3 nhiệm kỳ Thủ tướng, 3 nhiệm kỳ Bộ trưởng nhưng dự án vẫn chưa hoàn thành
- 08:07 01-11-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chiều 31/10, thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) đặc biệt quan tâm đến những vướng mắc, bất cập trong việc ban hành và thực hiện pháp luật về đầu tư công là nguyên nhân khách quan, gây lãng phí.
"Dự án hồ chứa nước Bản Mồng tỉnh Nghệ An đã được một đại biểu nhắc đến. Dự án được xây dựng trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến nay đã qua 3 nhiệm kỳ Thủ tướng, 3 nhiệm kỳ Bộ trưởng nhưng vẫn chưa hoàn thành", đại biểu nêu câu chuyện thực tế.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Ảnh: Phạm Thắng). |
Ngoài ra, bà Thủy dẫn ví dụ, 119 hộ dân vùng ngập lòng hồ của dự án thuộc bản Thanh Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đã không thể tách hộ, không thể giao dịch bất động sản, phát triển sản xuất. Hàng năm, lãng phí khoảng 17 tỷ đồng từ nhà máy thủy điện trong lòng hồ do không thể tích nước phát điện. Nguyên nhân do dự án phát sinh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia phải mất nhiều thời gian, bố trí không đủ vốn, không kịp thời và những thay đổi của pháp luật làm chậm tiến độ, làm tăng vốn đầu tư; đến nay vẫn còn tiếp tục vướng mắc về pháp luật đầu tư công.
Hay như dự án hồ chứa nước Ka Pét, tỉnh Bình Thuận, chỉ là dự án nhóm B, công trình cấp 2 nhưng phát sinh tiêu chí diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội nên phải mất nhiều thời gian để hoàn thành thủ tục. Đến năm 2019 mới được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, sau đó phải chờ phân bổ vốn, đến khi được phân bổ vốn đầu tư công thì đơn giá xây dựng, đền bù, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi rừng và trồng rừng thay thế đã tăng rất cao, lại phải xin điều chỉnh chủ trương.
"Chính phủ gần như đứng vai trò trung gian, làm thủ tục xin Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư. Dự án cứ thế trong vòng luẩn quẩn, đến nay vẫn chưa triển khai được", bà Thủy phản ánh.
Chung mối quan tâm, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) khẳng định nhiều công trình sau khi đã hoàn thành nhưng sử dụng kém hiệu quả. Cá biệt có những công trình bỏ không gây nên sự bất bình trong nhân dân.
"Điển hình như dự án cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nam được Thủ tướng trực tiếp đi kiểm tra và rất quyết liệt trong chỉ đạo giải quyết, khắc phục. Đây là những dự án chậm tiến độ nhiều năm, đội vốn lớn, giảm niềm tin trong nhân dân, trong khi điều kiện kinh tế - xã hội nhiều nơi trong cả nước còn rất khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn", vị đại biểu tỉnh Hòa Bình dẫn chứng.
Chưa tinh giản được bộ phận "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về"
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) "xin đi thẳng vào vấn đề liên quan tới phòng, chống lãng phí trong quản lý nguồn nhân lực, bao gồm lĩnh vực tuyển dụng, sử dụng, quản lý và vấn đề tinh giản biên chế trong khu vực công".
Theo bà, báo cáo của Chính phủ cho thấy tính đến cuối năm 2021, biên chế công chức giảm 10,01%, viên chức giảm 11,12% so với năm 2015 và như vậy vượt chỉ tiêu theo nghị quyết của Đảng là tối thiểu 10%. Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế liệu có thực sự đạt mục tiêu đề ra hay chỉ đạt chỉ tiêu về mặt cơ học?. Xu thế cán bộ, công nhân viên chức nghỉ việc gia tăng trong 2 năm qua có liên quan gì tới việc tinh giản biên chế ở các bộ ngành, địa phương?.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (Ảnh: Phạm Thắng). |
"Đối tượng tinh giản chủ yếu tập trung ở những người nghỉ hưu đúng tuổi, chuyển công tác. Chúng ta chưa tinh giản được những người cần đưa ra khỏi bộ máy, đó là bộ phận "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", có vị trí nhưng khó bố trí việc làm như rất nhiều diễn đàn Quốc hội chúng ta đã đạt tới. Biên chế giảm nhưng thực chất hệ thống cơ quan nhà nước của chúng ta công việc không giảm", bà nói.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) thẳng thắn: "Nói về lãng phí thì Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói rất rõ, tham ô thì có hại nhưng lãng phí thì có khi còn hại hơn nhiều. Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến. Qua những số liệu của báo cáo giám sát, đặc biệt là những con số biết nói liên quan đến hàng trăm dự án, hàng 100.000 hecta đất, hàng chục ngàn tỷ đồng bị lãng phí thì có thể nói rằng một cảm giác rất xót xa trong thời gian qua khi chúng ta để xảy ra tình trạng như vậy".
Theo ông An, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thì nguyên nhân về mặt chủ quan, đến từ trách nhiệm quản lý, điều hành và trách nhiệm con người đã được chỉ rất rõ trong báo cáo.
Đại biểu Trịnh Xuân An - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (Ảnh: Phạm Thắng). |
Ông An hi vọng, chuyên đề giám sát này sẽ giống như là một liều thuốc kháng sinh cực mạnh đặc trị để chúng ta xử lý dứt điểm. Để xử lý vụ việc này phải chỉ rõ được trách nhiệm của ai, của cá nhân nào, của tổ chức nào.
"Cá nhân tôi cho rằng khi các cơ quan Nhà nước, các chủ thể khi quyết định những chủ trương dự án thì không ai muốn mình bị xử lý trách nhiệm vì để xảy ra lãng phí. Nhưng có những dự án, những công trình có yếu tố cá nhân, yếu tố tư lợi và đặc biệt là cố ý làm sai thì chúng ta phải xử lý... Tôi cho rằng cần phải xử lý dứt điểm, cần phải làm rõ được trách nhiệm của những người đã quyết định ra những chủ trương đó. Như thế thì mới đầy đủ", Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhấn mạnh.
"Ca mổ kéo dài đến 9 tiếng đồng hồ mà bác sĩ được hưởng 140.000 đồng" Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) đề nghị phải rà soát các quy định; khắc phục, bãi bỏ các quy định đã lạc hậu và không đồng bộ. "Rất nhiều định mức của chúng ta đã lạc hậu và kéo dài hàng chục năm, thậm chí là hơn chục năm, do đó nếu làm và thực hiện đúng như vậy thì rất khó khăn. Nhiều đại biểu đã nói đến một ca mổ kéo dài đến 9 tiếng đồng hồ mà bác sĩ được hưởng 140.000 đồng là rất bất cập. Những định mức như vậy sẽ kéo lùi sự phát triển và chúng ta thấy rõ rằng là phải chi đúng, chi đủ, chi hiệu quả thì mới phát huy được sáng tạo và năng động của cán bộ", ông Nghĩa bày tỏ. Về thể chế, ông Nghĩa quan tâm đến "bệnh giấy tờ". Hiện nay các thủ tục hành chính rất nhiều. Ông kể, chỉ bán một căn hộ tập thể nhưng một cặp vợ chồng 80 tuổi, đã kết hôn 60 năm bây giờ yêu cầu phải trình giấy đăng ký kết hôn. "Chúng ta có thể yêu cầu thay bằng những giấy tờ khác có thể thay thế được như hộ khẩu hoặc xác nhận của nơi cư trú, bởi vì có thể gia đình đã cư trú ở đó nhiều chục năm rồi nhưng không được phép", ông nêu phương hướng. |
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí