Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Những dự án làm nghèo miền Tây Nghệ An: Góc khuất buồn dưới công trình thủy điện lớn nhất xứ Nghệ

Bản Vẽ là công trình thủy điện lớn nhất tại Nghệ An, những đằng sau vẻ hào nhoáng là những ký ức buồn mà đồng bào vùng cao vẫn thảng thốt mỗi khi nhắc đến.

 Với quy mô siêu khủng, dự án thủy điện Bản Vẽ đã ngốn của Nghệ An hàng nghìn ha đất các loại. Ảnh: Việt Khánh.

Cái giá quá đắt của 180 tỷ đồng tiền thuế 

Dự án thủy điện Bản Vẽ được phê duyệt đầu tư năm 2003, chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt nam (EVN). Địa điểm xây dựng tại bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương, mục tiêu phát triển nguồn điện quốc gia với công suất 320MW.

Hồ chứa của nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ đảm bảo cao trình mực nước dâng bình thường 200m, diện tích 4.842 ha, dung tích hồ chứa hơn 1,8 tỷ m3 nước, điện lượng trung bình 1084,2 triệu KWh/năm. Dự án được khởi công ngày 7/8/2004, chính thức đưa vào vận hành từ ngày 10/4/2010 tổ máy 1, ngày 9/5/2010 vận hành tổ máy 2.

Với tầm vóc, quy mô lớn như vậy, không ngạc nhiên khi thủy điện Bản Vẽ ngốn của Nghệ An quỹ đất khổng lồ lên đến hàng nghìn ha các loại, từ đất ở (88ha), đất sản xuất (534ha), đất nuôi trồng thủy sản (7ha), đất lâm nghiệp (1.451 ha), đất phi nông nghiệp (9ha), rừng sản xuất (2.076ha), đất khác (497ha) trải dài khắp 34 bản của 9 xã, thuộc 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương".

Ấy là chưa kể đến hàng loạt công trình công cộng (trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế của 5 xã Kim Đa, Kim Tiến, Hữu Khuông, Hữu Dương, Luân Mai) bị ngập hoàn toàn khi hình thành lòng hồ, tổng diện tích rơi vào khoảng 21.000m2.

Khủng khiếp là thế nhưng những con số nêu trên mới chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. Không chỉ mất nhà, mất đất, mất rừng, mất kế sinh nhai, hơn 2.910 hộ dân với khoảng 13.735 nhân khẩu của huyện Tương Dương, sinh sống tại 31 bản thuộc 8 xã vùng lòng hồ thủy điện còn phải cắn răng xa rời khỏi quê cha đất tổ.

Trong số này, phần đa được bố trí tái định cư tập trung tại huyện Thanh Chương, một số khác tiến hành di vén và di dân tập trung ngay tại các khu tái định cư ở Tương Dương, số ít còn lại tái định cư xen vén.

Dù bằng cách này hay cách khác, việc di dời là chuyện đặng đừng, khổ nỗi đồng bào không có quyền tự quyết, họ buộc phải hi sinh quyền lợi vì chủ trương lớn. Dù vậy sau 12 năm nhìn lại, từ thực tế đã và đang có phải thấy rằng cái giá phải trả vì mục tiêu kinh tế là quá đắt.

 Hơn 2.910 hộ dân với khoảng 13.735 nhân khẩu khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ phải rời xa quê cha đất tổ. Ảnh: Việt Khánh.

Điều này được thể hiện rõ tại Văn bản số 238/BC-UBND ngày 13/5/2022 của UBND huyện Tương Dương gửi đến Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, huyện này khẳng định: “Nhà máy thủy điện Bản Vẽ đi vào hoạt động từ năm 2010, mỗi năm đóng góp vào ngân sách nhà nước bình quân khoảng 180 tỷ đồng. Tuy nhà máy vận hành đã lâu nhưng các tồn tại, vướng mắc trong công tác di dân tái định cư chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng cũng như phía hạ du đập thủy điện”.

 Vì thủy điện Bản Vẽ, người dân vùng cao Nghệ An "thiệt đơn thiệt kép". Ảnh: Việt Khánh. 

Người dân "thiệt đơn thiệt kép"

Vấn đề đầu tiên được bàn đến xoay quanh công tác bồi thường chênh lệch đất nơi đi và nơi đến cho các hộ tái định cư tập trung. Như đã đề cập, có 2.910 hộ phải di dời nhưng mới có 236 hộ trong diện di dân tự do theo nguyên vọng được hưởng chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất đai, đồng nghĩa 2.674 hộ còn lại vẫn ngày đêm trông ngóng chủ đầu tư bồi thường giá trị chênh lệch.

Vướng mắc nảy sinh khi các khu tái định cư ở huyện Thanh Chương chưa hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do đó chưa có cơ sở, số liệu để tính bù trừ. Đây là điều bi hài bởi đồng bào đã lũ lượt về nơi ở mới hơn 10 năm rồi. Sâu chuỗi các yếu tố, trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư thủy điện Bản Vẽ và chính quyền 2 huyện Tương Dương, Thanh Chương.

