Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX

Sáng 01/12, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tổ chức Hội nghị lần thứ X để nghe và cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy.

 Quang cảnh hội nghị

27/28 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra

 Đ/c Bùi Thanh An – Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo

Năm 2022, toàn tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh nhiều khó khăn: Tình hình thế giới, thời tiết, dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt diễn biến phức tạp; giá xăng, dầu, nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào biến động mạng, gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân,.... Trong bối cảnh đó, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ và nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội năm 2022 đạt được kết quả tích cực, ước cả năm hoàn thành và vượt 27/28 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt 9,08%/mục tiêu 8,5-9,5%; trong đó, khu vực nông, lâm, thủy dản tăng 4,78%; khu vực công nghiệp-xây dựng ước tăng 10,96% (riêng công nghiệp tăng 13,87%); khu vực dịch vụ tăng 10,77%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,13%. Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 20.350 tỷ đồng, vượt 35,7% so với dự toán, bằng 101,8% so với năm 2021.

Các công trình trọng điểm trên địa bàn được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các quy trình thủ tục để triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tính đến ngày 30/11/2022, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 41.872,4 tỷ đồng, tăng 49,16% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó đã cấp mới cho 95 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 28.538,9 tỷ đồng). Đặc biệt, trong năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An nằm trong nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước (tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tính đến ngày 30/11/2022 là 939,45 triệu USD).

Các lĩnh vực văn hoá - xã hội, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm. Chất lượng giáo dục toàn diện được khẳng định. Trong năm, tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 45.000 người, tăng 11,68%; thực hiện kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn. Các cấp, các ngành đã kịp thời quan tâm, chung tay hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai sớm ổn định cuộc sống.

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo quyết liệt. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh công tác tham mưu, chỉ đạo đẩy mạnh CCHC trong năm 2022, chỉ đạo đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo công tác CCHC ở cơ quan, đơn vị. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước; đẩy mạnh việc rà soát, cắt giảm thời gian, đơn giản hóa TTHC tại các cơ quan, đơn vị.

Nghệ An là tỉnh thứ 10 của cả nước đã hoàn thành công tác thẩm định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh cũng đã hoàn thành phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cho 21 huyện, thành, thị.

Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Trong năm tỉnh đã tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự tỉnh và 05 huyện đảm bảo chất lượng, an toàn, đúng kế hoạch. Công tác đối ngoại được quan tâm thực hiện tốt. Tổ chức tốt công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo.

 Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu đánh giá kết quả đạt được

Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu bày tỏ vui mừng và phấn khởi trước kết quả chung tỉnh nhà đạt được trong năm 2022. Cùng với đó, nhiều ý kiến đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, khó khăn và vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đưa ra dự báo tình hình trong năm 2023, đề xuất nhiệm vụ giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.

 Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu

Các ý kiến đề nghị UBND tỉnh đánh giá thêm về khó khăn trong sản xuất nông nghiệp do giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao dẫn đến chỉ tiêu phát triển lĩnh vực này không đạt được kế hoạch đề ra. Dư địa phát triển nông nghiệp rất lớn, đề nghị tỉnh cần có chiến lược, chính sách để hỗ trợ phát triển sản xuất theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW.

Ngành Nông nghiệp cần phối hợp với ngành Công thương để sản phẩm OCOP có thị trường tiêu thụ mang lại giá trị kinh tế cho người dân. Phản ánh các huyện miền núi hiện đang gặp khó khăn trong điều hành ngân sách đầu tư xây dựng các công trình, Bí thư các huyện đề nghị tỉnh hỗ trợ cho các huyện khắc phục các công trình bị hư hỏng do thiên tai bão lũ; việc đầu tư hạ tầng điện trên địa bàn các huyện miền núi, nhất là đối với Quế Phong khi trên địa bàn huyện còn 33 thôn, bản chưa có điện lưới.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ trao đổi một số nội dung liên quan đến phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP; chế độ chính sách cho cán bộ bảo vệ rừng

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị sớm cho triển khai xây dựng khu tái định cư di dời khẩn cấp các hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ; có chính sách hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng, bởi thời gian gần đây số lượng nghỉ việc nhiều do đó lực lượng này càng mỏng trong khi diện tích rừng phải quản lý bảo vệ rất lớn.

Đánh giá cao hoạt động hướng về cơ sở, sát với tình hình thực tế của các ban, ngành cấp tỉnh, nhất là các hoạt động an sinh xã hội, một số ý kiến đề xuất nên chăng mở chương trình hoặc cuộc vận động chung tay toàn xã hội xóa nhà dột nát cho các hộ nghèo.

Ngoài ra, có ý kiến đề xuất tỉnh quan tâm, đầu tư cảng cá Nghi Tân, thị xã Cửa Lò; đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến, bảo quản, dự trữ hàng hóa thủy, hải sản; sớm cấp xi măng thực hiện xây dựng nông thôn mới; thực hiện chuyển đổi số theo Đề án 06, cần chỉ đạo các cấp, các ngành cùng thực hiện một cách đồng bộ...

Ý kiến của các đại biểu đã được lãnh đạo các ngành, UBND tỉnh trao đổi, trả lời cụ thể. Điểm lại những kết quả nổi bật tỉnh nhà đạt được trong thời gian qua, theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung “cái quan trọng nhất chúng ta đạt được là sự đoàn kết, thống nhất từ trong Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lan tỏa ra các ngành, các địa phương; thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, hành động tổ chức triển khai thực hiện”. Việc phân vai cho các ngành, các địa phương rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền.

