Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


NXB Giáo dục Việt Nam bất ngờ phủ nhận lãi "khủng" từ sách giáo khoa

Về thông tin "cứ phát hành một quyển sách giáo khoa, thu về hơn 11.100 đồng và lãi gần 1.750 đồng", đại diện NXB Giáo dục phủ nhận và cho rằng lợi nhuận này từ nhiều nguồn kinh doanh khác nhau.

97% nguồn thu từ phát hành sách

Theo "Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2021" của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam, năm 2021, đơn vị này đã phát hành 164,6 triệu quyển sách giáo khoa, vượt 40% so với kế hoạch đề ra.

Cứ phát hành một quyển sách giáo khoa (SGK), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thu về hơn 11.100 đồng và lãi gần 1.750 đồng.

Cụ thể, nhờ số lượng sách giáo khoa phát hành tăng mạnh, tổng doanh thu NXB Giáo dục đạt 1.828 tỷ đồng, vượt 32% so với kế hoạch Bộ Giáo dục và Đào tạo giao.

Trong đó, nguồn thu từ hoạt động phát hành sách (sách giáo khoa, sách tham khảo, xuất bản phẩm khác...) chiếm tới 97%, còn lại thuộc về nguồn thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác.

Ngoài ra, 7 công ty con hoạt động trong lĩnh vực tương tự do Nhà xuất bản Giáo dục nắm quyền chi phối cũng đều báo lãi, tổng cộng đạt 46 tỷ đồng. Dẫu vậy, NXB Giáo dục vẫn "kêu" khó trăm bề.

 Cứ phát hành một quyển sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thu về hơn 11.100 đồng và lãi gần 1.750 đồng (Ảnh: Nguyễn Mạnh).

Trả lời PV Dân trí sáng nay (29/9), ông Lê Hồng Hải - Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam - lại bất ngờ phủ nhận việc lãi "khủng" từ việc phát hành SGK.

Ông Hải cho hay, đơn vị này không chỉ hoạt động trong lĩnh vực SGK mà còn rất nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh khác.

Do đó, lợi nhuận NXB Giáo dục Việt Nam là tổng lợi nhuận của tất cả các hoạt động kinh doanh ấy.

"Một trong những đột biến lợi nhuận mà báo cáo tài chính thể hiện là việc thoái vốn của các đơn vị trước đây NXB đầu tư.

Khi thoái vốn thành công, một lượng tài chính chảy về trong thời gian vừa qua dẫn đến xã hội nhầm hiểu khi chưa tìm hiểu kĩ khi cho rằng lợi nhuận khủng khiếp ấy là do xuất bản SGK", ông Hải nói.

Về câu hỏi vừa qua, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện thanh tra, kiểm tra, hoàn thiện quy định về biên soạn, phát hành, mua và sử dụng sách giáo khoa. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu NXB rà soát và tính toán để giảm giá SGK trong thời gian tới.

Ông Hải cho hay, đơn vị này đã thực hiện triệt để các chỉ đạo về giá sách. Theo đó, sau năm đầu tiên, SGK lớp 2, lớp 6 đã được tiết chế để giảm và đã có giá thấp hơn SGK lớp 1.

Đặc biệt đối với SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm nay, NXB rất quyết liệt tiết giảm mọi chi phí để hạ giá SGK từ 5-10% so với các SGK các lớp trước.

 Nhiều cuốn SGK tiếng Anh giá cao gấp nhiều lần (Ảnh: Nguyễn Mạnh).

Thiếu SGK nghiêm trọng: Do địa phương chậm?

Ngay đầu năm học mới, phụ huynh nhiều tỉnh thành kêu thiếu SGK. Đặc biệt ở TPHCM, ngay sau khai giảng, hơn 7.000 học sinh ở đây thiếu SGK khiến thành phố phải gấp rút vào cuộc.

Trả lời câu hỏi PV Dân trí về phản ánh ngay đầu năm học mới, SGK một số lớp kế cận của chương trình mới thiếu nghiêm trọng. Liệu có phải NXB phát hành cầm chừng để chờ phát hành SGK mới, ông Hải cho biết: "Việc thiếu SGK cục bộ đâu đó có thể do khó khăn trong việc mới mẻ thực hiện chương trình.

Trước đây tất cả học sinh học cùng một SGK và chỉ một NXB Giáo dục. Như vậy, NXBGD căn cứ trên số lượng học sinh để in sớm và xuất bản xuống địa phương ngay.

Tuy nhiên hiện nay, NXB phải tìm kiếm thông tin ở một trường nào đó học bộ SGK nào và chờ thông báo của từng địa phương, từ đó mới in và chuyển xuống".

Ông Hải cho rằng, mặc dù các NXB hết sức nỗ lực nhưng vẫn không đảm bảo kịp thời như khi còn một chương trình một SGK. Đặc biệt năm nay là năm đầu tiên thực hiện việc thay SGK lớp 10. Ở lớp này có một loạt các môn học tự chọn và chuyên đề tự chọn.

Tùy theo điều kiện của giáo viên và các cơ sở giáo dục lựa chọn SGK nào, môn nào nên trước khai giảng thậm chí cả khi đã khai giảng, NXB mới có đủ thông tin để in ấn và chuyển xuống.

Riêng giá SGK tiếng Anh bị kêu cao hơn rất nhiều lần so với các SGK khác, thậm chí có cuốn cao gấp 4-5 lần, ông Hải lý giải do trong nước phải liên kết xuất bản với các NXB trên thế giới.

"Việc chi trả bản quyền cho các NXB là chi phí rất lớn. Thứ hai về mặt quy cách, khi hợp tác xuất bản, các NXB phải cam kết tuân thủ sự tương đồng về chất lượng giấy, khuôn khổ… của các NXB nên không thể đưa những cuốn SGK này giảm xuống".

Về câu hỏi tại sao các NXB không liên kết với các tác giả trong nước để giảm chi phí, ông Hải cho rằng, trước đây ở Chương trình SGK năm 2000, chúng ta đã có bộ SGK tiếng Anh trong nước.

Tuy nhiên, thực tế nhu cầu xã hội và việc giảng dạy, phụ huynh học sinh có xu hướng lựa chọn các SGK liên kết với nước ngoài.

Do vậy, để có một bộ SGK tiếng Anh không quá mức đắt đỏ như sách nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài, các NXB đã chọn việc liên kết xuất bản để tạo ra một bộ SGK từ nước ngoài và Việt Nam, theo quy chuẩn nước ngoài nhưng in ấn ở Việt Nam để có giá rẻ hơn.

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí