Từ vụ bắt 'Tina Dương' Ninh Thị Vân Anh: 'Lừa đảo' khác 'lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản' ra sao?
- 07:54 16-10-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Liên quan đến sự việc này, nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao Ninh Thị Vân Anh - người được cộng đồng mạng phong là “Anna Bắc Giang” lại bị khởi tố về hành vi lạm dụng tín nhiệm thay vì lừa đảo chiếm đoạt tài sản?
Theo Cơ quan CSĐT Công an TP. Phan Thiết, việc khởi tố được đưa ra sau khi cơ quan này đã có kết quả định giá ôtô biển số 51H-242.74 có giá trị trên 500 triệu đồng nên thẩm quyền giải quyết vụ án thuộc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận.
Trước đó, Công an TP. Phan Thiết nhận văn bản của Công an TP. Ninh Bình về việc chuyển đơn tố giác của ông L.K.D. (ở Đồng Tháp) tố cáo Vân Anh có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là chiếc ôtô biển số 51H-242.74.
Kết quả xác minh cho thấy, Công ty TNHH Gia Đình Việt đã có hợp đồng cho thuê xe tự lái với Ninh Thị Vân Anh, thời hạn cho thuê xe ba tháng từ 24/1- 24/4/2022 với giá 45 triệu đồng.
Sau khi hết hạn thuê xe, các nhân viên công ty liên lạc nhiều lần nhưng Ninh Thị Vân Anh không trả. Đến tháng 6, Vân Anh điều khiển xe ra TP. Ninh Bình và bán xe này cho anh H với giá 450 triệu đồng. Anh H. đã chuyển cho Vân Anh 390 triệu đồng.
Sau đó Vân Anh về TP. HCM lên mạng đặt làm giả một giấy đăng ký ô tô biển số 51H-242.74 với giá 5 triệu đồng ra giao cho anh H, hẹn 30-6 sẽ làm thủ tục sang tên. Đến hẹn, anh H. liên lạc thì Vân Anh tìm nhiều lý do né tránh. Do thiếu nợ nhiều người, Vân Anh bỏ trốn vào TP. HCM và sau đó ra Bình Thuận.
Ninh Thị Vân Anh (Bắc Giang) đã bị khởi tố, bắt tạm giam |
Làm rõ sự khác nhau giữa hành vi lạm dụng tín nhiệm với lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là các tội danh xâm phạm quyền sở hữu tài sản. Tuy vậy, hành vi vi phạm, phương thức thủ đoạn chiếm đoạt tài sản, đối tượng bị hại của 2 tội này là khác nhau.
Với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi, thủ đoạn gian dối có trước, việc nhận tài sản xảy ra sau và mục đích chiếm đoạt tài sản có ngay từ đầu. Giao dịch xảy ra là vô hiệu do bị lừa dối và bị chiếm đoạt tài sản.
Còn với Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, quan hệ dân sự ban đầu là hợp pháp, sau khi nhận được tài sản một cách hợp pháp rồi thì đối tượng đã gian dối, bỏ trốn, sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản, có tài sản nhưng cố tình không trả thì có thể bị xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Mặc dù cả 2 tội trên đều có yếu tố "gian dối", nhưng ở Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi gian dối có trước khi nhận được tài sản, vì gian dối nên nạn nhân mới hiểu lầm rồi trao tài sản. Còn ở Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hành vi gian dối diễn ra sau khi đã nhận được tài sản nhằm mục đích không trả lại tài sản cho nạn nhân - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.
Tác giả: H.L
Nguồn tin: anninhthudo.vn