Nên cấm sóng với nghệ sĩ vi phạm đạo đức?
- 14:29 18-10-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu Bộ quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động nghệ thuật do Bộ VHTTDL ban hành có đủ tính răn đe? Hay bên cạnh đó cũng phải có những hoạt động khắt khe hơn trong việc này.
Mới đây Angela Phương Trinh xuất hiện tại sự kiện với hình ảnh gợi cảm sau thời gian dài vắng bóng, tiết lộ sắp trở lại showbiz. Điều đáng nói, trước đó nữ diễn viên đã có những bài viết nội dung sai sự thật, gây hiểu nhầm về khả năng phòng, điều trị bệnh của sản phẩm từ địa long (giun đất).
Dù bị các nhà chức năng yêu cầu dừng hành động trên và nộp phạt nhưng Angela Phương Trinh vẫn đăng tải thường xuyên những thông tin này. Ngay cả khán giả cũng đã phải lên tiếng tẩy chay nhưng cô vẫn thách thức dư luận.
Angela Phương Trinh gây bức xúc khi tiết lộ sắp trở lại showbiz. |
Bẵng đi một thời gian, nữ diễn viên lại tìm lý do quay trở lại showbiz khiến nhiều người vô cùng bức xúc.
Và đây cũng không phải là trường hợp hiếm của làng giải trí Việt. Cư dân mạng xã hội xôn xao về chuyện cô ca sĩ nổi tiếng nọ trở lại chỉ 6 tháng tạm nghỉ sau ồn ào lộ ảnh thân mật với một doanh nhân đã có gia đình.
Một cô diễn viên khác thường xuyên công khai thể hiện tình cảm với một doanh nhân chưa hoàn tất thủ tục ly hôn với vợ. Một trường hợp khác cũng được đem ra bàn tán là chuyện chàng ca sĩ vướng lùm xùm “bắt cá nhiều tay”, có con với một nữ diễn viên nhưng không công khai và chỉ chu cấp 5 triệu mỗi tháng để nuôi con.
Những nghệ sĩ này đều dính đến những bê bối thuộc phạm trù đạo đức, trong đó hành vi và thái độ đi ngược lại chuẩn mực đạo đức xã hội khiến khán giả phẫn nộ, kêu gọi tẩy chay trên nhiều phương tiện truyền thông. Thế nhưng bất chấp sự phản đối của dư luận, họ nhanh chóng dùng chiêu trò quay trở lại hoạt động.
Có người nói, những điều vi phạm đó thì trong đời sống thiếu gì sao phải quá khắt khe đến vậy. Nhưng quan trọng, họ là những người nổi tiếng, luôn là tâm điểm của công chúng, là tấm gương của không ít người hâm mộ vậy nên nghệ sĩ cần quản lý hình ảnh một cách nghiêm khắc.
Bởi chỉ một hành động, cử chỉ của nghệ sĩ sai lệch đều ảnh hưởng đến công chúng. Chứ đằng này là những vi phạm nghiêm trọng về mặt đạo đức và cả lối sống.
Jack bị nhiều khán giả tẩy chay sau lùm xùm tình ái |
Ngay tại điều 1 của Bộ quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động nghệ thuật do Bộ VHTTDL ban hành cũng nêu rõ: "Xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, nhằm thống nhất nhận thức, hành động của người hoạt động nghệ thuật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật và toàn xã hội."
"Khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp theo tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực. Góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước."
"Giữ gìn phẩm chất đạo đức, uy tín, danh dự của người hoạt động nghệ thuật phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa Việt Nam."
Tuy nhiên, một số nghệ sĩ tùy tiện lợi dụng hình ảnh, sự nổi tiếng và có những ứng xử chưa phù hợp. Dù cố ý hay vô tình, những cái nhíu mày của công chúng cũng chẳng ảnh hưởng đến tương lai của họ.
Scandal gì đó cũng chỉ nổ ra một thời gian rồi dần trôi vào quên lãng. Sau họ vẫn tìm đủ cách để quay lại làng giải trí và còn coi đó như một chiêu trò PR cho bản thân.
Ở các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc hay ngay cả Thái Lan quy tắc hay những quy định của người nổi tiếng vô cùng chặt chẽ. Dù chỉ một lần phạm sai lầm, họ cũng sẽ phải đánh đổi cả danh tiếng mà bấy lâu dày công xây dựng.
Câu hỏi đặt ra vì sao ở Việt Nam lại chưa thể làm những điều như vậy?
Đầu tiên phải nói đến Bộ quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động nghệ thuật do Bộ VHTTDL ban hành không phải văn bản quy phạm pháp luật, chỉ là văn bản hướng dẫn hành vi, mang tính chất khuyến khích và định hướng.
Bộ quy tắc ứng xử không đủ sức răn đe, không đủ căn cứ pháp lý để xử phạt những trường hợp vi phạm. Tất cả những điều đưa ra trong bộ quy tắc ứng xử như một khuyến cáo, không có chế tài xử lý khiến các nghệ sĩ nghĩ rằng không có nghĩa vụ phải tuân theo.
Bộ quy tắc ứng xử là cẩm nang đối với những nghệ sĩ có ý thức, bởi họ sẽ hiểu mình cần phải làm gì và cần xuất hiện trước công chúng với hình ảnh như thế nào. Nhưng ở khía cạnh pháp luật lại không hề có những hình phạt, chế tài cho những hành vi vi phạm.
Trong tương lai để thay đổi tình trạng trên chắc hẳn sẽ còn khá lâu. Mà showbiz luôn có sự xoay vần và giới trẻ cũng luôn tự cập nhật những gì mới mẻ mà không biết nó có thật sự độc hại hay không.
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng: Trước khi thay đổi luật thì các đài truyền hình cần nghiêm khắc hơn khi mời nghệ sĩ lên sóng. Vì chỉ cần cấm sóng trên mọi mặt những nghệ sĩ vi phạm đạo đức thì đó như một hình phạt rất nặng và ảnh hưởng trực tiếp.
Nếu thực hiện nghiêm túc việc này, nghệ sĩ sẽ ý thức được nguy cơ bị cấm sóng nếu xảy ra vi phạm.
Sau nhiều bê bối đời tư, vi phạm đạo đức, một số nghệ sĩ vội vàng trở lại hoạt động bất chấp sự phản đối của dư luận. |
Tiếng nói của công chúng vẫn là tín hiệu rõ ràng và không thể thay thế. Một khi cộng đồng phản đối tức là nội dung đó, việc làm đó không nên xuất hiện và cũng không được chấp nhận.
Nhiều chuyên gia đề xuất nên có sự khuyến khích, giáo dục công chúng nâng cao nhận thức và thái độ, tư duy với các tác phẩm văn hoá, nghệ thuật. Sự tiến bộ trong nhận thức của khán giả là tiền đề để xây dựng môi trường văn hóa - giải trí trong sạch.
Tác giả: Xuân Lan
Nguồn tin: Báo Công lý