Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


10 ngày vây bắt 40 tên giang hồ bắn chết 2 người ở Phú Quốc diễn ra thế nào?

Sân bay và các bến tàu bị phong tỏa để chặn đường tẩu thoát của băng tội phạm nguy hiểm, gây ra vụ án rúng động Phú Quốc 10 ngày trước.

 

Buổi trưa 27/10 - bình yên của người dân ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương, thành phố Phú Quốc bỗng bị xé toạc bởi hàng loạt tiếng súng cộc cằn vang lên. Nhiều người ngỡ đang xem "phim hành động" khi thấy 50 đàn ông bước xuống từ 8 chiếc ô tô 7-16 chỗ, hùng hổ cầm súng rượt đuổi, nhắm vào nhóm người khác bắn liên hồi. Ít nhất 12 tiếng súng vang lên.

Có người đã ngã gục xuống, nhóm người vẫn ẩu đả, thêm 4 nạn nhân bị thương nặng. Họ vẫn không dừng lại mà đuổi nạn nhân vào tận căn biệt thự gần đó để tấn công.

Cuộc ẩu đả diễn ra chưa đầy 20 phút. Nhóm người tháo chạy trước khi công an sắp tới. Hai người đã chết, 4 người khác bị thương sau vụ việc.

50 người đòi đất bằng súng và mã tấu

Ngay trong chiều 27/10, nhà chức trách đã đã khởi tố vụ án với các tội Giết người, Gây rối trật tự nơi công cộng. Cơ quan công an xác định, vụ việc xảy ra do có 2 nhóm người mâu thuẫn liên quan đến tranh chấp đất đai.

Nhóm thứ nhất gồm Võ Văn Lương (tức "Hai Lượng", 35 tuổi, quê Cà Mau, trú tại thành phố Phú Quốc), Bùi Minh Trung (tức "Trung Cà Mau", 46 tuổi, cùng quê Cà Mau, hiện ở tại Phú Quốc và một số người khác. Nhóm còn lại có Khúc Văn Đoài (39 tuổi, trú tại Phú Quốc).

 Đoàn Thiên Long - người trực tiếp nổ súng trong vụ án Giết người, Gây rối trật tự công cộng vào trưa 27/10 tại Phú Quốc.

Nghi phạm Lương có 2 tiền án Cưỡng đoạt tài sản và Cố ý gây thương tích. Nhiều năm trước, Lương cùng một số người đến Phú Quốc "lập nghiệp". Thời điểm đó, Lương theo làm đàn em cho một người. Lúc sau, anh ta tách ra tham gia hoạt động băng nhóm. Sau đó, Lương bị công an bắt giữ.

Gần đây, Lương và "Trung Cà Mau" xảy ra mâu thuẫn với với nhóm của Khúc Văn Đoài về vấn đề tranh chấp đất đai.

Trong thông cáo phát đi của cơ quan điều tra, nhóm của "Hai Lượng" có hơn 50 đối tượng đi trên 8 ô tô đến thửa đất của Khúc Văn Đoài tại ấp Bến Tràm để giải quyết mâu thuẫn. Một số người trong nhóm "Hai Lượng" đã sử dụng súng, mã tấu đuổi, bắn vào nhóm người của Đoài khiến 2 người chết, 4 người bị thương.

Thông tin báo chí thu thập được những ngày qua thể hiện, Đoài là đại ca một băng nhóm ở Phú Quốc, gom tiền mua khu đất hàng nghìn mét vuông đất phía sau khu trường học tại Bến Tràm. Dân anh chị này bán và cho người thân cận xây nhà ở. Song, mảnh đất bị bên thứ ba tranh chấp, đòi trả. Sau đó "Hai Lượng" - trùm băng giang hồ ở Cà Mau, đến "xử lý" mâu thuẫn.

 Cơ quan công an khám nghiệm hiện trường vụ việc.

Ngay trước giờ nổ súng, nhóm của Đoài xảy ra lời qua tiếng lại với nhóm của một người phụ nữ. Hai bên tiếp tục tranh giành mảnh đất, còn muốn mời chính quyền tới phân giải.

Song nhóm của Đoài chưa kịp rời đi đã nghe 3 tiếng súng chát chúa, rồi đoàn người đổ xuống từ các ô tô nối hàng dài. Nhóm yếu thế tháo chạy vì bị tấn công dữ dội.

10 ngày "vây lưới" truy bắt cấp tốc

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Ban Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang đã quyết định lập Ban chuyên án do Đại tá Diệp Văn Thế, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT làm Trưởng ban. Trung tá Trương Sa My, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự làm Phó trưởng ban thường trực, cùng với sự tham gia hỗ trợ của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an).

