Lý do Bộ Nông nghiệp 8 lần 'xin' trả lại vốn ngân sách
- 16:40 28-11-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước về việc điều chỉnh lần thứ 8 kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách Nhà nước năm 2022.
Theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2022, bộ được giao số vốn hơn 6.400.000 tỷ đồng, Trong đó vốn trong nước hơn 4.500 tỷ đồng, vốn ODA 1.900 tỷ đồng. Tính đến tháng 11, giải ngân đầu tư công của ngành nông nghiệp mới chỉ đạt được 40%, trong đó vốn trong nước 37,3%, vốn nước ngoài 53,5%.
Sau khi rà soát kết quả thực hiện, Bộ NN&PTNT đã điều chỉnh kế hoạch vốn phân bổ cho các dự án, trong đó bộ này xin trả lại hơn 1.200 tỷ đồng, gồm: Vốn trong nước là 767 tỷ đồng, vốn ODA là 460 tỷ đồng. Đây là lần điều chỉnh vốn lần thứ 8 trong năm nay của ngành nông nghiệp.
Hồ Bản Mồng (Nghệ An) thi công 14 năm vẫn chưa biết ngày về đích. |
Đáng chú ý, trong số vốn trả lại, có tới hơn 1.100 tỷ đồng Bộ NN&PTNT bố trí cho các dự án như: Hồ chứa nước Krông Pach thượng (Đak Lak), Hồ chứa nước Cánh Tạng (Hòa Bình), Hồ Bản Mồng (Nghệ An), dự án Quản lý nước Bến Tre - JICA3. Theo Bộ NN&PTNT, đến nay vẫn chưa thể phân bổ vốn do các dự án không có khả năng giải ngân.
Đây đều là những dự nhóm A (trọng điểm) của ngành nông nghiệp được thực hiện trong hơn chục năm qua, kỳ vọng rốt ráo hoàn thành trong giai đoạn trung hạn 2016-2020, nhưng đến nay vẫn chậm tiến độ và mờ mịt ngày về đích.
Ngoài ra, trong số các dự án khởi công mới trong năm nay của ngành nông nghiệp, các dự án xin giảm vốn thực hiện nhiều nhất thuộc lĩnh vực thủy lợi, lâm nghiệp. Riêng lĩnh vực thủy lợi, có 7 dự án xin giảm nguồn vốn bố trí so với kế hoạch giao khoảng 45 tỷ đồng; có 4 dự án được tăng thêm khoảng 150 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ.
Theo Bộ Tài chính, trong 10 tháng năm nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đạt 46,44% kế hoạch. So với kế hoạch Thủ tướng giao, tỷ lệ giải ngân đạt 51,34%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (55,80%). Trong đó, có 11 Bộ, ngành và 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 55%; 30 Bộ, ngành và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 45%.
Bộ Tài chính nhận được văn bản đề nghị giảm kế hoạch vốn năm 2022 của 9 Bộ, cơ quan trung ương với hơn 5.352 tỷ đồng, gồm: Ủy ban Dân tộc; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Tài chính; Bộ Ngoại giao; Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Tòa án Nhân dân tối cao; Bộ Công Thương; Bộ NN&PTNT.
Tác giả: Dương Hưng
Nguồn tin: Báo Tiền Phong