Đình chỉ các chức vụ trong Đảng, ông Phạm Xuân Thăng là Bí thư hay cựu Bí thư?
- 07:12 21-09-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Liên quan tới những sai phạm tại Công ty Việt Á, ngay sau khi Bộ Chính trị quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng, đình chỉ các chức vụ trong đảng đối với Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng, ngày 17/9, cơ quan cảnh sát điều tra đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và khám xét đối với ông Phạm Xuân Thăng về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Sau khi các quyết định của cơ quan cảnh sát điều tra được triển khai, 1 số báo đưa tin “Khởi tố, bắt tạm giam cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng” hoặc "Khởi tố, bắt tạm giam nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng". Tuy nhiên, môt số bạn đọc VOV.VN bày tỏ quan điểm cho rằng, ông Thăng mới bị tạm đình chỉ chức vụ trong đảng, liệu có nên gọi là cựu hay nguyên Bí thư ?
Nhà báo Nhị Lê – nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản (Ảnh: Báo Giao Thông) |
Lý giải cho câu chuyện này, nhà báo Nhị Lê – nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, cần phân biệt rõ hai hình thức xử lý cán bộ: đình chỉ và cách chức.
Theo Nhà báo Nhị Lê, đình chỉ sinh hoạt đảng tức là không cho phép cán bộ thực hiện những chức trách của đảng viên; còn đình chỉ các chức vụ trong đảng là không cho phép thực hiện các chức trách lãnh đạo trong cấp ủy, đặc biệt như trường hợp của ông Phạm Xuân Thăng mới đây. Còn cách chức là hình thức xử lý nặng hơn, nghĩa là xóa bỏ chức vụ cán bộ đó đang giữ, hay xóa bỏ chức vụ ở từng nhiệm kỳ. Đình chỉ chức vụ có thời hiệu, chỉ trong một khoảng thời gian, nhưng không quá 1 năm. Còn cách chức là xóa hết. Khi bị tạm đình chỉ chức vụ, nghĩa là chức vụ hiện tại của cán bộ đó tạm thời không còn giá trị nữa, không thực hiện nữa, vì thế, không thể gọi cán bộ đó theo kiểu chức danh đương nhiệm. Còn cách chức nghĩa là không còn gì hết, không còn là cựu hay nguyên bí thư tỉnh ủy.
Còn theo PGS-TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương, chưa thể gọi ông Phạm Xuân Thăng là cựu Bí thư Hải Dương khi Ban Chấp hành Trung ương chưa họp quyết định hình thức kỷ luật cụ thể, mà Bộ Chính trị chỉ mới tạm đình chỉ sinh hoạt đảng và chức vụ trong Đảng, như vậy là ông này chưa bị cách chức, mà chỉ tạm thời không thực hiện nhiệm vụ chức trách đó nữa. “Như vậy chính xác nhất vẫn có thể gọi là nguyên Bí thư”, ông Phúc nêu quan điểm.
Thực tế theo PGS-TS Vũ Văn Phúc, không có quy định nào rõ ràng về cách gọi chức danh của cán bộ sau khi họ bị đình chỉ chức vụ hoặc cách chức, mà vẫn quen gọi theo văn phong tiếng Việt. Tuy nhiên, trong trường hợp ông này bị truy tố ra tòa và bị kết án, bị cách chức, khi đó người ta sẽ không dùng từ nguyên hay cựu Bí thư đối với ông Thăng nữa.
Ông Phúc dẫn trường hợp ông Lê Thanh Hải bị cách chức Bí thư Thành ủy TP.HCM một nhiệm kỳ, sau khi có quyết định, người ta không nhắc đến ông Hải với tư cách cựu hay nguyên Bí thư nhiệm kỳ đó nữa. Theo một nghĩa nào đó, có thể nói, TP.HCM ở nhiệm kỳ đó không có Bí thư, vì chỉ có 1 Bí thư mà ông Bí thư đã bị cách chức. Còn trường hợp, có cán bộ chỉ làm 1 nhiệm kỳ thôi, khi bị cách chức, cán bộ đó không còn chức vụ đó nữa, trong lý lịch hồ sơ, thậm chí cả trong điếu văn cũng không nhắc đến chức danh đã mất.
PGS-TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương |
Ông Vũ Văn Phúc cũng dẫn chứng thêm trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, từng làm Bộ trưởng Bộ Công Thương 2 nhiệm kỳ, nhưng sau khi Bộ Chính trị đã cách hết các chức vụ đó ở cả 2 nhiệm kỳ, có thể hiểu ông Hoàng chưa từng giữ chức danh Bộ trưởng Công Thương, chỉ là công chức bình thường.
Trước ông Phạm Xuân Thăng, ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh cùng có sai phạm liên quan tới Công ty Việt Á. Tuy nhiên, trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam, cả ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh đều bị khai trừ Đảng, cách chức và bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội.
Ông Ngô Văn Sửu |
Giải thích về quy trình xử lý kỷ luật cán bộ của Đảng, ông Ngô Văn Sửu, Nguyên Vụ trưởng Vụ I (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) cho biết, việc đình chỉ sinh hoạt đảng, đình chỉ các chức vụ trong đảng hay khai trừ đảng là bước đi cần thiết để tạo điều kiện cho các cơ quan thực thi pháp luật thực hiện nhiệm vụ. Ông Thăng là trường hợp như thế. Ông Thăng là Ủy viên trung ương, nên để kỷ luật cán bộ này, phải chờ tới Hội nghị Trung ương sẽ họp vào tháng 10 tới.
Sở dĩ Ban Chấp hành Trung ương không phải triệu tập họp bất thường để xem xét quyết định hình thức kỷ luật với ông Phạm Xuân Thăng như trường hợp của ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh, bởi từ giờ tới tháng 10 thời gian không dài. Để tạo điều kiện cho cơ quan điều tra làm việc, đảm bảo yêu cầu về xử lý cán bộ khẩn trương, đúng người, đúng tội, Bộ Chính trị mới chỉ quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng, đình chỉ các chức vụ trong Đảng đối với ông Thăng.
“Về quy trình, cách làm như thế cũng đúng”, ông Ngô Văn Sửu khẳng định và phân tích thêm, thời điểm xem xét, xử lý ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh, Hội nghị Trung ương 5 đã họp xong từ đầu tháng 5, nên nếu phải chờ tới Hội nghị Trung ương 6 dự kiến vào tháng 10 thì xa quá, nên Ban Chấp hành Trung ương phải tổ chức họp bất thường để xem xét kỷ luật 2 vị này, để ngay sau đó cơ quan điều tra có cơ sở tiến hành khởi tố. Việc phải triệu tập cuộc họp bất thường để xem xét kỷ luật 2 vị này cho thấy đây là vụ việc cấp bách, cần thiết phải xem xét xử lý sớm. Quy trình này hoàn toàn đúng với các quy định của Đảng về xem xét, xử lý, kỷ luật cán bộ đảng viên.
Trước ông Phạm Xuân Thăng, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII tới nay, 5 ủy viên Trung ương đã bị kỷ luật gồm các ông Trần Văn Nam, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Thành Phong và ông Huỳnh Tấn Việt. Trong đó, các ông Trần Văn Nam, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long bị áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất của Đảng - khai trừ đảng và bị khởi tố sau đó; 2 ông Nguyễn Thành Phong và Huỳnh Tấn Việt bị kỷ luật cảnh cáo./.
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn tin: Báo VOV