Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tập trung xử lý hơn 2.000 dự án có vướng mắc

Chính phủ đã lập đề án, trước mắt tập trung xử lý ở 4 thành phố lớn có hơn 2.000 dự án có vướng mắc để đề xuất cấp có thẩm quyền; phải đảm bảo nguyên tắc không làm thất thoát, bị lợi dụng.

Giải trình thắc mắc của đại biểu Quốc hội, cuối buổi sáng 28/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà bày tỏ sự đồng tình với những phát biểu, nhận định, đánh giá về những tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay.

Theo ông Hà, trong quá trình tổng kết Nghị quyết 19 và Trung ương thông qua Nghị quyết 18, tổng kết thi hành Luật Đất đai,… những tồn tại, yếu kém và nguyên nhân dẫn đến việc đó đều đã được chỉ ra.

Về lãng phí đất đai do dự án chậm tiến độ, dự án treo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin, thời gian qua đã giải quyết được 10 ngàn hecta và hiện nay còn khoảng 18 ngàn hecta.

 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải trình thắc mắc của đại biểu Quốc hội sáng 28/10 (Ảnh: Phạm Thắng).

"Nguyên nhân do chậm giải phóng mặt bằng, quy hoạch thay đổi, các nhà đầu tư lựa chọn trước đây kém năng lực nên không đầu tư được; pháp luật đất đai và pháp luật liên quan có sự chồng chéo; dự án vi phạm pháp luật do cơ quan quản lý, người quản lý, do có kết luận của thanh tra, bản án có hiệu lực của tòa, ý kiến của Ủy ban kiểm tra…"- Bộ trưởng Trần Hồng Hà lý giải.

Với những dự án có tồn tại, khó khăn do lịch sử để lại, Chính phủ đã lập đề án, trước mắt tập trung xử lý ở 4 thành phố lớn có hơn 2.000 dự án có vướng mắc để đề xuất cấp có thẩm quyền.

"Thời gian tới sẽ xin Bộ Chính trị giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý"- ông Hà thông tin trước Quốc hội.

Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên từ nay tới năm 2024 (thời điểm dự kiến luật có hiệu lực - PV) nên ban hành nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, ở địa phương thì đưa ra cơ chế giải quyết những tồn tại, vướng mắc.

"Việc này vẫn phải đảm bảo nguyên tắc là không làm thất thoát, để bị lợi dụng, hợp thức hóa sai phạm và không làm ảnh hưởng tới bên thứ ba ngay tình, vì liên quan đến dự án hiện nay ảnh hưởng tới hàng nghìn hộ dân"- Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh quan điểm.

Để tránh lợi ích nhóm, lợi dụng chính sách đất đai, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đưa ra Quốc hội thảo luận sắp tới sẽ tính tới tổng thể từ câu chuyện quy hoạch, định giá, đấu thầu… nhằm hướng tới mục đích công khai, minh bạch.

Ông Hà cho rằng, việc định giá đất, khung giá, bảng giá đất hiện nay không sát thị trường; phương pháp định giá, xác định giá không chính xác. Vì thế khi Luật Đất đai sửa đổi được ban hành, "có đầu vào chính xác", phương pháp định giá mới phù hợp sẽ thay đổi được những bất cập hiện nay.

Về biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận đang gây ra những ảnh hưởng rất lớn, đã tới thời điểm gay gắt, phức tạp và trở thành vấn đề sống còn nếu chúng ta không có điều chỉnh kịp thời.

"Việt Nam đang thể hiện các cam kết với quốc tế và vượt qua thách thức của chính mình. Chúng ta đã có Luật Khí tượng thủy văn, Luật Bảo vệ môi trường, các nghị định của Chính phủ về giảm rác thải, giảm thải; đàm phán với các nước về chuyển đổi năng lượng, sơ đồ điện 8,…"- ông nói.

Những thách thức về biến đổi khí hậu đòi hỏi phải nhanh chóng chuyển đổi, tận dụng cơ hội và thay đổi theo hướng cacbon thấp, chuyển đổi xanh. Riêng năng lượng gió ngoài khơi, theo tính toán có thể gấp 5 lần nhu cầu sử dụng.

Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án thực hiện COP26, đàm phán với các nước phát triển để chuyển giao công nghệ, phối hợp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

"Từ nay tới 2025, chúng tôi sẽ đưa ra các mô hình chuyển đổi công nghệ, các dự án về hạ tầng môi trường. Chúng ta cũng sẽ đấu giá đầu tư chọn công nghệ. Tương tự các đại biểu nói về nhà ở xã hội, nhà ở sinh viên, đây là đối tượng mà Nhà nước tạo quỹ đất không thu tiền để giá nhà ở xã hội, giá nhà sinh viên phù hợp"- ông Hà thông tin.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí