Ông Biden gặp rắc rối vì 'có gì nói nấy'
- 08:52 26-09-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có xu hướng đưa ra quan điểm một cách thẳng thắn, bao gồm những lần đề cập về đảo Đài Loan, đại dịch Covid-19, về những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, mỗi khi ông đưa ra những phát biểu như vậy, một số quan chức Nhà Trắng, các nhà lập pháp đảng Dân chủ hoặc đồng minh của ông đều giải thích rằng mọi người đã hiểu sai ý của Tổng thống Biden, hoặc ông thực sự không có ý như những lời đã nói, theo CNN.
Giờ đây, nhiều người đang đặt ra câu hỏi liệu những lời đính chính của những người ủng hộ ông Biden có vô tình làm suy yếu quyền lực của ông hay không.
Lời nói của tổng thống
Khi còn là phó tổng tổng thống trong chính quyền Tổng thống Barack Obama, ông Biden nhận nhiều chỉ trích tại Thượng viện Mỹ vì một số phát biểu. Đó cũng là lý do một số trợ lý của cựu Tổng thống Obama không tin tưởng vào vai trò phó tổng thống của ông Biden.
Tuy nhiên, ông Biden giờ là tổng thống Mỹ và có thể nói những gì ông ấy muốn, cho đến khi những lời chỉ trích xuất hiện.
Có vẻ như tổng thống thường không chú ý đến suy nghĩ của mình hoặc không theo kịch bản mà cấp dưới đưa cho ông. Điều đó tạo ra cơ hội chỉ trích cho những người theo đảng Cộng hòa - những người nghi ngờ về năng lực nhận thức và sức khỏe của tổng thống trong thời gian đầu ông lên nắm quyền.
Ông Biden từng nhận nhiều chỉ trích về một số phát biểu khi còn là phó tổng thống trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama. Ảnh: AP. |
Nhưng vấn đề này không chỉ dừng lại ở đó bởi lời nói của một tổng thống có thể để lại tác động sâu rộng. Trong thời kỳ khủng hoảng, lời nói của tổng thống có thể xoay chuyển thị trường. Do vậy, việc những phát biểu của Tổng thống Biden liên tục bị điều chỉnh gây ra sự nghi ngờ về quyền lực và khả năng lãnh đạo của ông.
Các chính trị gia khi tranh cử thường hứa hẹn sẽ "có gì nói nấy". Nhưng sự thẳng thắn không phải lúc nào cũng có lợi cho công tác quản trị. Khi tổng thống Mỹ có lời nói lệch đi so với thông điệp chính, nó thậm chí có thể gây cản trở cho việc thực thi chính sách.
Đó cũng là điều đã xảy ra vào tuần qua khi Tổng thống Biden tuyên bố đại dịch đã kết thúc trong một cuộc phỏng vấn. Điều này đã làm suy yếu sự ủng hộ của đảng Dân chủ tại Hạ viện và Thượng viện đối với yêu cầu của chính Nhà Trắng về việc tài trợ thêm hàng tỷ USD cho công tác chống dịch Covid-19.
Không chỉ một lần
Trong cuộc phỏng vấn phát sóng hôm 18/9, Tổng thống Biden đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn về cam kết “bảo vệ Đài Loan” của ông.
Trước đó, Tổng thống Biden đã đề cập đến vấn đề này ít nhất là ba lần. Điều này phần nào đi ngược lại nguyên tắc "mơ hồ chiến lược" của Mỹ.
Chính sách này được đưa ra để khiến Trung Quốc phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi có những động thái liên quan đến đảo Đài Loan. Đồng thời, nó cũng tránh mang lại cho người Đài Loan cảm giác an toàn để có thể thúc đẩy tuyên bố độc lập.
Tuy nhiên, mỗi khi Tổng thống Biden đưa ra tuyên bố theo hướng ủng hộ Đài Loan, các quan chức trong chính quyền của ông thường phải có phát biểu đính chính.
Cụ thể, trong cuộc phỏng vấn trên đài CBS, khi người dẫn chương trình đặt câu hỏi về việc liệu Mỹ có triển khai binh sĩ bảo vệ Đài Loan nếu hòn đảo bị tấn công không, Tổng thống Biden trả lời “có”.
Tuy nhiên, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan hôm 20/9 nhấn mạnh rằng Tổng thống Biden không thay đổi chính sách với đảo Đài Loan. Ông bác bỏ câu trả lời trên vì cho rằng đó là phản ứng trước câu hỏi "mang tính giả định".
"Tổng thống là người trực tiếp và thẳng thắn. Ông ấy đã trả lời một câu hỏi mang tính giả định. Trước đây, tổng thống cũng đã trả lời câu hỏi này theo cách tương tự. Và ông ấy cũng nói rõ rằng ông không thay đổi chính sách của Mỹ đối với Đài Loan", ông Sullivan cho biết.
Trong chuyến thăm Nhật Bản hồi tháng 5, Tổng thống Biden cũng tuyên bố Mỹ sẽ "bảo vệ Đài Loan" trong trường hợp hòn đảo bị tấn công. Ảnh: Reuters. |
Các đồng minh của Tổng thống Biden tại Quốc hội Mỹ hôm 20/9 lập luận rằng sự nhầm lẫn chiến lược xét cho cùng có thể là một điều tốt. Các nhà lập pháp cho rằng nếu người Mỹ không thể xác định rõ chính sách với Đài Loan, Trung Quốc cũng sẽ gặp khó khăn trong việc này.
Thượng nghị sĩ Tim Kaine hôm 20/9 cho rằng: “Ngay cả khi được những trợ lý giải thích lại, phát biểu đó cũng trở thành một sự mơ hồ chiến lược. Vì vậy, tôi nghĩ tất cả đều là một phần của sự mơ hồ chiến lược”.
