Nóng: Bị 'truy' đứt nguồn cung xăng dầu, Bộ Công Thương nói sẽ trả lời trên... website
- 05:55 13-10-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nêu đủ lý do… kêu khó
Tại cuộc họp báo, việc Việt Nam có tới 500 thương nhân phân phối và có tới 36 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối nhưng tình hình nguồn cung vẫn rối loạn, Bộ Công Thương đánh giá thế nào về việc cấp phép cũng như để xảy ra tình trạng rối loạn nguồn cung như hiện nay... là vấn đề được các cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm khi đặt câu hỏi với Bộ Công Thương.
Các phóng viên nêu loạt câu hỏi: Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ có 19/33 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối thực hiện nhập khẩu xăng dầu trong quý III vừa qua, vậy 14 doanh nghiệp không thực hiện việc nhập khẩu thì Bộ Công sẽ xử lý các doanh nghiệp này thế nào? 14 doanh nghiệp không thực hiện nhập khẩu xăng dầu là những đơn vị nào?
Nội dung cuộc họp khẩn của Bộ Công Thương với các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối trong sáng 12/10 có giải pháp gì cho tình hình hiện nay?
Trước những câu hỏi nóng về diễn biến của thị trường xăng dầu thời gian qua, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết sẽ dành 30 phút để trả lời báo chí. Ông Hải cho rằng, xăng dầu không chỉ là vấn đề nóng mà là vấn đề quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Quan trọng nhất là tìm ra hướng xử lý cho tình hình hiện nay. Ông Hải cũng giao cho Vụ Thị trường trong nước trả lời các câu hỏi.
Về các câu hỏi đặt ra, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - nêu 4 vấn đề chính liên quan đến diễn biến thị trường. Theo đó, diễn biến bất thường của thị trường xăng dầu là một trong những nguyên nhân khiến thị trường có sự đảo lộn trong thời gian qua khi nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ, bị cắt chiết khấu.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Thị trường trong nước - trả lời các câu hỏi liên quan đến thị trường xăng dầu thời gian qua. |
Đối với việc gián đoạn nguồn cung, theo Vụ Thị trường trong nước cũng xuất phát từ việc 7 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, chủ yếu ở khu vực phía Nam bị tước giấy phép thời gian qua. Cùng đó, Vụ này cũng nêu lý do ‘đứt nguồn’ do bão Noru gây ảnh hưởng việc vận chuyển xăng dầu đi các tỉnh, thành phố.
Sau khi nêu đủ lý do và báo cáo những đầu việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn cung trong nước, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết sẽ thực hiện 8 nhiệm vụ để thị trường ổn định trở lại, trong đó rà soát các chi phí định mức, cách tính chi phí cho doanh nghiệp…
“Bộ đã yêu cầu 2 Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất thực hiện giao hàng ngay, ưu tiên cấp hàng sớm cho các khách hàng chưa có hợp đồng sẵn cùng đó điều chỉnh cơ cấu sản xuất xăn dầu để tăng nguồn cung cho thị trường. Chúng tôi cũng rà soát việc phân giao tổng nguồn cho các doanh nghiệp đầu mối để đảm bảo đủ nguồn cho quý IV”, ông Đông cho hay.
Mong báo chí chia sẻ
Nhiệm vụ khác được đại diện Bộ Công Thương nêu ra là việc rà soát lại các công thức tính giá, thời điểm điều hành, tăng quyền hơn cho các doanh nghiệp đầu mối cũng như quyền của các thương nhân phân phối để đảm bảo việc điều hành sát diễn biến thị trường. Bộ Công Thương cũng đề xuất các tỉnh cho phép các xe bồn chở hàng vào thành phố trong ngày để đảm bảo an ninh năng lượng.
Sau khi đọc bản báo cáo kéo dài 16 phút, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cũng đề nghị các cơ quan báo chí đăng tải thông tin về nỗ lực của doanh nghiệp trong việc tăng bán hàng và nỗ lực của cả hệ thống trong việc đảm bảo an ninh năng lượng thời gian qua.
Điểm lại 10 vấn đề được các cơ quan báo chí quan tâm, ông Đông cũng giải thích vắn tắt về các vấn đề nóng liên quan đến chi phí định mức cần điều chỉnh cũng như khái niệm về vai trò của các thương nhân phân phối, việc đảm bảo thời gian điều chỉnh giá, việc đại lý bán giá cao hơn giá bán lẻ…
“Mục tiêu điều hành thời gian tới sẽ hướng tới điều hành sát với giá thị trường. Vụ Thị trường trong nước sẽ tập hợp và đăng tải công khai phần trả lời”, ông Đông cho hay.
Người dân TPHCM xếp hàng mua xăng trong những ngày qua (ảnh: Phạm Nguyễn). |
Nối tiếp phần trả lời của Vụ Thị trường trong nước, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng đến giờ này có thể khẳng định đã rất cố gắng và cơ bản đảm bảo nguồn cung cho thị trường. “Nhìn tổng thể thì việc thiếu hụt chỉ ở một số địa phương. Dù là 1 cửa hàng chúng ta cũng phải giải quyết”, ông Hải nói.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho rằng, theo Nghị định 95, khái niệm không phải doanh nghiệp xuất nhập khẩu mà là đầu mối. Việc tính hiện nay là theo tổng nguồn, doanh nghiệp có thể mua ở Bình Sơn, Nghi Sơn, không nhất thiết là phải nhập khẩu.
Giai đoạn đầu năm Nghi Sơn gặp ‘sự cố’ kéo theo diễn biến rối của thị trường sau khi các doanh nghiệp tăng mua nguồn giá cao từ nước ngoài để đảm bảo trong nước. Nhưng khi xăng về đến cảng thì do diễn biến thay đổi giảm đột ngột của thị trường, doanh nghiệp bị lỗ. Việc này dẫn đến việc đầu mối phải cắt chiết khấu.
“Hiện nay nhập khẩu xăng dầu rất khó khăn, cả châu Âu cũng đang gia tăng nhập khẩu dầu nên các nước đều bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp bị thua lỗ trong thời gian dài nên đương nhiên việc bán hàng bị ảnh hưởng. Vì vậy chúng ta phải tháo gỡ. Như chi phí vận chuyển từ cảng, đến ngày hôm qua (11/10) mới được điều chỉnh chi phí. Doanh nghiệp cũng nói đã lỗ giờ bắt doanh nghiệp gánh, không tính vào chi phí là không được”, ông Hải nói.
Theo phản ánh của nhiều phóng viên tham dự họp báo, xăng dầu là vấn đề được đặc biệt quan tâm nhưng không ít phóng viên bị 'bỏ qua' khi muốn giơ tay đăng ký đặt loạt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Công Thương trong điều hành thị trường cũng như để xảy ra rối loạn nguồn cung kéo dài.
Vấn đề đặt ra ở đây là có hay không việc cấp phép tràn lan cho các doanh nghiệp đầu mối không đủ điều kiện cấp phép, cũng như các thương nhân phân phối không đáp ứng được các yêu cầu của Nghị định 83, dẫn đến việc thị trường bị đột ngột 'gián đoạn nguồn cung' kéo dài ở một số địa phương? Tuy nhiên, câu trả lời phải chờ đọc trên... website.
Tác giả: Phạm Tuyên
Nguồn tin: Báo Tiền phong