Đến 31/9/2022, toàn tỉnh có 6.923 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử
- 15:19 06-10-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực công thương, mục tiêu trọng tâm là phát triển kinh tế số - thương mại điện tử (TMĐT), thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp doanh nhân trên địa bàn thực hiện nhiều chương trình kết nối, hỗ trợ thiết thực cho các đơn vị, doanh nghiệp ứng dụng TMĐT, khai thác tốt các cơ hội thị trường trong nước, mở rộng xuất khẩu, đẩy nhanh quá trình khôi phục sản xuất sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Sở Công Thương và các đơn vị liên quan đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch số 400/KH-UBND ngày 21/7/2021 về phát triển thương mại điện tử tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 2345/UBND – TH ngày 6/4/2022 về việc triển khai Kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử năm 2022 và một số kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn Nghệ An năm 2021, 2022 và định hướng đến năm 2025. Trong đó, mục tiêu là đến năm 2025 sẽ có 80% sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của Nghệ An tham gia các sàn giao dịch TMĐT trong và ngoài nước. Hoàn thiện, duy trì và nâng cấp sàn giao dịch thương mại điện tử Nghệ An tại địa chỉ 37nghean.com.
Trong năm 2022, Sở đã phối hợp với các ngành, địa phương lựa chọn các nhóm hộ sản xuất đủ điều kiện, có sản phẩm được chứng nhận an toàn thực phẩm, các sản phẩm đạt các chứng chỉ, chứng nhận như OCOP, VietGAP, GlobalGAP... để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử Nghệ An. Hiện tại, Sở Công Thương đã hỗ được thiết lập gian hàng cho 17 huyện, thành, thị trong tỉnh với hơn 300 sản phẩm lên sàn và tiếp tục hỗ trợ các đơn vị còn lại lên Sàn trong năm 2022, sau đó sẽ tập huấn, chuyển giao tài khoản quản trị gian hàng cho các địa phương, đồng thời yêu cầu địa phương cử cán bộ phối hợp kết nối để quản trị, thường xuyên cập nhật thông tin, sản phẩm tại các gian hàng huyện mình.
Gian hàng sản phẩm Quỳ Châu trên sàn giao dịch TMĐT Nghệ An |
Ngoài sàn giao dịch TMĐT Nghệ An, Sở Công Thương đã phối hợp với một số sàn thương mại điện tử trong nước hỗ trợ mở gian hàng cho các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP, nông sản, thủy sản trong tỉnh trên các sàn TMĐT như Tiki, Voso, Lazada, Shopee, Sendo, Alibaba, Sàn postmart.vn… với các sản phẩm như: Mỳ rau củ, dược liệu, thực phẩm, hải sản đông lạnh… Sở cũng chỉ đạo các chuỗi cửa hàng lớn tại Nghệ An cũng như trên cả nước như Vinmart, Vinmart +, siêu thị bigC; siêu thị MM Mega Market; các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng mini thực phẩm sạch… tăng cường bán hàng trực tuyến, vì vậy đã có lượng giao dịch lớn.
Qua hơn một năm thực hiện, tính đến 31/9/2022, số hộ sản xuất nông nghiệp Nghệ An được đưa lên các sàn TMĐT là 266.373 hộ, tổng số sản phẩm được đưa lên sàn là 6.923 sản phẩm.
Nghệ An xếp thứ 3 cả nước về số sản phẩm nông nghiệp đưa lên sàn TMĐT |
Song song với đưa các sản phẩm nông sản lên sàn, hai năm qua, Sở Công Thương cũng đã hỗ trợ tổ chức, đơn vị xây dựng hơn 40 Website TMĐT; chuyển giao hàng chục bộ phần mềm quản lý khách hàng, quản lý bán hàng, quản lý khách sạn thông minh; hỗ trợ 06 đơn vị phát triển thương hiệu trực tuyến bằng hình thức xây dựng các clip phát trên các nền tảng số thông qua xây dựng các TVC quảng cáo, phim ngắn giới thiệu doanh nghiệp (HTX Sen Quê Bác, Gà Thanh Chương…); tổ chức đào tạo, tập huấn cho hàng ngàn lượt học viên và cán bộ quản lý nhà nước, lãnh đạo các đơn vị doanh nghiệp, sinh viên tại các trường đại học về kiến thức và kỹ năng ứng dụng TMĐT.
Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Sở Công Thương đã phối hợp Viettel triển khai mô hình “Chợ 4.0” nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh nói chung và thanh toán nói riêng tại các chợ trên địa bàn; tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, kích thích hoạt động mua sắm; đồng thời hướng đến triển khai áp dụng cho các chợ còn lại trên địa bàn tỉnh. Sau 5 tháng đã triển khai thí điểm tại 6 chợ (Chợ Vinh, Chợ Giát, chợ Đô Lương, Chợ Ga Vinh, Chợ Hôm, Chợ Tân Thành) bước đầu đã thu được nhiều kết quả khả quan với hơn 1,300 tiểu thương tham gia kết nối, 4.000 giao dịch và dòng tiền trao đổi hơn 12 tỷ đồng.
Trọng tâm cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Sở Công Thương tiếp tục “Hỗ trợ, kết nối đưa các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn… lên sàn thương mại điện tử 37nghean.com và một số sàn thương mại điện tử uy tín trong và ngoài nước”. Tập trung lựa chọn các đơn vị đủ điều kiện, có sản phẩm được chứng nhận an toàn thực phẩm, các sản phẩm đạt các chứng chỉ, chứng nhận như OCOP, VietGap, GlobalGap, HACCP, ISO... các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, sản phẩm công nghiệp nông thôn, các sản phẩm có tiềm năng theo đề xuất của địa phương để tập trung hỗ trợ, xây dựng điển hình, qua đó dẫn dắt, lan tỏa hoạt động mua, bán và tiêu thụ sản phẩm trên sàn Thương mại điện tử.
Thông qua nhiều hoạt động nói trên, đã góp phần thúc đẩy ứng dụng và phát triển TMĐT tại Nghệ An. Chỉ số xếp hạng TMĐT Nghệ An (EBI index) nhiều năm liền nằm trong top khá cả nước, mới nhất năm 2022 tại Diễn đàn Toàn cảnh TMĐT Việt Nam 2022 tổ chức tại TP.HCM ngày 10/5/2022, Nghệ An xếp thứ 15 trên bảng xếp hạng (tăng 3 bậc so với năm 2021).
Tác giả: Kim Oanh (Tổng hợp)
Nguồn tin: nghean.gov.vn