Hồ đập Nghệ An kêu cứu, cần gia cố để đứng vững trước thiên tai
- 09:42 20-11-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nghệ An là địa phương thường xuyên bị thiên tai "ghé thăm". Ảnh: Việt Khánh. |
Thiên tai khó lường
Từ đầu năm 2022 đến nay trên địa bàn Nghệ An chịu ảnh hưởng của 1 đợt rét hại diện rộng, 23 đợt lốc, sét, mưa đá, mưa lớn cục bộ, 5 đợt mưa lớn trên diện rộng, riêng đợt 5 từ ngày 28/9 đến ngày 3/10 gây ra lũ quét, lũ ống tại xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén, trong phút chốc biến huyện nghèo Kỳ Sơn thành một chốn hoang tàn.
Nhìn rộng toàn tỉnh, trong khoảng thời gian trên thiên tai đã làm 11 người chết; làm sập, hư hỏng, tốc mái hơn 1.000 ngôi nhà; gây thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp; hàng loạt các công trình hạ tầng thiết yếu, các công trình giao thông, thủy lợi hỏng hóc nặng nề… chung quy, tổng thiệt hại về kinh tế mà Nghệ An phải gánh chịu ước tính khoảng 1.226 tỷ đồng.
Ngay sau các đợt thiên tai, UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT – TKCN và PTDS tỉnh và UBND các huyện, thành, thị đã khẩn trương nhập cuộc trên nhiều phương diện. Một mặt tiến hành thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình có người bị chết, bị thương; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng. Mặt khác chỉ đạo khôi phục sản xuất lúa, ngô, rau màu bị ngập; sửa chữa, khắc phục công trình để phục vụ sinh hoạt cho người dân…
Năm 2022, huyện Kỳ Sơn bị thiệt hại nghiêm trọng do lũ ống, lũ quét tràn qua. Ảnh: Việt Khánh. |
Do nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn chế, lại phải tập trung cho một số nhiệm vụ cấp bách khác (phòng, chống dịch COVID 19…) nên quá trình hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trong những năm qua gặp những khó khăn nhất định.
Đến hiện tại Nghệ An mới bố trí được trên 107 tỷ đồng (23 tỷ duy tu các hạng mục đê điều do địa phương quản lý; hơn 33 tỷ sửa chữa các công trình ách yếu; 40 tỷ khôi phục sản xuất bị thiệt hại do thiên tai năm 2020; 6,5 tỷ hỗ trợ di dời khẩn cấp 34 hộ dân ra hỏi vùng nguy cơ sạt lở đất tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương; 3,5 tỷ hỗ trợ xử lý sạt lở tại núi Voi, xã Nghi Công Bắc, huyện Nghi Lộc; 1,2 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương, đơn vị mua sắm các loại trang thiết bị phục vụ PCTT-TKCN năm 2022...
Trong diễn biến mới nhất, ngày 12/10/2022, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản số 8012/UBND-NN về việc báo cáo rà soát, bổ sung tình hình thiệt hại, đề xuất nhu cầu hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ năm 2022, qua đây đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và các Bộ, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ cho địa phương nguồn kinh phí 443,6 tỷ đồng (bốn trăm bốn mươi ba tỷ, sáu trăm triệu đồng). Trong đó, hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm 2022 đến ngày 10/9/2022 là 178,6 tỷ; hỗ trợ do mưa lớn hoàn lưu bão số 4 gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất 265 tỷ (Huyện Kỳ Sơn 65 tỷ đồng; các địa phương, đơn vị còn lại 200 tỷ). |
Muôn vàn nguy cơ trong mùa mưa bão
Nghệ An có 1.061 hồ chứa nước các loại (phân loại theo Nghị định 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ). Trong số này chỉ có 55 đập, hồ chứa lớn; 220 đập, hồ chứa vừa; số còn lại (786) là hồ chứa nhỏ.
Một số công trình hồ, đập được xây dựng từ lâu bằng phương pháp thủ công, do tác động nặng nề của thời gian, thời tiết, lại không có đủ kinh phí để duy tu, sửa chữa, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, năng lực suy giảm thấy rõ. Qua khảo sát thực tế tại một số công trình xuất hiện tình trạng nước thẩm thấm qua thân đập, phần cống bị hư hỏng nặng. Theo nhận định chung, nhiều hệ thống không đảm bảo an toàn vào mùa lũ, đồng thời không đảm bảo cấp được nước tưới phục vụ cho quá trình sản xuất nông nghiệp vào mùa khô.
Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết, ngành NN-PTNT cùng các bên liên quan đã nhiều lần đề xuất Trung ương, địa phương cấp kinh phí sửa chữa, nâng cấp hệ thống hồ chứa, dù vậy con số được phân bổ vô cùng ít ỏi.
Số lượng công trình thủy lợi được đầu tư, nâng cấp trên địa bàn Nghệ An rất nhỏ giọt. Ảnh: Việt Khánh. |
Tính từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn mới có 374 hồ được sửa chữa, nâng cấp. Rà soát phần còn lại có khoảng 70 hồ đã hư hỏng nặng, xuống cấp trầm trọng, nguy cơ mất an toàn luôn hiển hiện.
Tình cảnh tượng tự cũng “lan” đến cả hệ thống kênh mương, đặc biệt là phần kênh tiêu. Thật sự đáng quan ngại khi Nghệ An có trên 1.000 km loại này chưa được bê tông hóa, hiện trạng vẫn là kênh đất, năng lực tiêu thoát lũ rất kém. Trong khi đó, một số công trình kênh tiêu dù được bê tông hóa cũng đã… xuống cấp nặng nề do nhiều nguyên do.
Ý thức được nguy cơ tiềm tàng, trước mùa mưa năm nay Sở NN-PTNT đã chủ động ban hành công văn đôn đốc các địa phương, đơn vị chuyên ngành kiểm tra hiện trạng, qua đó lập và trình duyệt phương án phòng chống thiên tai công trình thủy lợi.
Đành rằng công tác vận hành, bảo vệ công trình đã được triển khai khá quyết liệt nhưng chừng đó là chưa đủ để giải quyết tận gốc vấn đề. Trên thực tế, do phải thường xuyên, liên tục “gồng gánh” thiên tai, nhiều hê thống công trình thủy lợi của Nghệ An vốn dĩ đã “ọp ẹp” nay càng xuống cấp và hỏng hóc nặng nề hơn.
Tác giả: Việt Khánh - Thanh Nga
Nguồn tin: nongnghiep.vn