Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4: Bão số 4 nguy hiểm thế nào khi đổ bộ miền Trung?

Theo chuyên gia khí tượng thủy văn, ở những địa phương được cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 (từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định), bão số 4 (bão Noru) có khả năng gây thiệt hại lớn về người, tài sản, công trình trên diện rộng.

 Người dân xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam sơ tán đến nơi an toàn lúc 9h sáng 27-9 - Ảnh: B.D.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo bão số 4 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Trung Bộ vào sáng 28-9. Khi đổ bộ vào các tỉnh Thừa Thiên Huế - Bình Định, gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 15.

Đây cũng là các tỉnh được cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 (màu đỏ).

Còn tại Quảng Trị, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, rủi ro thiên tai đang ở cấp độ 3.

Ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết bão số 4 được đánh giá là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua.

"Chúng tôi đang cố gắng dự báo tác động của bão. Các địa phương được trung tâm cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 đối với bão, đồng nghĩa là bão có khả năng gây thiệt hại lớn về người, vật nuôi, thiệt hại nặng nề về tài sản, công trình hạ tầng.

Rủi ro thiên tai này không chỉ do cường độ bão mạnh cấp 12-13 mà còn phụ thuộc vào mức độ tổn thương. Ví dụ ở Bình Định xác suất gió cấp 11-12 không cao bằng Quảng Nam, Quảng Ngãi nhưng khả năng vẫn có thiệt hại lớn đối với tàu thuyền neo đậu ở cảng Quy Nhơn, lồng bè nuôi trồng thủy hải sản. Do đó, chúng tôi đưa ra cảnh báo thiên tai cấp 4 để chính quyền địa phương, người dân chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại" - ông Khiêm nói.

Theo quyết định 18-2021 của Thủ tướng quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai thì bão ở Việt Nam sẽ được phân chia làm 5 cấp độ.

Cấp độ rủi ro thiên tai cao nhất là cấp độ 5 (màu tím), tiếp đến là cấp độ 4 (màu đỏ), cấp độ 3 (màu cam), cấp độ 2 (màu vàng), cấp độ 1 (màu xanh).

Chiếu theo thang bảng phân chia 5 cấp độ rủi ro thiên tai, sẽ thấy khả năng tàn phá mà bão Noru có thể gây ra cho những nơi bão đi qua và ảnh hưởng như sau:

 Mức độ ảnh hưởng các cấp độ rủi ro thiên tai - Ảnh: NCHMF

Những cơn bão mạnh tương tự bão số 4

- Bão Xangsane (bão số 6) năm 2006 đổ bộ vào Đà Nẵng - Quảng Nam. Tại Đà Nẵng đo được gió mạnh nhất 38m/s (tương đương cấp 13) và gió giật 44m/s (cấp 14). Tại Nghệ An đến Quảng Ngãi mưa 200-300mm, riêng Quảng Bình - Thừa Thiên Huế mưa 300-400mm.

Bão Xangsane làm 76 người chết và mất tích, 532 người bị thương, gần 350.000 nhà bị đổ, hư hại. Gần 1.000 tàu thuyền bị chìm và hư hại. Gây thiệt hại hơn 10.000 tỉ đồng.

- Bão Ketsana (bão số 9) năm 2009, tâm bão đổ bộ vào Quảng Nam - Quảng Ngãi. Tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đo được gió mạnh 32m/s (cấp 11), giật 43m/s (cấp 14), tại Đà Nẵng gió mạnh 22m/s (cấp 9), gió giật 30m/s (cấp 11). Mưa ở Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi từ 400 - 600mm.

Bão Ketsana đã làm 163 người chết, 11 người mất tích và 629 người bị thương, 21.610 nhà bị sập, trôi, 258.260 nhà hư hại và 294.710 nhà bị ngập... với tổng thiệt hại ước tính 14.014 tỉ đồng.

Tác giả: CHÍ TUỆ

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