Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


'Nóng' chất vấn Tổng TTCP: 'Nghi ngờ đoàn thanh tra 'giơ cao, đánh khẽ'

Nhiều đại biểu quốc hội đã có những phát ngôn thẳng thắn, làm 'nóng' nghị trường khi chất vấn về lĩnh vực thanh tra, phòng chống tham nhũng đối với Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.

 Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong: "Sẽ quy định về việc những hành vi cấm trong hoạt động của đoàn thanh tra, như cấm nhận quà, tiền và giao lưu ăn uống với đối tượng thanh tra dưới mọi hình thức. Nghiêm cấm bỏ lọt, bỏ sót, bỏ qua hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra và một số những điều cấm khác rất cụ thể. Tôi rất mong các vị đại biểu Quốc hội và cử tri giúp Thanh tra Chính phủ để giám sát và phản ánh những sai phạm của cán bộ trong đoàn thanh tra".

 Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong: “Thu hồi tài sản nên tập trung ưu tiên xử lý kinh tế, không chuyển từ án kinh tế sang hình sự. Đây là quan điểm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Thanh tra Chính phủ cũng quán triệt quan điểm này trong xử lý các vụ việc. Đối với những vụ việc chưa phân định rõ là hình sự hay kinh tế, thì ưu tiên xử lý kinh tế trong thời hạn thanh tra...

 Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau: “Từ ngày nhậm chức đến nay, Tổng Thanh tra Chính phủ chủ động chỉ đạo thanh tra đột xuất các vụ việc tham nhũng trong ngành thanh tra như thế nào?

 Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong: "Các cuộc thanh tra đột xuất được thực hiện theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thanh tra Chính phủ đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra đột xuất, quy mô lớn, phức tạp, phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”.

 Đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai): "Hiện nay nhiều cây xăng ở Hà Nội, TPHCM không bán hoặc bán rất ít, giới hạn chỉ 500.000-600.000 đồng đối với một ô tô, gây bức xúc cho người dân. Đề nghị Thanh tra Chính phủ cho biết đã chỉ đạo thanh tra đột xuất việc cung ứng xăng dầu ở 2 thành phố này chưa?"

 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn Hải Dương: “Việc thực hiện kết luận sau thanh tra bao gồm các nội dung thu tiền, xử lý về tài sản và xử lý cán bộ. Tuy nhiên, hiện nay qua theo dõi, việc thực hiện kết luận của thanh tra các địa phương, cơ quan, đơn vị mới chỉ chú trọng việc thu hồi tiền còn nội dung về xử lý tài sản và xử lý cán bộ thì chưa thực sự được chú trọng”.

 Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn Đồng Tháp: “Không ít đoàn thanh tra đã thanh tra theo lĩnh vực thường xuyên hoặc đột xuất, không có phát hiện hoặc cố tình không phát hiện hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra, nên kết luận thanh tra rất nhẹ nhàng. Sau đó có tố cáo sau kết luận, đoàn thanh tra thứ hai tái thanh tra thì phát hiện tổ chức, cá nhân có vi phạm tiêu cực. Dư luận nghi ngờ là có tiêu cực của đoàn thanh tra trước giơ cao, đánh khẽ".

 Đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn Tây Ninh: "Cử tri cho rằng hiện nay tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện các thủ tục hành chính đang có xu hướng gia tăng mạnh, nhất là trong quan hệ giao dịch ở lĩnh vực xây dựng, đất đai, kinh doanh,... Hiện tượng này được nhận định là tham nhũng vặt, đã và đang làm xói mòn lòng tin của người dân đối với cơ quan hành chính nhà nước.Tuy nhiên, những công cụ kiểm soát hành chính như kiểm tra, thanh tra, giám sát hiện nay chưa đủ điều kiện để kịp thời phát hiện và xử lý.

 Đại biểu Đặng Hồng Sỹ - Đoàn Bình Thuận: “Một số vụ việc khi Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra thì kết luận không có khuyết điểm, sai phạm hoặc có nhưng chỉ là kiểm điểm, rút kinh nghiệm, nhưng khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra thì lại chỉ ra những sai phạm và phải chuyển qua xử lý hình sự. Phải chăng do pháp luật chưa đồng bộ, cách hiểu pháp luật chưa đúng hay có tiêu cực trong quá trình thanh tra?"

 Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn Đắk Nông: "Còn xảy ra tình trạng cùng một đơn vị địa phương, nhưng trong một thời gian ngắn phải tiếp và làm việc với nhiều đoàn thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, kiểm toán, nội dung có thể khác nhau nhưng làm việc liên tục như vậy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đơn vị".

 Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: “hiện nay vẫn còn tình trạng chưa thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra, có trường hợp tẩu tán tài sản nghi phạm dẫn đến không thu hồi được tài sản”.

 Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị: “Việc thu hồi tài sản bất minh do người khác đứng tên là rất khó, chưa có giải pháp hiệu quả để thu hồi. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí từng khẳng định vấn đề này có nhiều nguyên nhân và rất khó để thu hồi, đặc biệt trong điều kiện chưa có Luật về đăng ký tài sản thì nên chuyển hướng từ xử lý hình sự sang khởi kiện dân sự sẽ thu hồi được nhiều hơn. Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết có tán thành quan điểm này không? Nếu tán thành thì giải pháp là gì? Nếu không tán thành, Thanh tra Chính phủ có giải pháp gì tốt hơn không?”

 Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị: “Hiện nay còn nhiều cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành đã quá thời hạn theo quy định, có những cuộc đã trên 5 năm, như vậy là gấp hơn 10 lần thời gian tối đa cho phép nhưng chưa ban hành được kết luận. Đề nghị Tổng Thanh tra cho biết những cuộc thanh tra này là do không kết luận được hay do lý do nào khác và có hay không tiêu cực trong các cuộc thanh tra treo này?”.

 Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: “Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói cán bộ thanh tra như tấm gương cho người ta soi mặt, nhưng thời gian qua vẫn còn nhiều cán bộ thanh tra mắc sai phạm như Tổng thanh tra Chính phủ vừa mới đề cập. Cho rằng biện pháp lâu dài, căn cơ để xây dựng lực lượng thanh tra liêm chính trong Chính phủ liêm chính, cần xây dựng được bộ quy tắc, quy định về liêm chính để cán bộ thanh tra tuân thủ và tự bảo vệ mình”.

 Đại biểu Lê Minh Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang: “Thực tế thời gian vừa qua có nhiều hành vi vi phạm quy định trong công tác quản lý, sử dụng đất đai dẫn đến thiệt hại cho ngân sách nhà nước hoặc làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư hoặc của người dân. Bên cạnh đó, số lượng các vụ khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm tỷ trọng rất lớn, lên đến 70 % và cũng là một số cán bộ phụ trách lĩnh vực quản lý đất đai bị xem xét xét xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự. Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và Ngành thanh tra đối với công tác thanh tra trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai”

 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: "Phải phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước để trao đổi, thống nhất xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, bảo đảm sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm toán quá một lần trên năm về một nội dung và với một đối tượng, một cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp".

Tác giả: Hải Ninh

Nguồn tin: Tri thức & Cuộc sống