Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trường học 'xé rào' thu phí gây bức xúc: Đổ lỗi cho phụ huynh, trách nhiệm của ban giám hiệu ở đâu?

Sau khi báo Tiền Phong đăng bài phản ánh “Phụ huynh tại Hà Nội lại bức xúc tố trường học “xé rào” thu tiền làm mành, rèm và mua quạt điện”, phòng Giáo dục và đào tạo thị xã Sơn Tây, Hà Nội đã có báo cáo.

Cụ thể, trong báo cáo gửi Thường trực Thị ủy, Thường trực UBND thị xã Sơn Tây, phòng Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thị xã Sơn Tây giải trình, phân tích ba nội dung.

Thứ nhất, về thu tiền làm mành, rèm và lắp quạt điện, báo cáo dẫn giải trình của trường tiểu học Cổ Đông (nơi xảy ra sự việc), nêu: "Trường Tiểu học Cổ Đông không có chủ trương thực hiện công tác xã hội hóa, mà việc lắp mành, rèm chống nắng hoàn toàn do đề xuất của số đông phụ huynh học sinh các khối lớp học tại khu B, trên cơ sở thực tế các phòng học bị nắng nóng". Từ đó, phòng GD&ĐT thị xã Sơn Tây nêu quan điểm: "Nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh đã thực hiện chưa triệt để điểm b khoản 4 Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 11 năm 2011 của Bộ GD&ĐT".

 Báo cáo của Phòng Giáo dục và đào tạo thị xã Sơn Tây

Tra cứu điểm b khoản 4 Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT cho thấy, ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu các khoản tiền để mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường... Như vậy, các khoản mua rèm, mành quạt tại trường Tiểu học Cổ Đông thuộc diện bị cấm theo quy định này.

Để quán triệt thêm điều này, ngày 21/9/2022, Sở GD&ĐT Hà Nội có Công văn số 2928/SGDĐT-KHTC về việc hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi năm học 2022-2023. Trong đó, có nội dung nhắc nhở ban giám hiệu và ban đại diện phụ huynh phải tuân thủ điểm b khoản 4 Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT nêu trên.

 Rèm được lắp đồng loạt ở 14/15 lớp học ở khu B, Trường Tiểu học Cổ Đông.

Thực tế, sau khi có chủ trương lắp đặt mành, rèm và quạt, nhiều phụ huynh không đồng ý nhưng không dám phản ứng vì sợ ảnh hưởng đến con em họ nên đã phản ánh qua báo Tiền Phong. Sau khi phóng viên báo Tiền Phong đặt lịch làm việc, hiệu trưởng trường này là bà Đặng Thị Kim Hạnh chủ trì cuộc họp với phụ huynh. Theo video, ghi âm tại cuộc họp, dù rào trước đón sau rằng nhà trường không bắt buộc phụ huynh đóng góp để mua sắm, lắp đặt các hạng mục trên nhưng bà Hạnh vẫn thể hiện ý chí khi chỉ đạo: "Việc lắp phải đồng bộ, tất cả các lớp giống nhau". Ngoài mành, rèm, chị VTN, một phụ huynh bức xúc nói: "Mỗi lớp đã được đầu tư lắp đặt 4 quạt trần, đủ gió mát và thoáng cho các con học tập. Vì vậy, rất nhiều phụ huynh đề nghị không cần lắp thêm quạt treo tường, không hiệu quả, gây lãng phí".

Như vậy, việc nhà trường cho rằng, việc lắp rèm, mành, quạt là đề xuất của ban đại diện phụ huynh học sinh và được đại đa số phụ huynh đồng ý là không chính xác. Việc phòng GD&ĐT Sơn Tây cho rằng để xảy ra sự việc này là do nhà trường thực hiện "chưa triệt để" quy định của Bộ GD&ĐT là đánh tráo khái niệm, "nói lái" thực chất là biết rõ và cố tình cùng ban đại diện phụ huynh vi phạm.

Thứ 2, về nội dung học hèbáo cáo của phòng GD&ĐT thị xã Sơn Tây cho rằng, nhà trường đã thực hiện đúng quy trình theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Phòng GD&ĐT về nội dung và tinh thần tự nguyện của cha mẹ học sinh. Nhà trường không chỉ đạo làm mẫu xin tham gia hoạt động để phụ huynh chép tay.

 Tài liệu phụ huynh cung cấp cho thấy giáo viên hướng dẫn phụ huynh viết đơn tự nguyện bằng tay theo mẫu

Trong khi, theo các tài liệu mà phụ huynh cung cấp thì việc tổ chức các câu lạc bộ Kĩ năng sống, câu lạc bộ Toán, Tiếng bắt đầu ngày 15/8/2022, nhưng đến ngày 18/8/2022 phụ huynh mới nhận được mẫu đơn đăng ký có kèm theo lưu ý: “100% phụ huynh viết bằng tay không đánh máy. Các phụ huynh lưu ý giúp”.

Cuối của mẫu đơn, cô giáo chủ nhiệm còn lưu ý thêm: “Theo yêu cầu nhà trường, phụ huynh viết tay đơn theo mẫu trên và nộp cho cô giáo trong chiều nay”. Như vậy, học sinh đi học được 4/10 buổi, phụ huynh mới được nhà trường yêu cầu viết đơn tự nguyện cho con đi học.

Về xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan, báo cáo của phòng GD&ĐT Sơn Tây chưa đề cập, chỉ nêu chung: "Phòng GD&ĐT sẽ tiếp tục quán triệt đến ban giám hiệu các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thực hiện nghiệm túc các quy định, quy chế của ngành và các cấp quản lý".

Trao đổi thêm với PV Tiền Phong về các nội dung còn chưa rõ và phương án xử lý trách nhiệm các cá nhân tổ chức liên quan việc này, lãnh đạo phòng GD&ĐT cho biết đang tiếp tục làm rõ và sẽ có thông báo chính thức.

Thứ 3, về việc gây khó khăn cho phóng viên tác nghiệp, trong báo cáo, trường tiểu học Cổ Đông và phòng GD&ĐT thị xã Sơn Tây cho rằng, không cung cấp thông tin cho phóng viên báo Tiền Phong khi không xuất trình được thẻ nhà báo là đúng quy định. Báo cáo cũng không hề nhắc đến việc phóng viên đã trình giấy giới thiệu và chứng minh nhân dân nhưng nhà trường vẫn không cung cấp thông tin dù đã nhờ nhiều người dò xét nhân thân phóng viên.

Trong khi việc phóng viên đi liên hệ công tác bằng giấy giới thiệu kèm giấy tờ tùy thân là thông lệ, được Bộ Thông tin và truyền thông khẳng định lâu nay. Mới đây nhất, trong công văn số: 2595/BTTTT-CBC của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 14/7/2020 (về việc phối hợp triển khai quy hoạch báo chí) có nêu: Nhà báo, phóng viên chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu còn thời hạn và ghi rõ làm việc với cơ quan, tổ chức nào, nội dung gì, thời gian cụ thể.

Tác giả: Viết Hà

Nguồn tin: Báo Tiền Phong