Tuy nhiên, thực tế dù có nguyên nhân khách quan, hay chủ quan thì việc tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về đầu tư nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Vinh và xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò chưa đạt yêu cầu; chậm triển khai trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư chậm. Cải cách hành chính trong công tác phối hợp giữa các ngành với nhau, giữa các ngành với các địa phương chưa thực sự nhuần nhuyễn, thông suốt. Một số doanh nghiệp vẫn còn phản ánh chưa hài lòng với cách giải quyết công việc của một số sở, ngành...

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, căn cứ vào kết quả đạt được trong năm 2022, dự báo tình hình năm 2023 tiếp tục là một năm rất khó khăn, UBND tỉnh đã tính toán và đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đạt từ 9-10% để có cơ sở thực hiện; đề nghị các ngành, địa phương tập trung, quyết tâm để thực hiện đạt mục tiêu đề ra.

Thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh

 Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý kết luận

Khái quát lại tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2022, theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý, mặc dù có nhiều yếu tố bất lợi và khó khăn, ảnh hưởng chung từ tình hình thế giới, biến động giá cả nguyên nhiên vật liệu, thiên tai, dịch bệnh nhưng bằng sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp sự đồng lòng, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã đưa kinh tế tỉnh nhà tiếp tục phát triển với kết quả hết sức tích cực.

Riêng Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành 03 Nghị quyết, 03 Chỉ thị để giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, trong đó có những vấn đề khá phức tạp, nhạy cảm, được dư luận quan tâm như Nghị quyết tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các dự án sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn...

HĐND tỉnh lần đầu tiên trong 01 năm tổ chức 7 kỳ họp, trong đó có 5 kỳ họp chuyên đề, 02 kỳ họp thường lệ thể hiện sự linh hoạt, không cứng nhắc, không máy móc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề kịp thời để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh đã tập trung thực hiện 6 trọng tâm, 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; tiếp tục duy trì các Tổ công tác phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, các cấp, các ngành cũng đã tích cực, chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách liên quan đến các lĩnh vực.

Tinh thần chỉ đạo rất tập trung, có trọng tâm, trọng điểm của các cấp, các ngành đã làm cho bức tranh kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh tỉnh nhà có nhiều điểm sáng, rất đáng ghi nhận thể hiện qua tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, thu hút đầu tư, đặc biệt trong thu hút đầu tư FDI Nghệ An lần đầu tiên được lọt tóp 10 địa phương có tổng vốn đầu tư nước ngoài cao nhất, điều đó minh chứng cho môi trường hấp dẫn, được các nhà đầu tư tin tưởng, lựa chọn do đó cần phải duy trì, phát huy và cần phải quan tâm, “chăm sóc“ các nhà đầu tư đã đến với Nghệ An.

Song song với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa – giáo dục tiếp tục được quan tâm, chăm lo duy trì, phát huy và đạt được những kết quả hết sức tích cực. Quốc phòng an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn ổn định. Công tác đối ngoại được tổ chức tốt, nhất là chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào. “Những kết quả đạt được là minh chứng cho sự vận hành tốt của hệ thống chính trị; tinh thần đoàn kết, thống nhất được đề cao; khẳng định bước đi đúng hướng, vững chắc“- Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cũng đã chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, nhất là trong triển khai tháo gỡ các nút thắt về xây dựng 2 công trình hạ tầng chiến lược cảng nước sâu, nâng cấp mở rộng sân bay quốc tế Vinh và công tác cải cách hành chính chưa đạt được mục tiêu đặt ra. Đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm do đó yêu cầu người đứng đầu cấp ủy cần phải vào cuộc chỉ đạo để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn...

Công tác quản lý nhà nước đối với một số nội dung cần được quan tâm như dự án chậm tiến độ, khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, xử lý rác thải... Trong lĩnh vực văn hóa xã hội cần lưu ý trong tổ chức đấu thầu cung cấp thuốc, thiết bị vật tư y tế, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục...

Năm 2023, dự báo tiếp tục có những khó khăn, bất lợi, thống nhất mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch mà UBND tỉnh đề ra, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nhấn mạnh cần phải triển khai các giải pháp để tháo gỡ 3 điểm nghẽn về xây dựng 2 công trình hạ tầng chiến lược và công tác cải cách hành chính. Riêng trong công tác cải cách hành chính cần thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban, phân công các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tại các địa bàn phụ trách; các ngành, địa phương thành lập Tổ công tác thực hiện. Cùng với đó, tập trung thực hiện Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh, mở rộng Khu kinh tế Đông Nam.

Đồng thời, tổ chức tốt hội nghị tổng kết Nghị quyết 26, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới kèm với đó phải chuẩn bị tham mưu cơ chế, chính sách để thực hiện ngay khi Nghị quyết được ban hành.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị từ nay đến cuối năm các cấp, các ngành rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu chưa hoàn thành tiếp tục tập trung, quyết liệt thực hiện để kết quả cao nhất; trong đó, tập trung cho công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng thời chuẩn bị tốt, đảm bảo các điều kiện cho nhân dân được vui tết đón xuân đầm ấm, vui tươi, nhất là đối với các gia đình chính sách, hộ nghèo, đối tượng yếu thế.

Tác giả: Phan Quỳnh

Nguồn tin: nghean.gov.vn