Ban Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an TP Phú Quốc và các đơn vị nghiệp vụ có liên quan tập trung tối đa lực lượng, khẩn trương truy xét, bắt nhóm gây án trong thời gian sớm nhất để trấn an dư luận.

 Võ Văn Lương (tức "Hai Lượng", áo trắng); Nguyễn Quốc Vinh (áo đen phía trên); Bùi Đức Ngọc (áo đen trắng phía dưới) và Nguyễn Văn Thái (tức Thái "Bus", áo đen phía dưới).

Với quyết tâm truy bắt nhanh nhất những người phạm tội, cơ quan điều tra phối hợp các đơn vị chức năng đã phong tỏa sân bay, bến cảng, kiểm soát người, phương tiện, tổ chức truy bắt nghi phạm còn đang lẩn trốn. Nhà chức trách cũng kêu gọi họ ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.

Ngay sáng 28/10, lực lượng chức năng tạm giữ 1 ô tô loại 16 chỗ, thu 2 khẩu súng, 29 viên đạn... 29 người được cho có liên quan đã bị bắt giữ. Lực lượng chức năng đã khám xét chỗ ở của nhóm người trên.

Tối 29/10, người bị cho là cầm đầu vụ vụ nổ súng - "Hai Lượng" bị bắt. Ngoài nghi phạm này, cảnh sát bắt thêm 7 người. Trong ngày, cơ quan điều tra đã khởi tố 35 bị can.

 Khẩu súng tang vật cơ quan công an thu giữ.

Trong số những người bị bắt giữ, nhà chức trách xác định có 4 người giữ vai trò chính gồm: Nguyễn Quốc Vinh (40 tuổi, quê Cà Mau); Nguyễn Văn Thái (tức Thái "Bus", 34 tuổi, ở TP Phú Quốc); Bùi Đức Ngọc (30 tuổi, quê Hải Phòng); Đoàn Thiên Long (19 tuổi, quê TPHCM). Thiên Long được xác định là người trực tiếp nổ súng vào nhóm đối thủ.

Tới sáng 30/10, số nghi phạm bị bắt giữ lên tới 36. Nhà chức trách nghi một khẩu súng có tính năng như súng quân dụng nên đưa giám định.

Ngày 31/10, Đại tá Diệp Văn Thế cho biết, công an đã bắt 38 người. Theo Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, trong 38 bị can đang bị cơ quan điều tra tạm giam có 35 bị can bị khởi tố 2 tội gồm Giết người và Gây rối trật tự công cộng, 3 bị can bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội Gây rối trật tự công cộng.

Quá trình lấy lời khai, Đoàn Thiên Long (19 tuổi), ngụ TPHCM nhận sau khi nổ súng sát hại các nạn nhân, thanh niên này vứt súng vào bìa rừng rồi lẩn trốn. Tuy nhiên, Long chưa khai nguồn gốc của súng bắn đạn hoa cải mà anh ta dùng để gây án.

Sáng 3/11, cơ quan điều tra đã bắt thêm 6 người liên quan đến vụ án, nâng tổng số người bị bắt lên 44.

Lúc này, theo Đại tá Thế, 44 người bị bắt có dấu hiệu phạm nhiều tội danh khác nhau như: Giết người, Gây rối trật tự công cộng, Hủy hoại tài sản, Cố ý gây thương tích, Sử dụng, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, bao che tội phạm…

Vụ án vẫn đang tiếp tục được điều tra, thu thập chứng cứ.

Bộ luật Hình sự 2015 quy định:

Điều 123. Tội giết người

Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết 2 người trở lên; Có tính chất côn đồ.

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp như: dùng hung khí nguy hiểm; phạm tội đối với hai người trở lên; có tổ chức…, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Tùy vào các tình tiết tăng nặng khác mà khung hình phạt của tội danh này có thể tăng lên tới 20 năm tù, thậm chí là tù chung thân.

Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về cùng hành vi mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu tới an ninh, trật tự xã hội; …. thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

Tùy mức độ và các tình tiết tăng nặng được quy định tại Điều luật này, hình phạt có thể lên tới 7-20 năm tù.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:a) Làm chết 02 người;b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

….

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.

Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như: có tổ chức; dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; xúi giục người khác gây rối…, thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Điều 18. Che giấu tội phạm

Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.

Tuy nhiên, nếu người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội thì không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.

Điều 19. Không tố giác tội phạm

1.Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.

2.Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.

Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.

Nội dung: Phi Vũ (tổng hợp)

Ảnh: Báo Kiên Giang - Công an Kiên Giang

06/11/2022

Nguồn tin: Báo Dân trí