Thượng nghị sĩ Chris Murphy nhận định đây không phải là một sự kết hợp không ăn ý bên trong Nhà Trắng, mà là một ví dụ về sự khôn ngoan trong chiến lược.
"Dù có cố ý hay không, phát biểu này chắc chắn phục vụ mục đích khiến Trung Quốc phải dò đoán”, ông Murphy nói.
Tuy nhiên, về phía đảng Cộng hòa, Thượng nghị sĩ Jim Inhofe, thành viên cấp cao của Ủy ban Vũ trang Thượng viện Mỹ, cho rằng sự không chắc chắn trong chiến lược đang gây ra nguy hại.
"Bạn biết đấy, họ sẽ nghĩ gì về chính sách của chúng ta nếu tổng thống Mỹ nói rằng chúng ta sẽ tham chiến và điều đó không phù hợp với những gì mà chúng ta đang nói?", ông Inhofe nêu quan điểm.
Ông Mark Esper, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, cho rằng Tổng thống Biden đang hướng đến một chính sách cứng rắn hơn với vấn đề Đài Loan.
“Ông ấy đã nói điều đó bốn lần rồi. Tôi nghĩ ông ấy đã phát hiện ra và họ không cố gắng làm cho vấn đề này ít quan trọng đi. Họ đang cố gắng đính chính lời nói của tổng thống để khẳng định rằng không có sự thay đổi chính sách nào”, ông Esper trả lời CNN.
Ông cũng nói thêm rằng: “Chúng ta cần tránh xa sự mơ hồ chiến lược nếu muốn ngăn chặn Đài Loan bị tấn công".
Nhận định về dịch Covid-19
Tuy nhiên, những phát biểu thẳng thắn của Tổng thống Biden không chỉ về những vấn đề bên ngoài nước Mỹ.
Việc ông Biden tuyên bố “đại dịch đã qua” khiến các quan chức y tế của chính phủ cũng bất ngờ. Điều này dường như cũng gây ảnh hưởng đến các đảng viên Dân chủ tại Quốc hội Mỹ, những người ủng hộ tăng trợ cấp cho công tác chống dịch.
Tổng thống Biden sau đó đã điều chỉnh phát biểu bằng cách nói rằng đại dịch Covid-19 vẫn còn là một vấn đề và còn rất nhiều việc phải làm. Dù các quan chức đã phải cố gắng làm rõ hàm ý trong phát biểu của ông, điều này vẫn nhận lại nhiều lời chỉ trích từ các nhà dịch tễ học.
"Những gì tổng thống đề cập là thực tế về những tiến bộ to lớn mà chúng ta đã đạt được trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Chúng ta đang ở một vị trí rất khác so với thời điểm bắt đầu đại dịch này", Tổng y sĩ Vivek Murthy trả lời MSNBC.
Trong cuộc phỏng vấn "60 Minutes" của đài CBS, Tổng thống Biden nhận định "đại dịch đã qua". Ảnh: Reuters. |
Một số chuyên gia y tế cảnh báo rằng Tổng thống Biden đã xem nhẹ số ca tử vong do Covid-19. Họ cho rằng các số liệu hiện có không củng cố cho tuyên bố đại dịch đã kết thúc. Đồng thời, các chuyên gia cũng lo ngại Tổng thống Biden gây ảnh hưởng đến những nỗ lực khuyến khích tiêm ngừa.
Ngoài ra, Tổng thống Biden đã khiến các cộng sự của ông đau đầu vì chính quyền đang yêu cầu Quốc hội Mỹ chi thêm 22,4 tỷ USD cho công tác chống dịch.
"Chúng ta cần thêm một số nguồn ngân sách để đảm bảo chắc chắn rằng mọi chuyện đã kết thúc", Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết hôm 19/9.
"Covid-19 vẫn chưa kết thúc. Chúng ta cần thêm trợ cấp", Thượng nghị sĩ Tim Kaine nhận định.
Nhưng các đảng viên đảng Cộng hòa như Thượng nghị sĩ John Cornyn lại có suy nghĩ khác: "Nếu đại dịch đã kết thúc rồi thì tôi không nghĩ họ sẽ cần thêm tiền đâu".
Thói quen đưa ra những tuyên bố táo bạo của Tổng thống Biden cũng xuất hiện trong quá trình vận động tranh cử.
Hồi cuối tháng 8, trong một bình luận bên lề, ông Biden đã gọi phong trào “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA) của ông Trump là “triết lý cực đoan" và “triết lý cực đoan” này là một dạng "chủ nghĩa bán phát xít".
Ông Biden sau đó phải nói rõ rằng chỉ những cử tri ủng hộ phong trào MAGA cực đoan là xấu, không phải tất cả đảng viên Cộng hòa. Nhưng lúc này, mọi người đều đã biết ý nghĩ thật sự của vị tổng thống Mỹ.
Tương tự, mọi bên có thể đều đã biết được ý nghĩ thật sự của ông Biden về vấn đề Đài Loan, dù ông Sullivan khẳng định phát ngôn của vị tổng thống không có tác dụng làm thay đổi chính sách của Mỹ.
"Khi Tổng thống Mỹ muốn thông báo thay đổi chính sách, ông ấy sẽ lên tiếng về việc đó. Nhưng trên thực tế, ông ấy chưa có thông báo gì", vị cố vấn an ninh quốc gia cho biết.
Nhưng sau rất nhiều tuyên bố mạnh mẽ để rồi đi theo là những lời đính chính, liệu có ai có thể biết chắc nếu Tổng thống Biden thật sự đưa ra thông báo, cây bút phân tích Stephen Collinson của CNN đặt câu hỏi.
Tác giả: Hồng Sơn
Nguồn tin: zingnews.vn