Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Những cảnh đời sau lũ quét

Đã 10 ngày trôi qua, “dư chấn” của trận lũ quét vẫn còn hằn lên bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ, huyện rẻo cao Kỳ Sơn, Nghệ An). Bản làng ngổn ngang đất đá, nhà cửa tan nát; những gương mặt thẫn thờ, mệt mỏi trước mất mát.

Suối Huồi Giảng bên bản Hòa Sơn vẫn cuồn cuộn chảy, đục ngầu. Bên suối, nhiều ngôi nhà sập nát. Con đường chạy xuyên giữa bản giờ cũng biến thành dòng suối. Trước đây nó là con đường bê tông, còn giờ toàn nước đục ngầu, đất đá lẫn ti vi, áo quần, giường chiếu, chăn màn… Bộ đội, công an, thanh niên được huy động đến trợ giúp dân dọn dẹp. Nhiều đoàn thiện nguyện cũng tìm đến thăm hỏi, tặng quà các gia đình. Gần trưa, một đội thiện nguyện đến từng nhà gọi mọi người ra lấy cơm hộp. Nhận phần cơm nghĩa tình, nhiều người ngồi giữa đống đổ nát tranh thủ ăn mà mắt rưng rưng.

Bà La Thị Mai lội bì bõm quanh nhà, bới tìm trong đống bùn, đất đá xem còn gì có thể dùng được. Bà kể, sáng 2-10, mưa lớn, con đường trước nhà bất ngờ thành suối. Cứ nghĩ là nước dâng bình thường, vì năm 2019 lũ về rất lớn nhưng cũng không dâng lên đường. Nhưng một hồi sau, nước tràn vào nhà. Khi ấy, cửa nhà bà Mai đang đóng nên bị nước ép không thể mở ra được. Trong nhà, ngoài bà còn có người chồng bị tai biến không thể tự di chuyển được. Bà hô hoán, một hồi sau, lực lượng dân quân tự vệ tiếp cận, phá cửa đưa hai vợ chồng bà ra. Khi di chuyển được một đoạn, nghe tiếng “lục bục”, ngoái đầu nhìn lại, bức tường phía trước và bên hông nhà bị phá tan, nước cùng đá, gốc cây thốc thẳng vào làm vỡ luôn bức tường phía sau. Bà Mai đau lòng kể: “Mạng người may còn giữ được, nhưng mất hết rồi. Nhà giờ còn có cái mái với mấy cây cột...”.

 Ông Vi Văn Sơn (bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ) bên “bàn thờ” vợ là những tấm ván 

Đối diện nhà bà Mai, phía bên kia đường, ông Vi Văn Sơn đầu chít khăn trắng, ngồi thẫn thờ, mắt nhìn ra dòng nước đục ngầu. Bên tay trái ông Sơn là di ảnh vợ ông đặt trên mấy tấm ván, trước di ảnh là một cái xô nhựa nhỏ dùng làm bát hương, ngay dưới toàn bùn đất. Vợ ông Sơn mất sau trận lũ quét 4 ngày, do bị bệnh. Vì nhà bị lũ phá tan nên ông phải kê tạm mấy tấm ván, vừa làm chỗ ngủ nghỉ vừa làm “bàn thờ” vợ. Ông Sơn kể, năm nay ông đã 75 tuổi, nhưng chưa bao giờ chứng kiến trận lũ nào khủng khiếp như trận này. Ngày xưa, núi Pà Cọ, Pu Nghiêng, Chu Lu như bao bọc, chở che bản làng. Suối Huồi Giảng là dòng nước nguồn tiếp sức cho dân bản. Nhưng bây giờ, núi như “ông thiên lôi” đứng trên đầu bản, suối như bà dì ghẻ độc ác luôn gầm gừ, chực chờ như muốn xé toang bản làng.

Bà Vi Thị Nguyện ngồi thẫn thờ trong nhà nhìn ra đường, nơi có mấy con heo đang sục tìm thức ăn dưới những đống quần áo, chăn chiếu. Khuôn mặt thất thần, bà than: “Mệt mỏi lắm rồi chú ơi. Đến giờ nước mới ngấm vô người”. Hôm lũ về, bà đang ở trên rẫy thì có người chạy lên báo “về mà giữ nhà”. Lúc đầu bà không hiểu gì, sau nghe ra thì chạy về, nhưng không thể về đến nhà mà chỉ biết đứng từ xa nhìn, vì nước đã ngập sâu, chảy xoáy “ùng ục” dưới ngôi nhà. Khi đó, hai đứa cháu bà đang ở trên gác nhà sàn. Bố của hai đứa nghe tin mấy căn nhà bên suối bị nước cuốn đổ nên chạy đến ứng cứu, khi quay về thì thấy nhà mình đã bị lũ ập vào. Rất may nước không cuốn đổ cột nhà nên hai cháu an toàn, nhưng đồ đạc ở tầng dưới bị cuốn trôi và hư hỏng hết.

Chàng trai trẻ Lô Thanh Tâm buồn bã đứng nhìn ngôi nhà của mình, nhưng ngôi nhà giờ không còn là nhà bởi mưa lũ đã làm sập nóc, nát tường, chỉ còn trơ mấy cây gỗ khung. Cách đây 2 năm, vợ chồng Tâm tích cóp, vay mượn dựng được một ngôi nhà bên suối Huồi Giảng, nhưng giờ nó chỉ còn lại đống đổ nát. “Giờ em cũng không biết phải làm thế nào nữa, mất hết rồi, đuối lắm rồi”, Tâm sụt sùi.

Tác giả: DUY CƯỜNG

Nguồn tin: Báo Sài Gòn giải phóng