Người phụ nữ bất lực cầu xin sự sống cho con sau 10 năm chống chọi với bệnh hiểm nghèo
- 07:55 07-10-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Con bệnh hiểm nghèo, vợ chồng ly hôn
Vừa ủ con trai 4 tháng tuổi ngủ trên giường, chị Trần Thị Hà (38 tuổi, trú xóm Màn Thịnh, xã Nghĩa Thọ, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) sang gian nhà nhỏ sát bên cạnh để bắt ven, chuyền dịch chạy thận cho con trai lớn. Hơn một năm nay kể từ ngày căn bệnh của em Nguyễn Thành Vinh (14 tuổi, con trai chị Hà) đã chuyển sang suy thận giai đoạn 5 cũng là lúc gia đình kiệt quệ về kinh tế, nợ nần chồng chất. Không còn khả năng vay mượn để tiếp tục điều trị, chị Hà học thêm một khóa tiêm chuyền rồi lấy thuốc về nhà tự chạy thận cho con.
Mới 14 tuổi nhưng suốt 10 năm qua, Vinh kiên cường chiến đấu với bệnh thận. |
Chị Hà kể, năm Vinh lên 4 tuổi, thấy toàn thân của con sưng phù, đi tiểu ít, vợ chồng chị Hà đưa con đi khám mới phát hiện mắc chứng thận hư.
Căn bệnh Vinh đang mang chuyển sang suy thận giai đoạn 5. |
"Vợ chồng tôi từ quê vào Bình Dương thuê trọ làm công nhân. Bé Vinh là con đầu lòng. Con vừa bị bệnh 2 tháng thì chúng tôi cũng ly hôn vì xảy ra rất nhiều mâu thuẫn. Sau đổ vỡ, tôi vẫn bám trụ lại Bình Dương vừa làm công nhân vừa ôm con nằm viện. 8 năm, một thân một mình chăm con bệnh tật với mức lương công nhân eo hẹp, vất vả đủ bề, nợ nần chồng chất. Không còn khả năng vay mượn nữa, tôi quyết định ôm con trở về quê nương nhờ bố mẹ già", chị Hà kể.
Về quê được một thời gian, chị Hà kết hôn với một người đàn ông cùng làng, nhiều hơn 16 tuổi.
"Người chồng hiện tại của tôi cũng từng trải qua một đời vợ và có hai con gái (một đã lập gia đình, người còn lại đang theo học đại học). Vợ anh ấy đã qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Anh ấy thấu hiểu hoàn cảnh và hứa sẽ cùng tôi chăm sóc cho đứa con bệnh tật.
Sau khi cưới, mẹ con tôi theo chồng từ huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) ra đây lập nghiệp bằng việc trồng cam, trồng chanh. Cũng may nhờ chồng yêu thương, cưu mang, vay mượn nên con tôi mới có kinh phí điều trị bệnh từ đó đến giờ. Hiện tôi và chồng mới cũng vừa có một con trai chung vừa 4 tháng tuổi", chị Hà kể.
Khát vọng sống
Gian nhà chật hẹp chỉ đủ kê một chiếc giường nhỏ cùng hàng chục thùng thuốc chạy thận được chồng chéo lên nhau. Vinh nằm lặng trên giường chuyền dịch. Di chứng của căn bệnh hiểm nghèo khiến đôi mắt của em bị cận, loạn thị nặng. Cơ thể phù nề, bủng beo, da bong tróc, sần sùi, lở loét. Cái bụng phình to, căng cứng.
Căn nhà nằm giữa đồi núi của gia đình chị Hà. |
Bệnh tật hành hạ nhưng Vinh vẫn luôn tỏ ra là đứa trẻ ngoan, kiên cường và rất ham học. Năm ngoái, khi đang học lớp 8 thì bệnh chuyển sang suy thận giai đoạn 5. Từ đó, em phải nghỉ học, khép lại giấc mơ còn dang dở để ngày đêm tập trung điều trị, giành giật sự sống.
"Nếu em không bị bệnh thì nay em đã học lớp 9 rồi. Nhìn các bạn được đi học, được vui chơi, em buồn lắm. Em ước khỏi bệnh để ở bên mẹ, bên em trai. Em muốn được đến trường. Em giờ chỉ ước được sống thôi, còn đau đớn mấy, khó khăn mấy em cũng sẽ vượt qua được", em Vinh trải lòng.
Vinh bên những thùng thuốc chạy thận của mình. Em ước được sống để bên cạnh mẹ, bên em trai. |
Bình quân một ngày Vinh phải chuyền liên tục 5 túi dịch kéo dài từ sáng đến tối. Mẹ mang thai rồi sinh em nhỏ nên cứ hàng tháng, Vinh được bố (chồng hiện tại của mẹ) đưa ra Hà Nội thăm khám và lấy thuốc về điều trị tại nhà.
Nợ nần chồng chất, chị Hà cầu xin sự sống cho con trai bất hạnh. |
10 năm qua, để có tiền điều trị cho Vinh, người mẹ đã vay mượn số tiền trên 300 triệu đồng. Bệnh của Vinh còn phải điều trị lâu dài nhưng gia đình lâm cảnh vô cùng khó khăn.
"10 năm qua con đã rất kiên cường chiến đấu với bệnh tật, tôi không thể để con bỏ cuộc, đầu hàng số phận một cách dễ dàng như thế này được. Giờ tôi bất lực rồi, cầu xin mọi người cứu giúp, cho con một cơ hội sống. Chỉ cần con sống thôi, mọi sóng gió chắc chắn con sẽ vượt qua", chị Hà khẩn cầu trong nước mắt.
Mọi giúp đỡ cho em Vinh xin gửi về địa chỉ: em Nguyễn Thành Vinh, xóm Màn Thịnh, xã Nghĩa Thọ, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Hoặc qua STK của chị Trần Thị Hà (mẹ của em Vinh): 0181003641817, ngân hàng Vietcombank, ĐT: 0983339814. Trân trọng cảm ơn! |
Tác giả: Nhã Hoàng
Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam