Vì sao bão Noru mạnh lên trước khi đổ bộ miền Trung?
- 05:58 26-09-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dự báo đường đi của bão Noru khả năng ảnh hưởng đến Trung Bộ trong 2 ngày tới. Ảnh: VNDMS. |
Tối 25/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão Noru đã bắt đầu giảm cấp khi quét qua phía đông nam đảo Luzon (Philippines). Lúc 19h, sức gió duy trì ở cấp 13-14, giật cấp 16, giảm một cấp so với 3 giờ trước.
Ngay khi vào Biển Đông ngày 26/9, bão tiếp tục giảm cường độ xuống cấp 13, giật cấp 16. Tuy nhiên, quá trình di chuyển trên biển, hình thái này có xu hướng mạnh trở lại.
Thời điểm cơn Noru đạt cường độ mạnh nhất trên Biển Đông là tối 27/9, khi tâm bão còn cách đất liền Đà Nẵng - Bình Định 300 km. Lúc này, sức gió mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 17. Như vậy, bão tăng một cấp khi vào sát bờ.
Trong khi đó, mô hình dự báo của trang TSR cho thấy bão có giai đoạn giảm cấp từ Cat 4 (212 km/h) xuống Cat 1 (130 km/h) sau khi quét qua Philippines và vào Biển Đông. Sau đó, hình thái này mạnh dần trở lại và đạt đến Cat 3 (185 km/h) khi áp sát đất liền ngày 27/9.
Như vậy, theo mô hình này, bão Noru có thể tăng 2 Cat, tương đương 2-3 cấp từ cấp 13 lên cấp 15-16 khi vào gần đất liền Trung Bộ.
Dự báo cho thấy mức độ tăng cấp từ Cat 1 (130 km/h) đến Cat 3 (185 km/h) của bão Noru (theo thang đo cấp độ bão Saffir-Simpson) trong quá trình di chuyển trên Biển Đông. Ảnh: TSR. |
Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, nhận định thời điểm vào đến phía nam quần đảo Hoàng Sa, bão ở giai đoạn "trưởng thành", có nhiều điều kiện khiến bão mạnh trở lại.
Theo chuyên gia, nhiệt độ bề mặt nước biển khu vực này tương đối cao. Việc di chuyển trên vùng biển ấm thuận lợi cho sự mạnh lên của bão.
Đồng thời, các điều kiện động lực ngay tại khu vực bão hoạt động cũng thuận lợi để hình thái này tích tụ năng lượng và mạnh lên khi vào gần bờ. Sau đó, khi bắt đầu có ma sát, bão có thể ảnh hưởng đến đất liền với sức gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 14.
Với cường độ trên, người dân có thể hình dung sức gió khi đổ bộ của Noru trong những ngày tới tương đương với bão Xangsane vào tháng 9/2006, bão Ketsana vào tháng 10/2009 hay gần nhất là bão Molave vào tháng 10/2020.
Chuyên gia cảnh báo 4 địa phương khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Bốn tỉnh, thành phố có thể ảnh hưởng gián tiếp là Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên và Kon Tum.
Dự báo ban đầu cho thấy ngày 27-28/9, khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định và Tây Nguyên có thể hứng lượng mưa lớn lên tới 150-300 mm/đợt, có nơi trên 350 mm. Với mưa rất lớn trút xuống trong thời gian ngắn, người dân cần đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở và ngập lụt.
Từ đêm 27 đến ngày 30/9, mưa lớn cũng trút xuống khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình với lượng tương tự như trên.
Trong bản tin lúc 20h tối 25/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết đêm nay và ngày mai, bão Noru di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc với vận tốc 20-25 km/h và đi vào Biển Đông.
Tối 26/9, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 460 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 16.
Hình thái này sau đó giữ vận tốc, đi thẳng theo hướng tây và có xu hướng mạnh lên. Đến 19h ngày 27/9, tâm bão nằm trên vùng biển phía tây nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền Đà Nẵng - Bình Định khoảng 300 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 17.
Sau thời điểm này, bão giữ vận tốc, hướng đi và tiến vào đất liền Trung Trung Bộ. Dù vậy, ngay từ tối và đêm 27/9, khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi có thể bắt đầu chịu ảnh hưởng từ bão.
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: zingnews.vn