Quy định chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy của Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương
- 14:22 22-09-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo đó, Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương là đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; có chức năng quản lý, bảo vệ, xây dựng và phát triển rừng trên phạm vi diện tích được giao; có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật. Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương hoạt động theo quy định của Luật Lâm nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Ban quản lý rừng phòng hộ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật. Được hưởng lâm sản tăng thêm từ rừng do tự đầu tư vào rừng tự nhiên, rừng trồng là rừng phòng hộ. Sử dụng rừng phù hợp với thời hạn giao rừng, cho thuê rừng và thời hạn giao đất, cho thuê đất trồng rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017 và pháp luật về đất đai. Được cung ứng dịch vụ môi trường rừng và hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng. Được hướng dẫn về kỹ thuật và hỗ trợ khác theo quy định để bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học rừng; được hưởng lợi từ công trình hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng do Nhà nước đầu tư.
Được Nhà nước bồi thường giá trị rừng, tài sản do chủ rừng đầu tư, xây dựng hợp pháp tại thời điểm quyết định thu hồi rừng. Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với chủ rừng phát triển rừng sản xuất khi bị thiệt hại do thiên tai. Hợp tác, liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để bảo vệ và phát triển rừng. Tiến hành hoạt động khoa học và công nghệ, giảng dạy, thực tập, hợp tác quốc tế…
Được hưởng chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng theo quy định tại Điều 94 của Luật Lâm nghiệp năm 2017. Khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan theo quy định tại Điều 52, rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 55, rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo quy định tại Điều 58, rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Điều 59 của Luật Lâm nghiệp năm 2017.
Ban quản lý rừng phòng hộ có nghĩa vụ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng bền vững theo Quy chế quản lý rừng, quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017 và quy định khác của pháp luật có liên quan. Thực hiện quy định về theo dõi diễn biến rừng. Trả lại rừng khi Nhà nước thu hồi rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017. Bảo tồn đa dạng sinh học rừng, thực vật rừng, động vật rừng. Phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng. Chấp hành sự quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thực hiện nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Lập và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững và thực hiện phương án đã được phê duyệt. Khoán bảo vệ và phát triển rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại chỗ theo quy định của Chính phủ…
Về cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế, lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ gồm Trưởng ban và không quá 02 Phó trưởng ban. Biên chế và số lượng người làm việc của Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương được UBND tỉnh giao theo kế hoạch hàng năm trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, định mức biên chế do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, đề án vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc quản lý, tuyển dụng, sử dụng viên chức và hợp đồng lao động thực hiện theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp quản lý hiện hành.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 4238/QĐ-UBND ngày 25/11/2020 của UBND tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương; bãi bỏ Điều 2, 3, 5 Quyết định số 938/QĐ.UB ngày 14/3/2003 của UBND tỉnh về việc thành lập Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương.
Tác giả: PT (Tổng hợp)
Nguồn tin: nghean.gov.vn