Ai chịu trách nhiệm vụ ngộ độc làm 1 học sinh trường iSchool tử vong
- 15:37 21-11-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 17/11, trường iSchool Nha Trang tổ chức ăn bán trú cho 930 học sinh, chia làm bữa trưa và chiều. Cơm trưa có gà sốt trứng, gỏi gà, cánh gà chiên, canh (xương, cà rốt, cải thảo), dưa leo, còn bữa chiều có bánh ngọt, uống nước tại hệ thống lọc của trường.
Từ khuya 17/11, các cơ sở y tế tại Khánh Hòa ghi nhận tổng cộng 600 học sinh của trường nhập viện do ngộ độc thực phẩm. Trong số này, em L.S.X. (6 tuổi, ở TP Nha Trang) đã tử vong, còn 21 em khác đang chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện.
Theo cơ quan chức năng, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cho trường là hộ kinh doanh Bùi Phúc Lam ở phường Xương Huân, TP Nha Trang. Trường hợp này, ai phải chịu trách nhiệm với gia đình các em học sinh?
Học sinh trường iSchool cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Xuân Hoát. |
Luật sư, nguyên kiểm sát viên Dương Đức Thắng (Phó giám đốc Công ty Luật Myway) cho rằng để làm rõ sự việc, cần xác định nguyên nhân ngộ độc. Từ căn cứ này, trách nhiệm pháp lý của các cá nhân, tổ chức liên quan sẽ được xác định.
"Đối với trường hợp tử vong, cơ quan chức năng sẽ pháp y tử thi, lấy mẫu các chất có trong máu và dạ dày nạn nhân nhằm xác định nguyên nhân. Đối với các trường hợp khác, việc xét nghiệm máu, dạ dày cũng có thể được tiến hành nhằm xác định các loại độc tố có trong cơ thể các em học sinh sau khi dùng bữa tại trường. Căn cứ kết quả giám định, có 2 trường hợp có thể xảy ra. Đó là ngộ độc do nguồn gốc thực phẩm có độc và ngộ độc do độc tố phát ra trong quá trình chế biến thức ăn", ông Thắng nhận định.
Trường hợp ngộ độc do nguồn gốc thực phẩm, luật sư cho rằng cơ quan chức năng sẽ làm rõ đơn vị nào cung cấp nguyên liệu để hộ kinh doanh Bùi Phúc Lam chế biến, nấu suất ăn cho iSchool. Khâu nuôi trồng, kiểm duyệt thực phẩm của họ sẽ được kiểm định lại nhằm xác minh quy trình nuôi trồng, chế biến thực phẩm của họ đã tuân thủ đúng nguyên tắc, quy trình, đảm bảo quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm hay chưa.
Nếu xác định có độc tố trong thực phẩm và đó là nguyên nhân dẫn tới vụ ngộ độc tập thể, lỗi sẽ thuộc về đơn vị cung cấp thực phẩm. Khi đó, các cá nhân liên quan tới hoạt động nuôi trồng và kiểm định chất lượng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với sai phạm của mình.
Ngoài ra, nếu trong thỏa thuận giữa hộ kinh doanh Bùi Phúc Lam với cơ sở này có quy định về trách nhiệm pháp lý của các bên khi phát sinh vấn đề, hộ kinh doanh này cũng có thể phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường cho các nạn nhân. Trường hợp hộ kinh doanh biết thực phẩm của cơ sở cung cấp này có vấn đề, có thể gây nguy hại cho sức khỏe nhưng vẫn nhập về để chế biến suất ăn, những cá nhân liên quan còn phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi này.
Nếu xác định hộ kinh doanh này tự nuôi trồng, sản xuất thực phẩm để chế biến thức ăn, trách nhiệm sẽ thuộc về đơn vị này.
Phụ huynh trường iSchool trong buổi làm việc với nhà trường. Ảnh: Xuân Hoát. |
Trường hợp ngộ độc do độc tố sinh ra trong quá trình chế biến thức ăn, ông Thắng cho rằng cần xem xét trách nhiệm của người đầu bếp.
"Có nhiều loại thực phẩm không có độc, nhưng khi kết hợp với nhau lại tạo ra độc tố. Cần làm rõ đầu bếp có được đào tạo bài bản, hiểu biết về mức độ nguy hiểm khi kết hợp một số nguyên liệu với nhau không, hay người này chỉ nấu ăn tự phát, làm việc theo thói quen và không biết về những vấn đề này", nguyên kiểm sát viên nói.
Tuy nhiên, dù biết hay không biết về hậu quả có thể xảy ra, việc đầu bếp chế biến món ăn có độc tố khiến 600 học sinh bị ngộ độc, trong đó có một em tử vong vẫn là hành vi có dấu hiệu hình sự. Nếu họ biết những vẫn cố tình thực hiện, đây là hành vi có dấu hiệu của tội Giết người. Nếu đây là lỗi vô ý, họ vẫn có thể bị xử lý về tội Vô ý làm chết người.
Tác giả: Hoàng Linh
Nguồn tin: zingnews.vn