Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Dự báo mưa bão dồn dập từ nay đến cuối năm

Sáng 20/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai và các địa phương tích cực, chủ động theo dõi chặt chẽ đến công tác phòng, chống thiên tai. Từ nay đến cuối năm, dự báo có khoảng 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, trong những tháng cuối năm, thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường với 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó 3-5 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền nước ta dồn dập trong tháng 10 và 11.

Mưa ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên đều ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nguy cơ gây ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, nhất là tại Trung Bộ, Tây Nguyên.

Theo Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai (PCTT), từ đầu năm đến nay, dù công tác phòng, chống thiên tai được theo dõi sát sao, nhưng thiên tai gây thiệt hại không nhỏ. Đến nay, có 119 người chết và mất tích, trên 440 nhà bị sập đổ, gần 7.000 nhà bị hư hại, trên 200.000 ha lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, thiệt hại; hàng loạt công trình cơ sở hạ tầng bị hư hại (lớn hơn tổng thiệt hại do thiên tai trong cả năm 2021).

 Theo Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, từ đầu năm, thiệt hại do thiên tai gây ra lớn hơn cả năm 2021.

Để giảm thiểu các thiệt hại và chủ động ứng phó với thiên tai, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các thành viên viên Ban Chỉ đạo, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Trưởng ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn các địa phương theo dõi, nắm sát tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc, triển khai công tác theo nhiệm vụ, địa bàn được phân công, tập trung một số nhiệm vụ sau:

Các địa phương tổ chức rà soát kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai, nhất là phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; theo dõi, nắm sát tình hình, diễn biến thiên tai trên địa bàn, chủ động chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ cứu nạn trong mọi tình huống, bảo đảm phù hợp với thực tế tại địa phương, không để bị động, bất ngờ.

Nếu để xảy ra thiệt hại lớn do chậm trễ, chủ quan trong chỉ đạo, triển khai ứng phó với thiên tai, các thành viên phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị thành viên Ban chỉ đạo thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo, tổ chức nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, theo dõi chặt chẽ, cung cấp kịp thời, chính xác thông tin nhận định.

Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT chỉ đạo, đôn đốc các ngành, địa phương triển khai công tác PCTT, phù hợp với đặc điểm, nguy cơ xảy ra thiên tai cụ thể tại từng vùng miền, kịp thời báo cáo Thủ tướng và Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chỉ đạo, xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.

Tác giả: Dương Hưng

Nguồn tin: Báo Tiền Phong