V-League chưa bao giờ hay đến thế
- 08:43 04-11-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Không ai muốn bị bỏ lại phía sau
Có rất nhiều mùa giải mà chỉ cần đá hết lượt đi là người ta đã hình dung được đội bóng nào sẽ phải nhận suất xuống hạng. Không hẳn vì CLB đó không cố gắng hay không muốn trụ hạng, vấn đề là họ thiếu lực để có thể chơi V-League lâu dài nên bản thân họ cũng mất động lực, còn giới mộ điệu trung lập thì cũng tin rằng họ xuống hạng thì sẽ “tốt cho tất cả”. Tiêu biểu như các đội bóng miền Tây Nam Bộ, nơi mà câu chuyện về làm bóng đá chuyên nghiệp quá đỗi nhọc nhằn, cứ đá bóng mà không biết tương lai, trụ mùa này thì chẳng biết mùa sau ra sao. Không thể nói là những Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ hay thậm chí cả Long An không muốn chơi V-League, nhưng thực tế là họ phù hợp với giải đấu hạng Nhất hơn.
Ở góc độ chuyên nghiệp, sự có mặt của các đội bóng như vậy không có lợi cho quá trình phát triển của V-League. Ngay như nhà cựu vô địch V-League 2017 là Quảng Nam, sau mùa giải thăng hoa “thần thánh” thì ngay lập tức chứng tỏ cho tất cả đều thấy họ chẳng có chút nội lực nào cả. Có níu kéo chẳng ích gì. Bài học Than Quảng Ninh mùa trước quá cay đắng.
Nhưng rõ ràng ở mùa giải 2022, chúng ta không thấy đội nào đáng phải xuống hạng cả, bao gồm Hà Tĩnh, đội bóng mà ít ai biết họ đang làm bóng đá bằng nguồn lực nào. Đá 20 trận nhưng Hà Tĩnh chỉ mới để thua có 9, con số tốt hơn cả TP.HCM và ngang bằng với Thanh Hóa, đội đang xếp thứ 5 trên bảng xếp hạng. Tỷ lệ trận thua này cho thấy nỗ lực của một đội bóng có thực lực yếu như Hà Tĩnh.
Trong nhóm 5 đội bóng có khả năng xuống hạng cao nhất, thì xuất hiện 2 đại diện TP.HCM và SHB Đà Nẵng, đây là các địa phương dư thừa tiềm lực để đầu tư cho bóng đá, nên việc xuống hạng đúng là thảm họa. Trong nhóm này, có Nam Định, CLB có số lượng khán giả sân nhà đông nhất V-League liên tục trong 4 mùa giải gần đây. Họ mà xuống hạng là mất mát lớn của giải đấu này.
Thật hiếm có mùa giải nào mà người ta lại muốn tất cả … cùng trụ hạng như mùa này. Làm một phép so sánh nhỏ, thì 2 đội vừa thăng hạng là Công an nhân dân và Khánh Hòa về truyền thống cũng như triển vọng đều không thể ngay lập tức tạo ra các hiệu ứng chuyên nghiệp như 13 đội hiện nay tại V-League.
CLB Hà Nội bắt buộc phải đánh bại CLB Thanh Hóa trong trận đấu chiều nay (4/11) thì mới giữ được ngôi đầu bảng sau vòng 23 Night Wolf V-League 2022. Ảnh: Hoàng Linh |
Khi HAGL làm “kẻ phá bĩnh”
Vòng trước, với sự “giúp sức” của trọng tài, HAGL đã “bẻ cong” cuộc đua vô địch khi giật lại 1 điểm từ Bình Định. Với điểm số này, đội bóng của Kiatisuk tiến rất gần đến việc trụ hạng, đồng thời khiến Bình Định bị Hà Nội bỏ xa với khoảng cách lên đến 6 điểm, rất vô vọng trong việc bám đuổi.
Trở lại với 3 trận đấu thuộc vòng 22 trong chiều thứ Sáu này, HAGL lại tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cuộc đua trụ hạng khi tiếp đón Nam Định trên sân nhà. Trận đấu này diễn ra sau khi 2 đội đã biết được kết quả thi đấu của SHB Đà Nẵng, Sài Gòn FC và Hà Tĩnh.
Nói cách khác, “số phận” của Nam Định đang phụ thuộc khá nhiều vào thái độ thi đấu của đội chủ sân Pleiku. Về lý thuyết, HAGL vẫn có thể xuống hạng khi họ vẫn còn đến 4 trận chưa đấu. Tuy nhiên, do tạo ra được một khoảng cách đủ lớn trước nhóm cuối bảng nên HAGL vẫn có thể vừa đá vừa nghe ngóng tình hình các đội khác.
Để đến mức như thế này đã là khá dở với HAGL, nên người ta hi vọng họ sẽ chơi 4 trận còn lại với tinh thần tốt hơn nhằm giúp V-League có được sự hấp dẫn ở phần cuối.
Thật khó để ép những HAGL, Thanh Hóa, Bình Dương hay SLNA phải căng sức thi đấu khi mà họ mất động lực về thành tích. V-League cũng không thể làm được cái điều mà cố trưởng BTC giải Ngô Tử Hà từng làm đó là trừ điểm do thi đấu không tích cực.
Đó là chưa kể, những nhà tổ chức còn đang đau đầu với những vấn đề cấp thiết hơn, như trường hợp trọng tài Trần Ngọc Nhớ ở trận hòa của HAGL vừa qua. Một trận đấu không quá nóng, vậy mà trọng tài vẫn mắc lỗi nghiêm trọng, thì thử hỏi nếu trận nào cũng sòng phẳng, quyết liệt thì liệu có đủ trọng tài giỏi để thổi hay không?
Việc Bình Định đua vô địch là một điều tốt cho V-League, nhưng chính trọng tài đã khiến cho điều tích cực ấy biến mất chứ không phải là thái độ thi đấu của HAGL.
Tuy nhiên, từ các diễn biến ở trận đấu HAGL – Bình Định vòng trước, thì mọi chuyện đều có thể xảy ra. 10 năm trước, khi Công ty VPF ra đời, điều đầu tiên mà họ làm đó là giành lấy quyền kiểm soát đội ngũ trọng tài nhằm bảo đảm cho V-League được điều hành ở chất lượng tốt nhất. Nhưng VPF không còn có cái quyền đó trong tay ở thời điểm này, khả năng thành công của giải đấu đang bị thách thức bởi chất lượng của những ông Vua sân cỏ, những người mà cho đến nay dường như vẫn đang đi ngược so với đà tiến bộ của giải đấu.
V-League mùa này có hay nhất trong lịch sử hay không, giờ lại phụ thuộc vào trọng tài.
Kết quả và lịch thi đấu vòng 23 V-League 2022 Thứ Năm (3/11) SHB Đà Nẵng - Sài Gòn 1-0 Hải Phòng - Hà Tĩnh 1-1 SLNA - B.Bình Dương 3-0 Thứ Sáu (4/11) 17h00 Thanh Hóa - Hà Nội 18h00 HAGL - Nam Định 19h15 Viettel - Bình Định |
Tác giả: Long Khang
Nguồn tin: thethaovanhoa.vn