Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Làm vợ được 30 ngày, tôi muốn ly hôn

Tôi háo hức bước về nhà chồng với hành trang là bài học làm dâu ngoan mẹ dạy, để rồi suốt 30 ngày đầu tiên của cuộc hôn nhân, thứ tôi nhận được nhiều nhất là nước mắt.

Nhà tôi và nhà Nam ở cùng một thành phố nhưng cách nhau xa. Quen nhau hơn 3 năm, gia đình 2 bên cũng coi 2 đứa là dâu, rể, cứ ngỡ đã hiểu nhau tận tường.

Thực ra ngay từ đầu mẹ chồng đã không ưng, bà chê tôi gầy bé sau này không đủ sức khỏe làm vợ, làm mẹ, làm dâu trưởng. Nhưng vì 2 đứa quyết tâm cưới nên bà đành xuôi.

Bố mẹ Nam đã ly thân từ ngày Nam còn nhỏ, không ai đi bước nữa nhưng mỗi người sống một nơi. Có lẽ hoàn cảnh tạo cho bà thói quen tự quyết mọi việc. Ngay cả tổ chức đám cưới, lễ ăn hỏi bao nhiêu mâm, rước dâu mấy giờ, chỉ được mấy xe ô tô đi theo... bà tự quyết hết, chỉ nói với nhà gái mang tính chất thông báo.

Bố mẹ tôi không hài lòng nhưng vì hạnh phúc con gái họ cũng nhịn. Mẹ tôi khuyên:

- Con nghĩ thật kĩ. Tính cách mẹ chồng như thế sống không dễ dàng đâu. Còn nếu đã không thay đổi thì phải xác định nhịn, có thế nhà cửa mới êm.

Bản thân tôi cũng buồn vì cách cư xử của mẹ chồng tương lai, cảm thấy bà không tôn trọng gia đình mình, nhưng nói chuyện với Nam thì Nam gạt đi:

- Tính mẹ vậy thôi chứ tâm bà tốt. Mình cũng chỉ ở với mẹ một thời gian rồi ra riêng, em cứ hay nghĩ nhiều.

Buổi sáng đầu tiên ở nhà chồng, tôi cẩn thận đặt chuông báo thức dậy sớm. Nhưng vừa bước chân vào gian giữa đã nghe tiếng mẹ chồng:

- Gọi vợ dậy, sáng bảnh mắt còn chưa thấy đâu.

Tôi vội bước vào:

- Con đây, mẹ để con nấu ăn sáng ạ.

Rồi quay sang tôi nói với chồng:

- Anh dậy sớm thế mà không gọi em.

- Em mệt anh để em ngủ thêm, nhưng tập quen đi, nhà mình ở đây dậy sớm lắm.

Tôi lườm chồng, định trêu một câu thì mẹ chồng thủng thẳng:

- Hôm nay đứa nào cũng mệt, đợi hôm khác về bên ngoại lại mặt sau. Tí đứa nào gọi điện cho ông bà bên ấy bảo ông bà thông cảm.

Tôi nhìn Nam cầu cứu nhưng chồng tôi làm như không nghe gì, bê bát lên nhà ăn. Tôi đành trả lời:

- Tụi con trót hẹn hôm nay về ăn lại mặt rồi ạ.

- Sao cứ phải hôm nay, hôm nào chẳng được. Hôm nay ở lại vừa dọn dẹp vừa tranh thủ nghỉ ngơi cho lại sức.

- Dạ, vậy để con dọn dẹp, xong sớm tụi con đi chút rồi về thôi ạ.

Thế là bữa sáng chẳng kịp ăn, tôi lao vào dọn dẹp bát đĩa, kê lại bàn ghế, quét tước nhà cửa. Cũng may trưa vẫn sang kịp ăn trưa với bố mẹ. Vừa ăn xong được một lát thì bà gọi điện cho chồng tôi bảo chiều về sớm đưa bà đi trả áo dài. Vậy là 2 vợ chồng lại lục tục về, đứa đưa bà đi, đứa nấu nướng.

 

 Vừa lấy chồng tôi đã muốn ly hôn (Ảnh minh họa: Sohu).


Buổi tối xong việc 2 đứa rút êm về phòng, Nam khoan khoái đưa tay ôm vợ:

- Giờ mới được ôm vợ mình đây.

Chưa dứt lời đã thấy mẹ chồng tôi xoay tay nắm cửa bước vào. Hai mẹ con nói chuyện với nhau:

- Khiếp, giật cả mình, sao mẹ không gõ cửa?

- Nhà ít người xưa giờ, mẹ quen rồi. Mẹ phải lên bảo chúng mày không quên. Mẹ vừa tính, cỗ cưới lỗ một đống tiền.

