Các trường vùng tâm lũ Nghệ An khẩn trương ổn định dạy học
- 06:13 08-10-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Giáo viên huyện Kỳ Sơn, Nghệ An gùi theo lương thực vượt rừng trở lại trường dạy học sau đợt lũ ống lịch sử. |
Ngày 10/7, tất cả trường học trên địa bàn huyện Nam Đàn, Nghệ An đã trở lại hoạt động bình thường. Trong đó, các xã vùng 5 Nam (Trung Phúc Cường, Nam Cát, Nam Kim…) sau thời gian ngập lụt kéo dài nước cũng đã rút bớt, học sinh đã có thể quay lại trường.
Phần lớn trường học Nghệ An đã đón trò trở lại sau khi khắc phục hậu quả mưa lũ, ngập lụt. |
Trong khi đó, 2 huyện bên cạnh Nam Đàn là Hưng Nguyên và Thanh Chương hiện vẫn còn một số trường vùng sâu, thấp trũng đang phải cho học sinh nghỉ học. Trong đó, huyện Hưng Nguyên còn các trường mầm non Hưng Đạo, Hưng Thịnh, Hưng Lợi và Trường Tiểu học Hưng Lợi.
Theo bà Cao Thị Mai - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hưng Nguyên: Hiện nước rút đến đâu các nhà trường và lực lượng chức năng sẽ cùng phối hợp để dọn dẹp vệ sinh đến đó. Cố gắng đến đầu tuần sau, trong điều kiện đảm bảo an toàn, học sinh các trường sẽ đi học trở lại.
Một số trường học ở vùng thấp trũng, thoát nước chậm vẫn đang tiếp tục cho học sinh nghỉ đến khi đảm bảo an toàn. |
Huyện Thanh Chương cũng đang còn 9 trường ở vùng sâu trũng học sinh chưa thể đến trường, trong đó, có 2 trường tiểu học và 7 trường mầm non. Những trường bị ngập sâu tập trung vào các xã: Thanh Khai, Thanh Xuân, Thanh Liên, Thanh Hà, Thanh Lâm và Ngọc Sơn.
Giáo viên Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) dọn dẹp, đẩy bùn đất ra khỏi khu nhà ở bán trú. |
Riêng huyện miền núi Kỳ Sơn vừa trải qua đợt lũ ống, lũ quét nặng nề, các nhà trường cũng đang cố gắng khắc phục từng bước để sớm ổn định dạy học trở lại.
Trong đó, các điểm trường ở bản Hòa Sơn, Sơn Hà, Bình Sơn 2 thuộc trường Mầm non và Tiểu học xã Tà Cạ bị thiệt hại trực tiếp, bùn đất tràn vào trong phòng học, gây hư hỏng đồ dùng, thiết bị.
Huyện Kỳ Sơn, Nghệ An đã trải qua trận lũ ống lớn gây thiệt hại hàng trăm nhà dân và trường học cũng bị ảnh hưởng. Những ngọn núi phía thượng nguồn thuộc xã Tây Sơn sạt lở từng mảng lớn. |
Không nằm trong tuyến lũ nhưng mưa to gây sạt lở đã khiến lượng lớn đất đá tràn vào phòng ở của giáo viên và học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn). Thầy Đào Hải Lâm – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Trong 2 ngày 1-2/10, vào cuối tuần nhưng còn một số giáo viên và học sinh ở lại bán trú không về nhà. Khi bị sạt lở thầy trò chỉ kịp nhanh chóng tìm nơi kiên cố, để tránh nguy hiểm. Còn lại đồ đạc, thiết bị, quần áo, sách vở, đồ dùng sinh hoạt của cả giáo viên và học sinh đều bị ngập trong bùn đất.
Học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Cắn chung tay dọn dẹp, tống bùn đất ra khỏi trường và khu nhà ở, bếp ăn để sớm ổn định sinh hoạt quay trở lại học tập.. |
Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Cắn có có 309 học sinh, trong đó có 258 học sinh bán trú. Ngay khi trời tạnh ráo, nhà trường phối hợp cùng lực lượng địa phương dọn dẹp, vệ sinh, đẩy bùn đất ra ngoài. Trước mắt ưu tiên ổn định phòng ở để đón học sinh quay lại bán trú và học tập bình thường.
Giáo viên gùi theo mì tôm, gạo, thức ăn vượt rừng trở lại trường. Con đường từ thị trấn Mường Xén lên Trường Phổ thông DTBT THCS Tây Sơn bị đất đá sạt lở nhiều đoạn, không thể di chuyển được bằng xe máy. |
Ông Phan Văn Thiết - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cho biết: “Đến ngày 7/10, về cơ bản học sinh tiểu học và phổ thông trên toàn huyện đã có thể tới trường. Chỉ trừ một số bản đường bị sạt lở, ngập bùn đất dày, giao thông khó khăn, chia cắt nên học sinh đang phải nghỉ ở nhà. Phòng đã chỉ đạo các nhà trường, trước hết phải đảm bảo an toàn mới đón học sinh trở lại trường. Trong đó lưu ý đến vấn đề vệ sinh, phòng dịch bệnh sau lũ. Đồng thời quan tâm từng nhóm học sinh và kịp thời phụ đạo, bồi dưỡng những em phải nghỉ học dài ngày và tổ chức học bù hợp lý.
Lực lượng y tế đến bản khám, cấp phát thuốc, hướng dẫn bà con, các nhà trường giữ vệ sinh, khử trùng nguồn nước phòng dịch bệnh sau lũ. |
Còn đối với trẻ mầm non, do đặc thù độ tuổi còn quá nhỏ, điểm trường chưa khắc phục được hư hỏng nên phòng dự kiến trước mắt sẽ mượn nhà của dân để dạy học cho học sinh.
Đến nay, ảnh hưởng bởi hoàn lưu cơn bão số 4 và lũ ống, lũ quét gây thiệt hại nặng nề tại nhiều huyện của Nghệ An khiến hàng nghìn học sinh chưa thể tới trường. Thời gian tạm nghỉ học kéo dài hơn 1 tuần, cũng là dài nhất từ đầu năm học tới nay. Trong khi điều kiện dạy học trực tuyến không đảm bảo.
Tác giả: Hồ Lài
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn