Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tỷ phú Phương Thảo ước tính nhận lương, thù lao bao nhiêu tại Vietjet Air?

Tỷ phú Phương Thảo vừa là Phó chủ tịch thường trực HĐQT, vừa là Tổng giám đốc Vietjet. Dựa theo báo cáo của doanh nghiệp, ước tính bà Thảo có thể nhận lương, thù lao trung bình khoảng 221 triệu đồng/tháng.

Trong quý III năm nay, ước tính bà Nguyễn Thị Phương Thảo nhận lương, thù lao khoảng 221 triệu đồng/tháng tại Vietjet khi bà là thành viên HĐQT, đồng thời là Tổng giám đốc.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air - mã chứng khoán: VJC) cho biết tổng chi lương, thù lao cho các thành viên HĐQT trong kỳ là 1,5 tỷ đồng; chi cho ban Tổng giám đốc và Kế toán trưởng là 3,5 tỷ đồng.

Nếu chia cơ học với số thành viên trong HĐQT thì mỗi thành viên HĐQT Vietjet nhận lương và thù lao trung bình 101 triệu đồng/tháng/người; Ban Tổng giám đốc và Kế toán trưởng nhận trung bình 120 triệu đồng/tháng/người.

Hiện tại, HĐQT Vietjet gồm 8 người, với bà Nguyễn Thanh Hà làm Chủ tịch HĐQT, bà Nguyễn Thị Phương Thảo làm Phó chủ tịch thường trực. Bà Thảo cũng nằm trong ban Điều hành với chức danh Tổng giám đốc.

Như vậy, theo báo cáo của Vietjet, trong quý III, ước tính nữ tỷ phú có thể nhận lương, thù lao tại Vietjet trung bình khoảng 221 triệu đồng/tháng.

 Bà Nguyễn Thị Phương Thảo vừa là Phó chủ tịch thường trực HĐQT, vừa là Tổng giám đốc tại Vietjet (Ảnh: Vietjet).

Tại ngày 30/9, Vietjet có 5.849 nhân viên, tăng 563 người so với thời điểm đầu năm (5.286 nhân viên).

Về kết quả kinh doanh, doanh thu hợp nhất quý III của Vietjet đạt 11.600 tỷ đồng, tăng gấp 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Xét theo cơ cấu, số thu từ hoạt động phụ trợ lên tới 4.114 tỷ đồng, đóng góp 35% tổng doanh thu. Con số này cao hơn cả doanh thu vận chuyển hành khách nội địa (3.418 tỷ đồng) và doanh thu hành khách quốc tế (1.182 tỷ đồng). Trong kỳ, doanh nghiệp đã thực hiện hơn 35.000 chuyến bay và vận chuyển 6,4 triệu lượt khách.

Tuy nhiên, giá vốn hàng bán quý III của Vietjet tăng nhanh hơn doanh thu khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt 364 triệu đồng.

Trong 3 tháng vừa qua, doanh thu hoạt động tài chính của hãng hàng không giá rẻ tăng từ 21 tỷ đồng lên 208 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính giảm 21% về 235 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 20% lên 143 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 128% lên 139 tỷ đồng.

Kết quả, Vietjet báo lãi ròng 43 tỷ đồng trong quý III, trong khi con số của cùng kỳ năm ngoái là 73 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ âm tới 767 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, tổng số chuyến bay và lượt khách vận chuyển của Vietjet lần lượt đạt 87.700 chuyến và 15,4 triệu khách, tăng 150% và 225% so với cùng kỳ 2021. Hãng bay ghi nhận doanh thu 27.535 tỷ đồng, tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế dương 187 tỷ đồng, giảm 3%.

Tại thời điểm ngày 30/9, tổng tài sản của Vietjet là 67.470 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm. Chỉ số nợ vay/vốn của doanh nghiệp là 1,1 lần.

Theo Vietjet, hoạt động vận chuyển hàng không đã giảm lỗ được trên 50% so với năm 2020, 2021. Nguyên nhân chính đến từ chi phí nhiên liệu bay tăng cao, bình quân 130 USD/thùng so với mức trung bình 80 USD/thùng năm 2019.

Tác giả: Văn Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí