Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Lạc đà Qatar 'còng lưng' vì World Cup

Những con lạc đà ở Qatar đang phải 'làm thêm giờ' để phục vụ nhu cầu của hàng dài khách quốc tế đổ về đây xem World Cup và muốn tranh thủ trải nghiệm văn hóa tại quốc gia này.

 Khi Qatar chào đón số lượng du khách lớn chưa từng thấy trong thời gian diễn ra World Cup, ngay cả những con lạc đà cũng phải "làm việc ngoài giờ". Các du khách đang gấp rút hoàn thành danh sách những trải nghiệm du lịch vùng Vịnh: Chụp ảnh với chim ưng, cưỡi lạc đà và lang thang qua các ngõ hẻm nhỏ trong khu chợ truyền thống.

 Phóng viên AP đã chứng kiến một buổi cưỡi lạc đà tại Mesaieed, khi hàng trăm du khách mặc áo bóng đá hoặc quấn quốc kỳ trên vai đứng xếp hàng chờ đến lượt cưỡi lạc đà. Những con lạc đà không nhúc nhích liền bị người điều khiển bắt đứng dậy.

 “Cảm giác ấy thật tuyệt vời khi cao vọt lên”, Juan Gaul, một du khách người Argentina 28 tuổi, nói. Người làm nghề điều khiển lạc đà đang kiếm được số tiền lớn hơn ngày thường nhiều lần. “Tiền đang đổ tới rất nhiều”, ông Ali Jaber al Ali, thợ chăn lạc đà 49 tuổi xuất thân Sudan, nói. “Cảm ơn thượng đế, nhưng áp lực công việc hiện rất lớn”.

 Ông al Ali đến Qatar 15 năm trước nhưng đã làm việc với lạc đà từ khi còn nhỏ. Trước World Cup, công ty của ông tổ chức trung bình khoảng 20 lượt cưỡi lạc đà mỗi ngày trong tuần và 50 lượt vào cuối tuần.

 Hiện tại, ông al Ali và đồng nghiệp tổ chức 500 lượt cưỡi vào buổi sáng và 500 lượt vào buổi tối. Số lạc đà của công ty ông al Ali cũng được tăng từ 15 lên 60 con. “Hướng dẫn viên du lịch muốn mọi thứ diễn ra nhanh chóng, nên họ gây thêm áp lực cho chúng tôi”, ông nói.

 Khi đám đông vây kín, nhiều con lạc đà ngồi im như tượng với mõm có đeo vải. AP mô tả xung quanh khu vực nồng nạc mùi phân lạc đà. Giống như các nền văn hóa vùng Vịnh khác, người Qatar dùng lạc đà như một phương tiện vận chuyển quan trọng, giúp khám phá và phát triển các tuyến đường thương mại. Ngày nay, loài động vật này trở thành công cụ văn hóa. Đua lạc đà là môn thể thao phổ biến bên ngoài thành phố.

 Al Ali nói ông biết khi nào con lạc đà thấm mệt: Khi nó không chịu đứng dậy hoặc ngồi xuống ngay sau khi đã đứng dậy. Ông có thể nhận ra từng con lạc đà bằng các đặc điểm trên khuôn mặt. “Tôi là người Bedouin. Tôi đến từ một gia đình người Bedouin chăm sóc lạc đà. Tôi lớn lên trong tình yêu với chúng”, ông al Ali nói.

 Lượng khách du lịch tăng vọt cũng đồng nghĩa với việc một con lạc đà có ít thời gian nghỉ ngơi giữa các chuyến hơn, ông al Ali nói. Một lượt cưỡi ngắn sẽ kéo dài 10 phút, trong khi chuyến đi dài 20-30 phút. Thông thường, lạc đà sẽ được nghỉ ngơi cứ sau 5 chuyến. "Mọi người liên tục nói họ không thể chờ đợi vì có nhiều kế hoạch khác cần thực hiện tại sa mạc", ông al Ali nói.

 Kể từ khi World Cup bắt đầu, những con vật này thường phải chở khách liên tục 15-20 chuyến, có khi tới 40 chuyến không ngừng nghỉ. Một ngày của ông al Ali bắt đầu vào khoảng 4h30. Ông cho hay một số khách du lịch đến từ lúc bình minh, với hy vọng có được bức ảnh hoàn hảo. Từ giữa trưa đến 14h, cả người điều khiển và lạc đà đều nghỉ ngơi để "chuẩn bị cho trận chiến buổi chiều".

 Tuy nhiên, không phải ai cũng hứng thú với trải nghiệm này. Pablo Corigliano - 47 tuổi đến từ Buenos Aires - cho biết ông đã hy vọng điều gì đó chân thực hơn. "Tôi mong thứ gì đó hoang dã hơn. Tôi nghĩ mình sẽ băng qua sa mạc, nhưng khi tới nơi thì không khác gì những điểm du lịch khác", ông nói.

Tác giả: Phương Linh

Ảnh: AP

Nguồn tin: zingnews.vn