Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An sẽ ban hành Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2030

Chiều 19/9, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan để cho ý kiến vào dự thảo Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2030.

 Quang cảnh buổi làm việc

Năm 2021, toàn tỉnh có 47,07 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ chiếm 0,003% diện tích đất nông nghiệp, chiếm 0,016 diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Chăn nuôi đạt tiêu chuẩn hữu cơ có 1.000 con bò sữa của Tập đoàn TH, chiếm 1,43% tổng đàn bò sữa của tỉnh.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.500 ha sản xuất sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ. Có 1.000 con trâu, 1.200 con bò thịt, 4.500 con lợn, 2.200 con dê, 30.000 con gà, 500 đàn ong chăn nuôi theo hướng hữu cơ.

 Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Xuân Học báo cáo tóm tắt nội dung dự thảo Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2030.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, xuất phát từ xu hướng phát triển sản xuất sạch để bảo đảm sức khỏe, bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững. Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Nghệ An có diện tích đất nông nghiệp lớn, sản phẩm đa dạng, có tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ...

Đề án được xây dựng trên quan điểm phát triển nông nghiệp hữu cơ phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2022-2030; gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; khai thác tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ tại các địa phương. Đây được xem là một trong những khâu đột phá trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Theo đó, có 7 sản phẩm chủ lực triển khai thực hiện gồm: Lúa (gạo); trái cây (cam, bưởi, dứa); nguyên liệu phục vụ chế biến (chè, mía); thịt (lợn, gia cầm); sữa bò tươi; gỗ và sản phẩm từ gỗ; tôm, cá. Kinh phí ngân sách hỗ trợ ước tính cần khoảng trên 265 tỷ đồng.

Tham gia góp ý vào nội dung dự thảo Đề án, các đại biểu đã phân tích thuận lợi và thách thức khi triển khai thực hiện Đề án. Trong đó, về thách thức, đa số ý kiến cho rằng để có được sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cần phải đầu tư chi phí lớn; mẫu mã sản phẩm không được đa dạng, bắt mắt, năng suất thấp hơn sản xuất thông thường.

Bên cạnh đó, chưa có chính sách đủ mạnh để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, nếu ban hành chính sách riêng cho phát triển nông nghiệp hữu cơ cần nghiên cứu thật kỹ tránh trường hợp không công bằng với các phương thức sản xuất nông nghiệp khác; không hỗ trợ về giá mà nên hỗ trợ xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các sản phẩm nông nghiệp.

Để có thể triển khai hiệu quả Đề án, góp ý vào các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, một số đại biểu cho rằng cần phải tìm được thị trường, cũng như đưa sản phẩm hữu cơ đến gần với người tiêu dùng...

 Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu kết luận

Qua nghe ý kiến của các ngành, kết luận buổi làm việc, theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu, nông nghiệp hữu cơ muốn phát triển phải xây dựng được thương hiệu sản phẩm; chi phí đầu tư nhiều nên cần phải có thị trường tiêu thụ. Quá trình xây dựng Đề án phải bám sát Quyết định 885/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong Đề án cần bổ sung nhóm sản phẩm dược liệu và lâm sản ngoài gỗ; đồng thời xem xét các chỉ tiêu mà Trung ương đã đề ra để phấn đấu thực hiện để tiệm cận với mức bình quân cả nước và có các giải pháp phù hợp với thực tiễn của địa phương để triển khai thực hiện hiệu quả.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cơ quan soạn thảo trên cơ sở ý kiến của các ngành tiếp thu để hoàn thiện lại dự thảo Đề án và trình UBND tỉnh ban hành.

Tác giả: Phan Quỳnh

Nguồn tin: nghean.gov.vn