Hỗ trợ giáo viên ngoài công lập vượt qua khó khăn bởi dịch Covid-19
- 13:44 20-10-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cần chính sách hỗ trợ cho giáo viên ngoài công lập |
Tiếp thêm động lực cho giáo viên
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP thực hiện chính sách hỗ trợ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, các giáo viên trong đối tượng thụ hưởng sẽ được nhận từ 2,2 triệu đến 3,7 triệu đồng/người.
Đánh giá về ý nghĩa của Nghị quyết đối với ngành GD-ĐT Thủ đô, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP là rất thiết thực, góp phần ổn định đội ngũ giáo viên, tránh đứt gãy nguồn cung ứng nhân lực có kinh nghiệm cho các trường mầm non, tiểu học ngoài công lập.
Thời gian qua, Sở đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, các hình thức đặc thù hỗ trợ cán bộ, giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập. Ngoài chính sách của thành phố Hà Nội, Công đoàn ngành GD-ĐT Hà Nội, các quận, huyện, thị xã đều có hỗ trợ cho giáo viên.
Thời gian tới, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ đề xuất giảm thủ tục để cán bộ, giáo viên nhận hỗ trợ sớm nhất. Tiếp theo, Hà Nội tiếp tục rà soát, nghiên cứu các chính sách đặc thù đề nghị Bộ GD&ĐT trình Chính phủ có mức hỗ trợ giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông thông tin: Cùng với chính sách về nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, nay Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trường mầm non, tiểu học ngoài công lập là điều rất có ý nghĩa.
Tuy mức hỗ trợ còn khiêm tốn nhưng lại có tác dụng động viên lớn, là động lực giúp giáo viên và các cơ sở giáo dục vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch Covid-19. Nghị quyết số 103/NQ-CP giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập tin tưởng, trong khó khăn, luôn có Đảng, Nhà nước đồng hành.
Bà Dương Thị Sáu - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Anh đánh giá: Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ là chính sách rất kịp thời và hết sức nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục.
Đối tượng được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết là những người chưa được hưởng chính sách hỗ trợ với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương theo Nghị định số 68/NĐ-CP do không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là quy định rất cụ thể, tránh hỗ trợ không đúng đối tượng.
Để chính sách hỗ trợ đến sớm với đối tượng thụ hưởng, Phòng sẽ đề nghị UBND huyện Đông Anh tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng trong quá trình xác nhận điều kiện được hỗ trợ theo quy định; bảo đảm thủ tục đơn giản, rõ ràng để thực hiện công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện.
Cần chính sách tháo gỡ khó khăn, giúp các cơ sở giáo dục mầm non gượng dậy sau đại dịch |
Chính sách mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc
Bà Phạm Thu Thủy, chủ cơ sở mầm non Thế giới nhỏ (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: Thời gian qua, Chính phủ, các cấp chính quyền đã có rất nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn, giúp các cơ sở giáo dục mầm non gượng dậy sau đại dịch.
Theo quy định tại Nghị quyết số 103/NQ-CP, nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định thì cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập có thể được hỗ trợ từ 2,2 triệu đồng đến 3,7 triệu đồng/người. Đây là khoản tiền giúp mỗi người ổn định cuộc sống, động viên họ tiếp tục làm việc, cống hiến.
Cô Nguyễn Thị Thùy Linh- giáo viên Trường mầm non Thành Công (quận Ba Đình) cho hay: Trong hơn 2 năm qua, rất nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã buộc phải đóng cửa do dịch Covid-19; nhiều giáo viên phải bỏ nghề, chuyển công việc khác để duy trì cuộc sống.
Trong bối cảnh đó, giáo viên chúng tôi rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và toàn xã hội để sớm ổn định cuộc sống và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ được ban hành rất kịp thời và nhân văn, giúp các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập khôi phục hoạt động, thích ứng với tình hình dịch Covid-19 trong giai đoạn mới, từ đó góp phần bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non ngoài công lập nói riêng và chất lượng giáo dục toàn diện nói chung.
Trong khi đó, bà Trương Thu Hiền- Phó hiệu trưởng trường mầm non Đức Trí (quận Hà Đông) bày tỏ: Trong thời gian nghỉ dịch, toàn bộ giáo viên và nhân viên của trường đều phải tự trang trải cuộc sống bằng cách tìm công việc khác. Tuy nhiên, đến nay khi hoạt động trở lại, tất cả giáo viên đã quay lại với nghề.
Có được may mắn đó là nhờ cơ sở đã hỗ trợ, thu hút giáo viên như ổn định mức lương 6 triệu đồng/người/tháng và đóng bảo hiểm; miễn phí toàn bộ học phí cho những giáo viên có con theo học tại trường. Giờ là lúc các cô giáo thể hiện sự yêu nghề và gắn bó để thu hút học sinh đi học trở lại.
Việc Chính phủ quy định khoản hỗ trợ tuy không nhiều nhưng là nguồn động viên lớn, giúp giáo viên chúng tôi phần nào ổn định cuộc sống, cổ vũ, động viên tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Mức hỗ trợ được quy định trong Nghị quyết số 103/NQ-CP là hỗ trợ một lần mức 3.700.000 đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa được hưởng chính sách của địa phương hỗ trợ. Hỗ trợ một lần mức 2.200.000 đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã được hưởng chính sách của địa phương. Chính phủ giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết, kịp thời đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh. |
Tác giả: Vân Anh
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn