Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Kẻ gian giả mạo "Cục viễn thông", gọi điện dọa khóa SIM người nghe

Kẻ gian liên tục thay đổi phương thức và chiêu trò nhằm thực hiện hành vi lừa đảo. Người dùng cần hết sức cảnh giác, tránh sập bẫy của những đối tượng này.

"Mọi người cho mình hỏi rằng mình vừa nhận được cuộc điện thoại tự xưng là cục viễn thông và thông báo sau hai tiếng nữa thì họ khóa sim của mình. Việc này là sao? Có ai biết giải thích giúp mình với", tài khoản Vân Anh đặt câu hỏi trong một hội nhóm trên Facebook.

 Thời gian gần đây, nhiều người dùng liên tục nhận được cuộc gọi giả mạo "Cục viễn thông" với nội dung đe dọa khóa SIM (Ảnh minh họa).

Khoảng hai tuần trở lại đây, nhiều người dùng phản ánh rằng họ đã nhận được một số cuộc gọi tự xưng đến từ "Cục viễn thông". Những cuộc gọi này có một điểm chung là đều đưa ra thông báo sẽ khóa SIM của người nghe.

"Cục viễn thông xin thông báo sẽ khóa số điện thoại của quý khách trong hai tiếng nữa. Vui lòng bấm phím 0 để biết thêm thông tin chi tiết", thông báo được đưa ra trong các cuộc này.

Trên thực tế, đây hoàn toàn là những cuộc gọi lừa đảo, nhằm mục đích đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tài sản. Theo khảo sát của PV Dân trí, những cuộc gọi này đến từ rất nhiều số điện thoại khác nhau và có đầu số khác nhau, từ thuê bao di động cho tới thuê bao cố định.

Theo các chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), đây là một trong những kịch bản phổ biến được nhiều đối tượng lừa đảo sử dụng.

Từ đầu năm 2021, các đối tượng lừa đảo đã từng giả danh công an và thực hiện hành vi lừa đảo với kịch bản "thông báo người dùng gây tai nạn ở Đà Nẵng" hoặc "đang bị điều tra liên quan đến một vụ án nghiêm trọng". Từ đó, kẻ gian sẽ đe dọa nạn nhân và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản định sẵn để xác minh rồi chiếm đoạt.

Mục đích của các đối tượng lừa đảo nhằm đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng. Những thông tin cá nhân này sau đó có thể bị lạm dụng cho nhiều mục đích khác nhau.

 Trong trường hợp gặp phải các cuộc gọi lừa đảo, người dùng có thể thông báo đến đầu số 156 và đầu số 5656 để được hỗ trợ (Ảnh minh họa).

Trước tình trạng các cuộc gọi lừa đảo gia tăng, Bộ TT&TT nhận thấy cần phải có một kênh tiếp nhận các thông tin phản ánh của khách hàng một cách thống nhất và thuận tiện nhất.

Do đó, bên cạnh đầu số 5656 (cũ), Bộ TT&TT cùng các doanh nghiệp viễn thông đã thống nhất từ 8 giờ sáng ngày 1/11/2022 sẽ triển khai, mở rộng việc tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo thông qua hình thức cuộc gọi tới đầu số 156 (miễn phí).

"Cần phải có một đầu số, đầu mối để tiếp nhận phản ánh của người dân về các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, các cuộc gọi rác và tin nhắn rác. Khi có các cuộc gọi phản ánh, các nhà mạng sẽ tiếp nhận, phân loại và xử lý các nội dung này. Người dân khi gọi điện đến đây sẽ được tiếp nhận, giúp đỡ", ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết.

Bên cạnh đầu số mới 156, người dân vẫn có thể gọi điện tới đầu số cũ 5656 và làm theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng.

Ngoài việc gọi điện, người dẫn vẫn có thể nhắn tin dựa theo cú pháp như sau:

- Với tin nhắn rác, người dân soạn tin nhắn theo cú pháp: S (số điện thoại phát tán tin nhắn rác - nội dung cuộc gọi rác) gửi 156 (hoặc 5656).

- Với cuộc gọi có dấu hiệu là cuộc gọi rác, người dân soạn tin nhắn theo cú pháp: V (số điện thoại phát tán cuộc gọi rác - nội dung cuộc gọi rác) gửi 156 (hoặc 5656).

- Với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân soạn tin nhắn theo cú pháp: LD (số điện thoại phát tán cuộc gọi lừa đảo - nội dung cuộc gọi lừa đảo) gửi 156 (hoặc 5656).

Tác giả: Thế Anh

Nguồn tin: Báo Dân trí