- Ôi xin mẹ, thế mà cũng phải lên. Để đấy mai con xem cho, giờ con ngủ đã.

Hôm sau 2 đứa đi chơi, vừa bước vào nhà, bà nói luôn:

- Hai đứa xem thế nào bán vàng đi mà trả nợ.

Tôi từ tốn:

- Để con bàn lại với anh Nam đã nhé...

Nam thẳng thừng:

- Không phải bàn, anh đồng ý. Cứ đưa bà, đằng nào cũng là nhà mình, không phải tính toán.

Thấy tôi xị mặt không thoải mái, bà mắng:

- Mày khó chịu à. Tao lo cho chúng mày gấp tỉ lần thế tao còn chưa tính, mày khó chịu cái gì, con cái láo, mẹ chưa nói xong đã sưng sỉa mặt mày.

- Nhưng đây là vàng mẹ với các dì cho con để làm vốn, nhỡ sau này cần đến. Giờ mẹ bắt con bán đi trong khi chưa cần thiết, con không đồng ý.

Nam mắng:

- Em đừng có cãi mẹ.

Tôi ấm ức:

- Còn anh nữa. Anh tự quyết hộ em, không hỏi ý em như thế nào, lúc nào cũng mẹ.

Nam không để tôi nói hết câu, sấn vào giơ tay tát tôi. Mặc kệ vợ khóc, Nam cũng chẳng thèm dỗ. Những ngày sau đó 2 vợ chồng việc ai nấy làm. Tôi cứ nghĩ Nam sẽ xin lỗi làm lành nhưng hóa ra anh còn tỏ vẻ giận hơn cả vợ, lầm lì không thèm nói chuyện.

Bữa tối dọn xong xuôi tôi lên phòng nằm. Vừa đóng cửa mẹ chồng lại gióng giả:

- Lúc nào cũng vội lên phòng, ở dưới này mà nói chuyện với mọi người cho vui vẻ.

Một lúc thì cửa phòng bật mở, Nam đứng sừng sững nói trống không:

- Xuống nhà xem tivi. Lấy chồng phải theo nếp nhà chồng, đừng quen kiểu thích gì làm nấy.

Đấy, mỗi ngày đều có những việc vụn vặt như thế. Tôi biết ý làm mọi việc cố gắng tránh động chạm để mẹ chồng phật ý. Nhắc chuyện ngày trước Nam hứa ra ở riêng, anh ậm ừ.

Kinh nghiệm những ngày qua cho tôi biết tranh cãi không giải quyết được gì, nhưng tôi vẫn hy vọng Nam yêu mình. Thôi thì lạt mềm buộc chặt, nước chảy đá mềm. Nhưng mà những buổi tối mỗi đứa nằm một góc giường thì diễn ra thường xuyên.

Ngày cưới bạn thân, tôi xin phép đi cả ngày. Mẹ chồng và chồng đều không tỏ ra vui vẻ nhưng cũng không có lý do gì cấm đoán. Tầm 7h tối, lúc tôi đang ngồi với bạn bè, Nam gọi điện cho tôi giọng oang oang:

- Định đi đến bao giờ mới về?

- Em đã nói với anh rồi còn gì, xin phép cả mẹ trước mặt anh...

- Cô bảo đi cả ngày, có nói gì chuyện không ăn tối đâu. Làm mẹ phải nấu cơm hộ cô.

- Hộ á? Em bận thì anh nấu, mẹ nấu có sao. Nấu cơm là trách nhiệm của riêng em à mà "hộ".

Nam tắt máy. Tôi sững người không tin nổi Nam lại cục cằn đến thế. Cái con người nhất nhất nghe lời mẹ, không coi vợ ra gì này sao tôi thấy xa lạ quá.

Tôi không thấy hạnh phúc một ngày nào từ khi theo anh về làm vợ. Nhìn cách mẹ anh chi phối mọi việc trong nhà, anh thì hoàn toàn không bảo vệ vợ, tôi không thấy được yêu thương, tôn trọng. Từ lúc mở mắt đến khi đi ngủ lúc nào cũng chỉ thấy nặng nề, làm gì cũng phải xem ý mẹ anh, sợ bà không hài lòng. Cô gái vui vẻ hay cười là tôi giờ đâu mất rồi.

Tôi muốn ly hôn. Bố mẹ tôi có thể sẽ buồn nhưng chắc ông bà cũng muốn thấy tôi hạnh phúc chứ không phải sống ấm ức nhịn nhục như bây giờ. Tôi không biết quyết định của mình có vội vàng quá không khi tôi mới chỉ làm vợ được có 30 ngày?

Tác giả: Như Ý Cát Tường

Nguồn tin: Báo Dân trí