Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phụ huynh lo ngay ngáy về bữa ăn bán trú trường học

Mặc dù quy định về an toàn thực phẩm ở trường học đã có nhưng nhiều nơi vì lợi nhuận, thiếu kỹ năng nên vẫn khiến phụ huynh lo ngay ngáy về bữa ăn bán trú trường học.

Khóc cười chuyện lo bếp ăn bán trú

Vụ việc hơn 600 học sinh ngộ độc thực phẩm, trong đó hơn 200 em phải nhập viện khiến phụ huynh xôn xao những ngày gần đây chưa kịp lắng xuống thì mới đây, 11 học sinh ở Tây Ninh tiếp tục nhập viện.

Cụ thể ngày 26/11, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh và Trung tâm Y tế TP Tây Ninh tiếp nhận 11 học sinh nhập viện điều trị với dấu hiệu ngộ độc thực phẩm như nôn ói, sốt cao, đau bụng.

Theo thông tin sơ bộ ban đầu, nguyên nhân ngộ độc nghi là do ăn sushi cơm cuộn trước cổng trường học.

 Bữa ăn học đường luôn là nỗi lo thường trực của nhiều phụ huynh học sinh (Ảnh: Mỹ Hà).

Rõ ràng bữa ăn bán trú trường học hay các thực phẩm bày bán xung quanh các cổng nhà trường hiện nay rất ảnh hưởng rất lớn đến các em học sinh nhưng ít được các đơn vị quan tâm hoặc nhà trường thiếu kĩ năng để kiểm duyệt bữa ăn học đường.

Chia sẻ sau sự việc hàng trăm học sinh ngộ độc ở Nha Trang, một hiệu trưởng trường phổ thông ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, mình thường xuyên cùng một số thành viên, 4 giờ sáng dậy đi kiểm tra thực phẩm cho bữa ăn của nhà trường.

Theo đó, quy trình làm việc khá chặt chẽ, nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, tươi sống...

Các bữa ăn đều có thành viên Ban giám hiệu kiểm tra trước, thậm chí nhà trường có cả que test thực phẩm. Đồng thời, phụ huynh được phép đến trường kiểm tra bữa ăn liên tục.

"Có lần chúng tôi test nhanh bằng que test mặt hàng rau xanh thì thấy dương tính với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Chúng tôi hốt hoảng dừng toàn bộ rau xanh, chuyển thức ăn thay thế khác cho học sinh.

Sau đó, nhà trường gửi mẫu đến Viện an toàn vệ sinh thực phẩm xét nghiệm thì ra kết quả âm tính.

Hôm đó, nhà trường một phen xôn xao và bỏ mất 800kg rau. Thế nhưng chúng tôi vẫn vui vẻ vì mình đã cẩn trọng đến tận bước cuối cùng", hiệu trưởng nhà trường nói.

Theo ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội), trường này xây dựng thực đơn trước một tuần và học sinh đăng ký trước với thực đơn đó.

Nhà trường cũng chủ động chuẩn bị nguồn thực phẩm, đảm bảo ngày nào cung cấp ngày đó, đúng với số lượng, định lượng và chất lượng bữa ăn.

Đặc biệt, ông cùng một số thành viên khác trong trường đi kiểm tra thực phẩm cho bữa ăn của nhà trường.

 Các quy định an toàn thực phẩm được ghi rõ trong nhiều văn bản của Bộ GD&ĐT cùng Bộ Y tế (Ảnh: M. Hà).

Khi nhà trường tin chất lượng bao bì sản phẩm

Chị Lê Lương, phụ huynh ở Hà Nội cho biết, suất ăn của trường con chị là 30.000 đồng/suất nhưng con chị nói cơm bán trú rất dở. Bữa nào con cũng không ăn hết, thậm chí phải chan canh ăn nhanh qua bữa.

Chị Thu Hương (khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, nhiều vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm trường học gần đây khiến phụ huynh rất bất an.

Vấn đề nhà trường cho biết thực phẩm được ký từ đơn vị cung cấp uy tín nhưng thực phẩm đó có đảm bảo hay không thì cần cơ quan chức năng cao hơn kiểm soát vì phụ huynh chỉ nhìn bằng mắt thường, rất khó nắm bắt.

Được biết vấn đề an toàn thực phẩm trường học được quy định trong một số thông tư của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế.

Trong đó, ngoài quy định về nhà ăn, bếp ăn, kho chứa thực phẩm, đối với hoạt động chế biến thực phẩm được quy định rất rõ ràng.

Cụ thể, các cơ sở giáo dục chỉ sử dụng lương thực, thực phẩm có nguồn gốc và bảo đảm an toàn thực phẩm;

Thực phẩm phải được làm sạch trước khi chế biến; Quá trình chế biến, phân phối, sử dụng, lưu giữ phải thực hiện theo các quy định của Bộ Y tế về an toàn thực phẩm;

Thức ăn, thực phẩm, đồ uống phải được che chắn tránh ruồi, nhặng, chuột và sự xâm nhập của các động vật khác…

Trường hợp sử dụng dịch vụ cung cấp thức ăn sẵn thì phải lựa chọn các cơ sở có đủ điều kiện bảo đảm toàn thực phẩm theo quy định.

Thế nhưng nói như một hiệu trưởng ở Hà Nội, các văn bản được trang bị đến từng ngóc ngách, vấn đề nhà trường có thực hiện đúng cam kết và các quy định về bữa ăn học đường hay không.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết, yêu cầu các nhà trường khi ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng thực phẩm không chỉ tin vào các giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện mà phải có khâu hậu kiểm.

Nhà trường có thể mời các phụ huynh cùng tham gia đi kiểm tra công ty đó họ nhập thực phẩm đầu vào ở đâu, nguồn gốc ra sao.

Trong khi đó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết, quản lý nhà trường, phụ huynh sẽ không có chuyên môn sâu về thực phẩm, dinh dưỡng.

Do vậy, khi giao nhận hằng ngày, họ cũng chỉ biết tin vào cảm quan và nhãn mác được bán trên bao bì sản phẩm.

Vấn đề là các cơ quản quản lý thị trường và ngành y tế tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm của các đơn vị cung cấp.

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí