Hai bộ trưởng thông tin về tăng lương và điều hành thị trường xăng dầu
- 06:51 23-10-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mong muốn tăng lương cơ sở từ 1/1/2023
Sáng 22/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội. Theo đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu), cử tri băn khoăn với tình trạng gần 40 nghìn công chức, viên chức xin nghỉ việc trong 2,5 năm qua. Từ đó, cử tri kiến nghị rất nhiều về việc tăng lương, trong đó, cần sớm tăng lương cơ sở để từng bước tháo gỡ khó khăn. Còn những vấn đề như môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến sẽ thực hiện từng bước một.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cho biết, cử tri cảm thấy rất phấn khởi trước thông tin tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, từ ngày 1/7/2023. Tuy nhiên, cử tri cũng có nguyện vọng được áp dụng sớm hơn 6 tháng, thay vì từ 1/7/2023, cử tri mong muốn được thực hiện tăng lương cơ sở từ 1/1/2023. Với đề án cải cách chính sách tiền lương, dù đến năm 2023 chưa thực hiện được, song cử tri cũng muốn biết lộ trình thực hiện thế nào, bao giờ dự kiến triển khai.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt, là nguồn lực và là động lực để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững, đảm bảo để cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt được nhiệm vụ. Bộ trưởng cho rằng, đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng là rất hợp lý, tạo được động lực mới, giảm hiện trạng công chức, viên chức xin thôi việc.
Tiếp đến, trong những năm tới, nếu tăng trưởng, kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, thì có thể triển khai cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27. "Nếu trong năm 2022 – 2023 tiếp tục phát triển kinh tế- xã hội tốt, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế bền vững thì năm 2024 tôi nghĩ có thể thực hiện cải cách chính sách tiền lương", Bộ trưởng cho hay.
Liên quan đến tình trạng gần 40 nghìn công chức, viên chức nghỉ việc, theo Bộ trưởng Nội vụ, chủ yếu là viên chức với 35.523 người, còn công chức chỉ hơn 4.000 người, chủ yếu rơi vào hai ngành giáo dục và y tế. Nguyên nhân, do tác động của đại dịch COVID-19 dẫn đến áp lực công việc rất lớn. Khi đại dịch COVID-19 được khống chế, các dịch vụ như y tế, giáo dục ngoài công lập có điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ hơn nên đã thu hút nguồn nhân lực rất lớn từ công sang tư, bởi có chế độ ưu đãi tốt hơn.
Về giải pháp, Bộ trưởng Nội vụ cho rằng, cần tập trung để nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và việc điều chỉnh tăng lương cơ sở chính là một cách để giảm bớt khó khăn cho người lao động. Đồng thời, xem xét lại tổng thể, công tâm, khách quan về công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức; xây dựng môi trường làm việc văn hóa, thân thiện để người lao động yên tâm làm việc.
Chưa bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu
Bất cập về thị trường xăng dầu cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm phản ánh. Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (Hà Nội), do thiếu hụt nguồn cung xăng dầu, dẫn đến đóng cửa nhiều cửa hàng, đặc biệt ở TP.HCM vừa qua.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi lo ngại, việc xăng dầu khan hiếm dẫn đến mất an ninh năng lượng, mất an ninh trật tự. Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị cần phải đánh giá đồng bộ và kịp thời giải quyết vấn đề này.
Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên vấn đề năng lượng hiện “cả thế giới điêu đứng, giá cao nhưng cũng không có hàng để mua". So sánh mức giá giữa các nước hiện nay, Bộ trưởng khẳng định giá xăng dầu của Việt Nam thấp nhất trong khu vực và có thể nói thấp nhất thế giới. “Trừ Malaysia trợ cấp trong nước thì không nói, còn người nước ngoài sống ở Malaysia vẫn phải mua mức giá của khu vực, cao hơn bình quân giá của chúng ta”, ông Diên nói.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Như Ý |
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên |
Về nguồn cung, Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam chưa bao giờ thiếu, với khoảng 3 triệu m3 xăng dầu trong thời điểm cuối tháng 9, giữa tháng 10. Lượng dự trữ này hoàn toàn đáp ứng nguồn cung trong nước tới gần hết tháng 11. Sang tháng 11, các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, nhập khẩu.
Lý giải hiện tượng xăng dầu thiếu hụt ở phía Nam, theo ông Diên, khu vực này có lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậu, giả. Tháng 8 vừa qua cơ quan chức năng bắt được vụ sản xuất, buôn xăng dầu lậu hàng trăm triệu lít. Có lượng xăng trôi nổi như vậy, người kinh doanh không quan tâm tới chi phí định mức, chiết khấu cũng như không quan tâm chuyện mua của ai một cách ổn định. Giờ siết chặt xăng dầu lậu, chỉ còn xăng dầu chính thống. Mà xăng dầu chính thống, như vừa phân tích, nguồn cung thế giới thiếu, giá biến động nên khó khăn, chiết khấu thấp. Đang kiếm được nhiều tiền, giờ ít hơn, thậm chí lỗ, thì không ai làm.
“Dư luận đặt vấn đề trách nhiệm thuộc ngành Công Thương. Đúng là chúng tôi được giao quản lý mặt hàng này. Nhưng xin thưa là quản lý xăng dầu gồm 7 bộ, ngành và địa phương cùng chịu trách nhiệm quản lý và bảo đảm nguồn cung xăng dầu”, Bộ trưởng Công Thương nói. |
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, vừa qua cơn lốc chứng khoán, bất động sản cũng có tác động nhất định. “Thông thường những doanh nghiệp làm xăng dầu đều tham gia ít nhiều bất động sản, chứng khoán, nên nguồn tiền bị vơi đi. Đến kỳ nhập hàng, bối cảnh nhập cao, bán thấp thì họ không có nguồn tiền nhập”, ông Diên cho hay.
Về nguyên tắc xử lý, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, doanh nghiệp nào sai thì kiên quyết xử lý theo luật. Bên cạnh đó, nghị định về kinh doanh xăng dầu cũng đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, sẽ nghiên cứu sửa đổi. “Không thể có chuyện quýt làm cam chịu. Sau này chúng tôi sẽ làm theo hướng, anh vi phạm thì lần 1 phạt tiền; lần 2 phạt tiền cao hơn và lần 3 thu hồi giấy phép. Anh đi thì người khác sẽ đến, trăm người bán, vạn người mua”, Bộ trưởng khẳng định.
Tác giả: Luân Dũng
Nguồn tin: Báo Tiền phong