Công tác lập hồ sơ bổ sung phần diện tích thực tế bị ngập tại 2 bản Con Phen (xã Hữu Khuông) và Sốp Cháo (xã Lượng Minh) cũng hết sức trắc trở. Đành rằng, UBND huyện Tương Dương đã phối hợp cùng các bên liên quan tiến hành đo đạc, lập trích đo bản đồ địa chính đối với phần đất ngập phát sinh nhưng phía chủ đầu tư lập luận “phát sinh này có sai lệch so với quy hoạch đường viền lòng hồ thủy điện Bản Vẽ”, thành thử sản phẩm trích đo nêu trên chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chưa đủ điều kiện để lập hồ sơ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Liên quan đến nội dung này, huyện Tương Dương khẳng định trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư thủy điện Bản Vẽ, trên cơ sở đó đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An có ý kiến với các ban ngành liên quan, chỉ đạo doanh nghiệp sớm giải quyết tồn tại, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhân dân.

 Nhiều hộ dân bị mất mát nặng nề do trận lũ lụt cuối năm 2018 khẳng định quy trình xả lũ có vấn đề của thủy điện Bản Vẽ là tác nhân chính. Ảnh: Việt Khánh.

Một vấn đề nan giải khác là công tác giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Diễn biến tại bản Cà Moong, xã Lượng Minh thực sự đáng ngại khi người dân dù được giao đất ngoài thực địa, đã xây dựng nhà ở ổn định từ năm 2010, toàn bộ đất ở khu tái định cư đã được đo đạc bản đồ địa chính, được Sở TN-MT phê duyệt từ năm 2014 (138 thửa/138 hộ, tổng diện tích 59.876,6 m2) nhưng đến nay chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do trùng vào quy hoạch… rừng phòng hộ. Trách nhiệm chính về sự chậm trễ này một lần nữa gọi tên thủy điện Bản Vẽ.

Những nội dung nêu trên đều mang tính cấp bách nhưng xem ra chỉ là muỗi nếu đặt lên bàn cân so sánh với phương án hỗ trợ khắc phục hậu quả từ trận lũ lụt lịch sử năm 2018 để lại. Thủy điện Bản Vẽ bị chính người dân, đồng bào gánh chịu thiên tai nặng nề ở khu vực hạ du “chỉ mặt đặt tên” là tác nhân.

Dân vùng lũ phản ứng kịch liệt nhưng doanh nghiệp lẳng lặng chối bỏ, chẳng ai chịu ai khiến cuộc đấu trí ngày một dai dẳng, căng thẳng cứ thế leo thang. Để phân định, chính quyền các cấp tỉnh Nghệ An cùng các cơ quan chuyên ngành đã vào cuộc xác minh, tuy nhiên cũng phải cậy nhờ đến Trung ương nút thắt mới tháo gỡ được phần nào.

Theo đó, thực hiện thông báo số 143/TB-VPCP ngày 13/4/2019 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp liên quan đến việc “Giải quyết các vấn đề sau lũ năm 2018, các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và TĐC các dự án thủy điện Bản Vẽ”, tổng mức kinh phí đề nghị hỗ trợ và khắc phục trên địa bàn huyện Tương Dương được ấn định hơn 24 tỷ đồng.

Số tiền này chẳng thấm tháp vào đầu so với mức độ thiệt hại mà huyện nghèo phải gánh chịu, dù vậy chung quy có còn hơn không. Thế nhưng, dù trận lũ lịch sử đã đi qua được 4 năm nhưng đến nay thủy điện Bản Vẽ mới chi trả hết sức nhỏ giọt cho người dân với kinh phí vỏn vẹn 3,1 tỷ đồng.

 Đã 4 năm rồi, gia đình bà Kha Thị Mai vẫn đang trong cảnh ăn nhờ ở đậu do chất lượng khu tái định cư không đảm bảo. Ảnh: Việt Khánh.

Bà Kha Thị Mai, 58 tuổi, trú tại bản Lạ, xã Lượng Minh ngồi bệt luôn nơi hiên nhà do bệnh khớp ngậm ngùi tâm sự: “Nhà cũ trước kia xây khá kiên cố, nào ngờ thiên tai ập đến bất chợt cuốn trôi hết cả. Suốt 4 năm qua, gia đình tôi phải nương nhờ ở tạm nhà cháu gái, tình cảnh gian nan, khổ sở lắm. Sau thiên tai nhà máy hỗ trợ 70 triệu thôi, chung quy chỉ đủ để tôi trang trại tiền viện phí”.

Nhận thấy diễn biến hết sức cấp bách, ngày 4/10/2022 UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 7659/UBND-CN gửi đến Văn phòng Chính phủ liên quan tới thủy điện Bản Vẽ với nội dung cô đọng như sau: “Việc giải quyết các tồn tại, vướng mắc đến nay chưa được thực hiện, thời gian kéo dài. Mùa mưa lũ 2022 sắp đến, các công trình khắc phục thiên tai năm 2018 đang triển khai dở dang, nhà ở của người dân tại các khu tái định cư ngày càng hỏng hóc, xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao. UBND tỉnh Nghệ An kính đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, Ủy Ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các Bộ, ngành liên quan và EVN và chủ đầu tư dự án Thủy điện Bản Vẽ kịp thời thực hiện để giải quyết dứt điểm, đảm bảo cuộc sống ổn định cho nhân dân”.

Tác giả: Việt Khánh - Công Điền

Nguồn tin: nongnghiep.vn