Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thọ Hợp (Qùy Hợp - Nghệ An): Tác động đến môi trường từ khai thác tài nguyên và sản xuất đá mỹ nghệ, tinh bột đá…

Âm thanh và bụi từ quá trình khoan, nổ mìn, xay nghiền, sản xuất, vận chuyển đá mỹ nghệ, tinh bột đá của các cơ sở trên địa bàn xóm Thung Khẳn, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp đang là nỗi ám ảnh cho người dân. Nhiều năm ròng, người dân phải gồng mình để sống chung với bụi, tiếng ồn… mà không biết làm gì hơn ngoài sự chịu đựng.

Sống chung với bụi và tiếng ồn

Tại xóm Thung Khẳn, xã Thọ Hợp, huyện Qùy Hợp, nhiều năm nay người dân sinh sống tại đây luôn phải gồng mình sống chung với tiếng gầm của xe cộ, bụi và tiếng ồn từ các xưởng sản xuất của các doanh nghiệp như: Công ty Thọ Hợp; Công ty Thanh Xuân; Công ty Open Việt Nam thuộc Cụm Công nghiệp 1 và các cơ sở tự phát khác... Theo phóng viên ghi nhận, bình quân 1h có tới hàng chục lượt xe ra vào Cụm công nghiệp 1, để vào được các khu xưởng, duy nhất chỉ một đường độc đạo là phải băng qua khu dân cư, nhưng mỗi lần có xe di chuyển qua thì lập tức một lượng bụi cuốn lên phủ kín cả khu nhà dân, hầu hết các hộ ở đây luôn trong tình trạng đóng kín cửa; nối theo đoạn đường vào khu nhà xưởng thì được bột đá hòa lẫn với bụi đất nhuộm trắng cả mặt đường và hai bên hàng cây, mỗi khi có xe di chuyển qua là bụi trắng bay mù mịt.

 

 Xe chở hàng và những luồng bụi trắng xóa

 Sơ sài phía sau khu sản xuất của Công ty Thọ Hợp

Một người dân sống tại xóm Đò xin được dấu tên chia sẻ: Chúng tôi quá quen với cảnh này từ hàng chục năm nay, hầu như ngày nào cũng phải chứng kiến hàng loạt xe cộ chạy qua đây, tiếng gầm của máy, tiếng còi, bụi thì bay nghi ngút khiến ai nấy không dám mở cửa, đến nỗi phơi quần áo cũng không dám phơi ngoài trời vì sợ bụi bám; một số hộ đang muốn bán nhà để chuyển đi nơi khác nhưng không ai mua, nếu chuyển đi mà không bán được nhà thì lấy đâu ra tiền mua đất xây nhà…

Chính quyền cấp cơ sở phân trần

Trao đổi vấn đề này, chiều 14/9/2022 Phóng viên Tạp chí CNMT đến trụ sở UBND xã Thọ Hợp, tại đây ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã cho hay: Đối với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thuộc Cụm công nghiệp, xã chỉ đóng vai trò theo dõi và kịp thời phát hiện, đồng thời báo cáo lên huyện rồi phối hợp với tổ liên ngành huyện kiểm tra theo định kỳ.

 Phóng viên Tạp chí CNMT trao đổi với ông Lê Văn Dũng Chủ tịch UBND xã Thọ Hợp

Ông Dũng cũng nói thêm: Với vài trò là cơ quan quản lý nhà nước nhưng lại không có chức năng xử lý đối với các đơn vị này nếu có sai phạm, vì các đơn vị này thuộc tỉnh cấp phép. Đối với các cơ sở tự phát thì chúng tôi đã rà soát, kiểm tra thường xuyên và yêu cầu cam kết phải có biện pháp tránh tác động môi trường trong hoạt động sản xuất.

Cùng ngày, Phóng viên Tạp chí CNMT có trao đổi với ông Vi Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Châu Lộc cho hay: Theo quy hoạch, trên địa bàn xã tộng cộng 13 điểm khai thác mỏ, tuy nhiên sau đại dịch với các yếu tố khách quan, nhiều doanh nghiệp đã ngưng hoạt động, trong đó có một đơn vị đang bị xử lý và đình chỉ khai thác do vi phạm, nên hiện tại chỉ còn 3 đơn vị đang khai thác. Bên cạnh đó, địa phương cũng thường xuyên bám sát tình hình hoạt động để kịp thời báo lên trên và phối hợp với huyện để kiểm tra theo định kỳ.

Liên quan vấn đề trên, Phóng viên Tạp chí CNMT có trao đổi với ông Lê Sỹ Hào - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Qùy Hợp, ông cho biết: Theo số liệu trước đây, toàn huyện có 79 doanh nghiệp đăng kí khai thác, tuy nhiên gần đây do yếu tố khách quan về chất lượng, nên hơn một nửa doanh nghiệp đã phải dừng khai thác. Hiện nay trên địa bàn có 3 xã là điểm nóng đối với khai thác tài nguyên, trong đó xã Châu Lộc được cấp phép 13 mỏ, xã Châu Hồng cấp phép 11 mỏ và xã Liên Hợp cấp phép 8 mỏ, còn lại là các mỏ nhỏ nằm rải rác trên các xã, riêng xã Thọ Hợp hầu hết các phân xưởng tập trung sản xuất, hầu hết thuộc đối tượng do UBND tỉnh và Bộ ngành cấp phép.

 Phóng viên Tạp chí CNMT trao đổi với đại diện UBND huyện Qùy Hợp

Việc doanh nghiệp khai thác tài nguyên, vận chuyển và sản xuất gây tác động môi trường là có, nhất là khâu vận chuyển và sản xuất tại phân xưởng.

Sự việc này chúng tôi đã nắm thông tin và đã có báo cáo và tiếp tục báo cáo lên cấp trên để có phương án đối với các doanh nghiệp đang khai thác tài nguyên trên địa bàn; ngoài ra với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, huyện đã chỉ đạo và giao trách nhiệm cho từng xã, nếu đơn vị nào khai thác và sản xuất triên địa bàn xã nào thì xã đó phải có trách nhiệm theo dõi và báo cáo kịp thời, nếu để xảy ra vi phạm mà xã không báo cáo kịp thời thì huyện sẽ xử lý người đứng đầu xã đó trước.

Ông Hào cũng phân trần thêm: Mặc dù chúng tôi là cơ quan quản lý nhà nước, nhưng hầu hết các hoạt động của doanh nghiệp khai thác tài nguyên và sản xuất lại thuộc cấp tỉnh và Bộ quản lý, do vậy chúng tôi không thuộc thẩm quyền xử lý, mà chỉ lập kế hoạch với xã đi kiểm tra định kỳ, yều cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm về các biện pháp nhằm tránh tác động môi trường và báo cáo lên trên nếu phát hiện sai phạm để có hướng xử lý.

Tác giả: Mạnh Chiến

Nguồn tin: congnghiepmoitruong.vn