Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Lớp học đặc biệt chỉ có 3 học sinh, cô vừa là mẹ, vừa là... bác sĩ

Cô Phạm Minh Chính – giáo viên Trường Tiểu học Tiền phong 4 – huyện Quế Phong – Nghệ An đứng lớp cắm bản với vỏn vẹn 3 em học sinh, trong đó 1 em bị bại não.

 Buổi trưa không dám cho trò về vì sợ qua khe suối nguy hiểm, cô giáo Phạm Minh Chính (trường Tiểu học Tiền Phong 4- Quế Phong - Nghệ An) nấu cơm cho 2 học sinh ở lại trường. Ảnh: Quang Đại

Dịp 20.11, cô Phạm Minh Chính – giáo viên tại điểm trường lẻ bản Xốp Sành - xã Tiền Phong (Quế Phong – Nghệ An) lo sốt vó vì học sinh Lương Anh Tú ốm. Điểm trường Xốp Sành thuộc Trường Tiểu học Tiền Phong 4 chỉ có 3 học sinh gồm: Lương Anh Tú, lớp 1D; Vi Đức Hoàng, lớp 2D và Lương Ngọc Trí lớp 2D.

“Cả 3 em đều là con hộ nghèo, hoàn cảnh rất khó khăn, trong đó em Vi Đức Hoàng bị bại não, mẹ lại vừa mổ tim, là học sinh diện hòa nhập” – cô Chính cho hay.

 Em Lương Anh Tú - lớp 1D - điểm bản Na Sành do cô Phạm Minh Chính làm chủ nhiệm. Ảnh: Quang Đại

Lớp ghép chỉ có 3 em, nên 1 em vắng là trống hẳn. Cô Chính lo lắm, đã mua quà bánh đến thăm và động viên em Lương Anh Tú. Người nhà bảo em chỉ mệt, sốt thông thường nên cô cũng đỡ lo.

“Cô trò gắn bó với nhau như mẹ con một nhà. Bố mẹ các em khó khăn nên ít quan tâm việc học của con. Mỗi buổi sáng khi các em đến lớp, câu đầu tiên tôi hỏi là các con đã ăn sáng chưa, nếu em nào chưa ăn thì tôi pha mì tôm cho. Buổi trưa em nào ở lại thì cùng ăn cơm với cô” – cô Chính cho hay.

Để động viên học sinh, cô giáo hứa em nào cuối năm học giỏi sẽ có phần thưởng. Thỉnh thoảng, cô lại mua kẹo bánh, giúp các em quần áo, sách vở.

“Tôi phải chăm lo cho các em từng tí một, kể cả động tác viết, đầu tóc, cách chào hỏi. Các em có biểu hiện mệt, ho sốt là cô lo lắng, tìm cách hỗ trợ điều trị. Tôi vừa là giáo viên, vừa là mẹ, vừa là bác sĩ” – cô Chính hài hước.

Nhà cô Phạm Minh Chính ở thị trấn Kim Sơn (huyện Quế Phong), từ nhà đến điểm trường Xốp Sành 30km. Đường đến trường đi qua nhiều khe suối, dốc cao, mùa mưa trơn lầy lội nguy hiểm. Đường xa khó đi như thế nhưng cô Chính cũng phải cố gắng đi về trong ngày, vì con cô còn nhỏ, năm nay mới 4 tuổi rưỡi. Chồng cô làm nghề lao động tự do, thu nhập bấp bênh, mọi chi tiêu trông vào đồng lương giáo viên của vợ.

Mặc dù dạy ở vùng đặc biệt khó khăn, nhưng cô Chính không được hưởng phụ cấp gì thêm. Nhà trường động viên anh em đồng nghiệp bỏ tiền túi hỗ trợ các giáo viên cắm bản một ít tiền xăng xe, và phân công giáo viên cắm bản luân phiên. Ai cũng xác định là trách nhiệm nên vui vẻ chấp hành, cùng động viên, chia sẻ, giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ.

“Thầy Nam hiệu trưởng rất tâm lý, quản lý khoa học và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho giáo viên” – cô Chính nói.

So với điểm trường Na Sành, điểm trường Xốp Sành có khá hơn vì mới có điện lưới. Tuy nhiên, sóng điện thoại vẫn chập chờn, đường đi lại cực kì khó khăn.

 Gian nan đường đến điểm trường lẻ bản Xốp Sành - xã Tiền Phong. Ảnh: Quang Đại

“Một mình cô với 3 trò, khi lên lớp chẳng khác gì mẹ con trong một gia đình, rất trống vắng vì không có bạn bè đồng nghiệp trò chuyện.

Học sinh cũng buồn vì quá ít bạn chơi. Nhưng lâu rồi cũng quen, cô trò tự động viên để vượt qua.

Đổi lại, tôi có niềm vui là các em rất ngoan, thương cô. Tôi cũng cảm thấy ấm lòng vì giúp các em không bị thất học. Thấy các em càng trưởng thành, nét chữ mỗi ngày một tròn trịa hơn, tôi thấy có động lực để vượt qua khó khăn” – cô Phạm Minh Chính tâm sự.

Tại điểm trưởng lẻ này chỉ có 3 học sinh nhưng không thể xóa điểm trường. Vì từ nhà các em đi đến điểm trường chính còn khoảng hơn 5km đường rừng.

Do đó, nhà trường buộc phải duy trì điểm trường này để các em khỏi thất học.

Muốn xóa điểm trường thì phải có khu nội trú học sinh ở điểm trường chính tại bản Piêng Cu, nhưng cần kinh phí quá lớn vượt quá khả năng địa phương.

“Ngày lễ, Tết, các thầy cô ở trường Tiểu học Tiền Phong 4 nói chung và các cô giáo ở điểm trường lẻ nói riêng đều không có hoa, quà từ phụ huynh, học sinh. Niềm vui của các thầy cô là các em đến trường đầy đủ, không vắng học vì ốm, các em ngoan và trưởng thành. Đó là động lực của tất cả những người đi gieo chữ vùng khó” – thầy Nguyễn Phương Nam – Hiệu trưởng trường Tiểu học Tiền Phong 4 chia sẻ.

Tác giả: Quang Đại

Nguồn tin: Báo Lao Động