Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Những quy định đáng chú ý nhất có hiệu lực từ tháng 12

Nhiều quy định mới, đáng chú ý liên quan đến cơ cấu tổ chức Bộ Ngoại giao, xử phạt trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của thừa phát lại, sổ hộ khẩu... có hiệu lực từ tháng 12.

Cơ cấu, tổ chức của Bộ Ngoại giao

Từ ngày 1/12, Nghị định 81/2022 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao chính thức có hiệu lực.

Cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao gồm: Vụ Châu Âu; Vụ Châu Mỹ; Vụ Đông Bắc Á; Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương; Vụ Trung Đông - Châu Phi; Vụ Chính sách đối ngoại; Vụ Tổng hợp kinh tế; Vụ ASEAN; Vụ các Tổ chức quốc tế; Vụ Hợp tác kinh tế đa phương; Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO; Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế; Vụ Biên Phiên dịch đối ngoại; Vụ Thông tin Báo chí; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng Bộ; Thanh tra Bộ;

Cục Cơ yếu - Công nghệ thông tin; Cục Lãnh sự; Cục Lễ tân Nhà nước; Cục Ngoại vụ; Cục Quản trị Tài vụ; Sở Ngoại vụ TPHCM; Ủy ban Biên giới quốc gia; Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; Học viện Ngoại giao; Báo Thế giới và Việt Nam; Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

 Trụ sở Bộ Ngoại giao (Ảnh: BNG).

Trong đó, Vụ Châu Âu được tổ chức 5 phòng; các Vụ: Tổ chức cán bộ, Luật pháp và Điều ước quốc tế được tổ chức 4 phòng; các Vụ: Châu Mỹ, Đông Bắc Á, Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương, Trung Đông - Châu Phi được tổ chức 3 phòng.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trình Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Biên giới quốc gia, Học viện Ngoại giao; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc Bộ Ngoại giao.

Chức danh Địa chính viên được bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

Thông tư 12/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành tài nguyên và môi trường đã bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với chức danh nghề nghiệp Địa chính viên.

Theo đó, một số chức danh như địa chính viên hạng II, địa chính viên hạng III, địa chính viên hạng IV cần đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sau: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với khung năng lực của vị trí việc làm hoặc ngành, chuyên ngành đất đai, địa chính, bản đồ, trắc địa, viễn thám, địa lý; có chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành địa chính (bỏ yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học so với quy định cũ).

Ngoài ra, đối với tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoài các tiêu chuẩn đã được quy định, địa chính viên hạng III phải có thêm kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Viên chức thăng hạng từ chức danh địa chính viên hạng III lên chức danh địa chính viên hạng II phải có thời gian công tác giữ chức danh địa chính viên hạng III hoặc tương đương đủ từ 9 năm trở lên, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh địa chính viên hạng III đủ từ 2 năm trở lên (quy định cũ 1 năm).

Thông tư 12 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/12.

Sử dụng bằng nghề của người khác bị phạt đến 20 triệu đồng

Ngày 12/12, Nghị định số 88/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp sẽ được đưa vào áp dụng, thay thế cho Nghị định 79/2015.

Nghị định 88 đã tăng mạnh mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của người khác hoặc cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của mình sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng (trước đó chỉ phạt từ 3 - 5 triệu đồng).

Hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trước đó chỉ phạt từ 5 - 7 triệu đồng thì từ ngày 12/12 mức phạt đã tăng lên thành từ 10 - 20 triệu đồng.

Ngoài ra, Nghị định 88 cũng bổ sung một số hành vi mới bị xử phạt hành chính như: Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi kỷ luật người học không đúng quy định; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Quy định về quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại

Nghị định 90/2022 của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng nhà, đất do Bộ Ngoại giao quản lý để phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước có hiệu lực từ ngày 15/12.

Nghị định nêu rõ nguyên tắc, việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng và các pháp luật khác có liên quan; trường hợp các Điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thực hiện theo Điều ước quốc tế đã ký.

Giá cho thuê nhà phục vụ đối ngoại được xác định theo thị trường; đảm bảo bù đắp chi phí, có tích lũy để bảo tồn và phát triển nhà phục vụ đối ngoại; việc miễn hoặc giảm giá cho thuê nhà thấp hơn giá thị trường do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định trên nguyên tắc "có đi có lại", phù hợp với quan hệ đối ngoại của Nhà nước.

Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại theo chức trách, nhiệm vụ được giao; quản lý nguồn thu, các khoản chi theo quy định của pháp luật.

Bộ Tư pháp ban hành quy tắc ứng xử của thừa phát lại

Thông tư số 08/022 của Bộ Tư pháp quy định về quy tắc đạo đức nghề nghiệp thừa phát lại với chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử trong quá trình hành nghề có hiệu lực kể từ ngày 22/12.

Trong đó nêu rõ, thừa phát lại bị cấm thực hiện một số hành vi với người yêu cầu như: Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người yêu cầu; nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người yêu cầu ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng; nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích nào khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện yêu cầu.

 Thừa phát lại (Ảnh: B.H).

Thừa phát lại cũng không được lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án có liên quan đến quyền, lợi ích của chính mình với người yêu cầu, những người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng nghiêm cấm thừa phát lại gây áp lực, ép buộc, lừa dối, đe dọa, chiết khấu hoặc đưa ra hứa hẹn nhằm lôi kéo người yêu cầu phải sử dụng dịch vụ...

Thừa phát lại có trách nhiệm giữ bí mật, hướng dẫn thư ký nghiệp vụ, nhân viên của văn phòng mình giữ bí mật các thông tin trong hồ sơ công việc và tất cả thông tin biết được về nội dung công việc trong và sau khi giải quyết yêu cầu. Trường hợp cung cấp thông tin về việc thực hiện công việc cho người khác phải được sự đồng ý bằng văn bản của người yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Sổ hộ khẩu sắp… hết hạn

Khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2021) quy định: "Kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022".

 Sổ hộ khẩu được sử dụng và có giá trị cho đến hết ngày 31/12/2022 (Ảnh: N.D).

Như vậy, tháng 12/2022 được coi là những ngày cuối cùng người dân được sử dụng Sổ hộ khẩu. Từ ngày 1/1/2023 cuốn sổ này sẽ chính thức bị khai tử, người dân có thể bỏ Sổ hộ khẩu hoặc lưu giữ như một vật kỷ niệm.

Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu UBND cấp tỉnh rà soát, điều chỉnh ngay để bãi bỏ các quy định về việc yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu để sử dụng căn cước công dân, định danh điện tử, dữ liệu dân cư trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính cho công dân.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí