Tăng đơn hàng xuất khẩu cần vai trò của các cơ quan Thương vụ
- 13:30 28-09-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhu cầu mua sắm giảm thấp do ảnh hưởng lạm phát tại nhiều nền kinh tế đang tác động xấu đến đơn hàng và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam những tháng cuối năm. Thông tin từ các hiệp hội ngành hàng chủ lực của Việt Nam cho thấy, đơn hàng xuất khẩu trong những tháng còn lại của năm 2022 đang sụt giảm mạnh.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, các DN ngành trong ngành dù đã tích cực chủ động tìm kiếm đơn hàng, kết nối với nguồn nguyên liệu song do nhu cầu giảm từ nhiều thị trường khiến đơn hàng được dự báo thiếu hụt từ nay đến cuối năm và có thể kéo dài sang đến năm 2023.
Tương tự, đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cũng thông tin, nhiều đơn hàng da giày thời điểm cuối năm nay đến đầu năm 2023 của các DN cũng bị suy giảm. Trong khi đó, tồn kho do gián đoạn nguồn cung, giảm nhu cầu tiêu dùng nên hiện đã có DN buộc phải cho người lao động nghỉ phép năm từ 3 - 4 ngày/tháng, hoặc cho nghỉ chờ việc hưởng lương tối thiểu vùng.
Nhiều doanh nghiệp ngành hàng thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu. |
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam dự báo, xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ sẽ tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm. Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra phán quyết sơ bộ về điều tra chống lẩn tránh thuế đối với gỗ dán, nhiều khả năng các DN bị phân loại “không phản hồi” và “không hợp tác” sẽ bị áp mức thuế tương tự như gỗ dán xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ.
Trong khi cơ hội cho ngành gỗ những tháng cuối năm không nhiều, DOC cũng đã khởi xướng điều tra phạm vi sản phẩm và lẩn tránh thuế đối với tủ gỗ xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ. “Các biện pháp phòng vệ do Mỹ áp đặt có thể tác động rất tiêu cực tới DN gỗ Việt Nam. Bên cạnh đó, mặc dù cần nguyên liệu gỗ, các DN Việt Nam cũng rất khó nhập khẩu trực tiếp từ Liên bang Nga do những rào cản về thanh toán, logistics cũng như giao tiếp”, ông Hoài cho biết.
Nhằm giúp các DN tăng đơn hàng xuất khẩu, đại diện các Hiệp hội ngành hàng đề xuất các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục chia sẻ thông tin về thị trường nước sở tại, tìm kiếm sự hợp tác nhằm phục hồi đơn hàng xuất khẩu.
Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị các Thương vụ cập nhật thông tin và tư vấn về phòng vệ thương mại cho DN gỗ, đặc biệt là thị trường Mỹ. Vận động để các phán quyết của Bộ Thương mại Mỹ không gây thiệt hại quá lớn cho DN Việt. Bên cạnh đó, tăng cường kết nối DN gỗ Việt - Nga và tư vấn và trợ giúp DN hai bên ký kết hợp đồng, thanh toán và vận chuyển sản phẩm gỗ.
Cơ quan thương vụ kịp thời cung cấp thông tin
Đưa ra những giải pháp nhằm tăng đơn hàng xuất khẩu tại thị trường Vương quốc An, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết, hiện nay Chính phủ Anh đang chuẩn bị ban hành chính sách thương mại dành cho 65 quốc gia đang phát triển. Nhiều sản phẩm của các nước này sẽ được hưởng thuế nhập khẩu thấp hơn và quy tắc xuất xứ đơn giản hơn tại thị trường Anh quốc.
“Chính sách thương mại dành cho các quốc gia đang phát triển sẽ miễn thuế, miễn hạn ngạch đối với 85% hàng hóa đủ điều kiện cho hầu hết các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, các ưu đãi có thể bị đình chỉ nếu Chính phủ Anh thấy có sự vi phạm nghiêm trọng đối với nhân quyền, quyền lao động và kể cả những vi phạm liên quan đến chống tham nhũng, biến đổi khí hậu và các công ước về môi trường.
Ông Cường cũng khuyến cáo các DN trong nước đang sử dụng nhãn hiệu CE cần khẩn trương chuyển đổi sang nhãn hiệu UKCA đối với sản phẩm xuất khẩu sang thị trường UK. Các địa phương, Hiệp hội ngành hàng cần tổ chức tập huấn cho DN thành viên các kỹ năng tiếp cận thị trường, hỗ trợ nông dân quy hoạch và quản lý vùng trồng trọt theo GlobalGAP.
Hoạt động kết nối thông tin, nắm bắt nhu cầu giữa các DN với các cơ quan Thương vụ cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. |
Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Cộng hoà Belarus – ông Trịnh Xuân Hiệu đưa ra thông tin khởi sắc, hiện các công ty vừa và nhỏ, kể cả một số công ty nằm trong các tập đoàn nhà nước lớn của Belarus đang rất tích cực liên hệ với các DN Việt Nam để mua các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tiêu dùng cho thị trường Belarus đang thiếu thốn do cấm vận.
“Vì thị trường Belarus nhỏ nên giá trị các hợp đồng này thường không cao, nhưng các DN Việt Nam có thể yên tâm tiến hành giao dịch, đàm phán ký kết và thực hiện hợp đồng. Các địa phương, hiệp hội và DN cần mạnh dạn làm ăn với thị trường Belarus khi nhận được đề nghị hợp tác”, ông Hiệu cho biết.
Từ thực tế hiện nay, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, các Hiệp hội, ngành hàng cần đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng đang thiếu hụt nguồn cung từ chuỗi cung ứng toàn cầu như nông sản, hàng tiêu dùng, sắt thép; tiếp tục làm việc và đề nghị phía Mỹ mở cửa thị trường thêm cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam, ngoài 6 loại hoa quả tươi hiện nay là vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa, xoài vẫn còn có các mặt hàng có thế mạnh như sầu riêng, chanh leo, bơ, dừa, măng tây...
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục cập nhật kịp thời yêu cầu xúc tiến xuất, nhập khẩu của địa phương, hiệp hội ngành hàng, DN trong nước. Đồng thời, các cơ quan Thương vụ chủ động hơn trong nghiên cứu, đánh giá thị trường và các cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại để kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng DN trong hoạt động XTTM để mở rộng, phát triển, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng và đẩy mạnh xuất khẩu trong năm nay và các năm tiếp theo./.
Tác giả: Nguyễn Quỳnh
Nguồn tin: vov.vn