Kêu cứu vì 'tắc cửa' thi chứng chỉ tiếng Trung
- 13:18 08-12-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chia sẻ với Tiền Phong, Nguyễn Thị Nga, ở Hà Nội cho biết học bổng CSC (học bổng chính phủ) năm 2023 vào tháng 3 sẽ đóng. Do đó Nga rất cần thi lấy chứng chỉ HSK bậc 4 trở lên. Nhưng hiện tại, mọi con đường có thể đăng ký dự thi đều trong tình trạng bế tắc.
Ảnh minh họa |
Nga cho hay, sau khi Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở tạm dừng tổ chức thi, vừa qua, Trường ĐH Thành Đông đã mở link để Nga đăng ký. Em cũng đã nộp lệ phí. Tuy nhiên, sau đó, Trường lại thông báo chưa thi nên trả lại lệ phí cho các thí sinh. Không có cửa trong nước, Nga lựa chọn đăng ký thi tại Trung Quốc nhưng không hiểu sao các điểm thi tại nước này không nhận địa chỉ IP tại Việt Nam.
“Nếu không kịp thi lấy chứng chỉ tiếng Trung HSK trước tháng 1/2023, em sẽ không còn cơ hội để ứng tuyển học bổng CSC. Em chỉ còn một cơ hội nữa là xét học bổng Khổng Tử vào tháng 5”, Nga cho hay.
Trong khi đó, theo thông lệ, khi tham gia kỳ thi HSK, thí sinh cần đăng ký trước 1 tháng và cần 20 ngày kể từ khi tham gia dự thi để có kết quả. Điều này có nghĩa là nếu muốn xin học bổng CSC thì muộn nhất tháng 2/2023 Nga cần tham gia kỳ thi HSK và phải đăng ký được trong tháng 12 hoặc tháng 1 tới. Nhưng giữa tháng 1 đến giữa tháng 2/2023 lại rơi vào kỳ nghỉ Tết nguyên Đán của Trung Quốc nên chưa nhận được thông tin Bộ GD&ĐT Việt Nam cấp phép cho các trung tâm tổ chức thi, Nga như ngồi trên lửa. Hơn nữa, dù có mở cổng thi trở lại, số lượng thí sinh rất đông nên đăng ký được hay không còn nhờ may mắn.
Tại một nhóm zalo về kỳ thi HSK với khoảng gần 1.000 người, nhiều thành viên tìm phương án sẽ tham gia thi tại Thái Lan để kịp có chứng chỉ đúng thời gian quy định. Một thành viên cho biết đã đăng ký dự thi tại Thái Lan đợt tháng 1 tới. Thời điểm hiện tại, kỳ thi này cũng sắp hết hạn đăng ký. Thành viên này đã hoàn thành các thủ tục về hồ sơ, tài chính, đang đợi bên phía tổ chức thi của Thái Lan duyệt để mua vé máy bay.
Trong khi đó, nhiều thí sinh cho biết phương án bay thẳng qua Trung Quốc để dự thi không khả thi vì hiện nước này chỉ cấp visa cho người nước ngoài đến làm việc (có giấy xác nhận của công ty đang làm) và các du học sinh hệ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ (có giấy báo mời quay lại trường). Hơn nữa, các thí sinh đã đăng ký dự thi trực tuyến qua các trường ĐH của Trung Quốc nhưng cũng đều thất bại. Thậm chí cả những thí sinh đã tham gia các khóa học tiếng Trung trực tuyến ở Trung Quốc cũng không có cơ hội dự thi.
Quá bế tắc, nhiều thành viên trong nhóm Zalo trên đã kêu gọi viết thư đề xuất gửi đến hòm thư điện tử của Bộ GD&ĐT. Trong thư, nhóm mong muốn nhanh chóng giải quyết, xem xét và bổ sung các hồ sơ một cách nhanh nhất để trong thời gian sớm nhất (tháng 12) có thể tham gia kỳ thi này.
Khi nào thí sinh mới được đăng ký thi?
Trước tháng 9 vừa qua, Việt Nam có 7 điểm tổ chức thi chứng chỉ HSK được phía Trung Quốc ủy quyền, gồm: Trường ĐH Sư phạm TP HCM, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế, Viện Khổng Tử (ĐH Hà Nội), Trường ĐH Thành Đông (Hải Dương), Trường ĐH - ĐH Thái Nguyên , Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) và Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng rằng cần đặt lợi ích của thí sinh lên trên hết. Vì thí sinh tham dự kỳ thi HSK thời gian qua đã gặp rất nhiều khó khăn. Trong mùa COVID-19, kỳ thi "đóng băng". Giữa năm 2022 khi được mở lại, vì số thí sinh muốn thi tồn đọng quá lớn nên phải "xếp hàng" chờ đến lượt. Tiếp đó lại hay tin tạm thời hoãn kỳ thi này nên rất nhiều em đã phải bỏ lỡ những cơ hội du học hay có được học bổng vì thiếu chứng chỉ HSK.
Ngoài ra, nhiều em không chọn học ĐH mà học thi chứng chỉ HSK để vào làm công ty. Vì vậy, việc không thể thi để lấy chứng chỉ cũng đồng nghĩa các em không kiếm được việc ở những công ty này.
Đại diện Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay đơn vị này đã gửi hồ sơ lên Bộ GD&ĐT và đang đợi Bộ phản hồi. Về phía Bộ GD&ĐT, ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng thông tin Bộ đang xử lý theo quy định và đã có đơn vị gửi đủ hồ sơ để thẩm định. Bộ sẽ sớm thông báo để thí sinh và các đơn vị tổ chức biết.
Vừa qua, Bộ GD&ĐT có văn bản yêu cầu các đơn vị tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ tạm dừng tổ chức các kỳ thi để hoàn thiện cơ sở pháp lý khi Thông tư số 11 của Bộ quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có hiệu lực. Nhiều chuyên gia cho rằng Bộ cứng nhắc và làm ngược. Lẽ ra Bộ nên thanh kiểm tra, đơn vị nào chưa đảm bảo yêu cầu mới phải tạm dừng để hoàn thiện. Như thế các đơn vị tổ chức các kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ không bị động và dồn đọng gây khó khăn cho thí sinh như hiện nay. |
Tác giả: Nghiêm Huê
Nguồn tin: Báo Tiền Phong