉ hưu hoặc giáo viên độc lập", thầy Bình thông tin.

Thầy Bình cho rằng, việc dạy học thêm sở dĩ "càng cấm càng bung" dưới nhiều hình thức tinh vi bởi lẽ đồng lương của giáo viên hiện nay chưa đủ sống.

Tuy nhiên, việc dạy thêm diễn ra không đồng đều giữa các bộ môn và các địa phương dẫn đến sự mất công bằng bởi không phải giáo viên nào hoặc ở đâu cũng có thể dạy thêm.

Do đó, theo thầy Bình, điều quan trọng nhất lúc này cần nhanh chóng cải cách chế độ tiền lương, cải cách cơ chế quản lý để quản lý việc học thêm một cách cơ bản và chặt chẽ, tránh tình trạng để phụ huynh ấm ức vì "ép tự nguyện".

Tác giả: Hạnh Nguyên

Nguồn tin: Báo Dân trí