Pharmacity bổ nhiệm CEO mới thay nhà sáng lập
- 06:17 18-09-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cụ thể, từ ngày 1/9, nhà sáng lập Chris Blank đã chính thức rời khỏi vị trí tổng giám đốc và đại diện pháp luật. Khi đó, phía Pharmacity cho biết ông Chris Blank sẽ nghỉ trong vòng 8 tuần do vấn đề sức khỏe.
Từ đó đến nay, ông Nguyễn Như Nam, một giám đốc đầu tư của SK Group tại Việt Nam là người đại diện pháp luật của Pharmacity. Còn Phó tổng giám đốc David Young kiêm nhiệm chức quyền tổng giám đốc.
Trước đó, vị trí đại diện pháp luật của ông Chris Blank tại Maroon Bells - công ty mẹ của Pharmacity - cũng đã được trao lại cho ông Chad Ovel, theo hồ sơ gửi lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp vào ngày 7/7. Ông Chad Ovel là Tổng giám đốc Mekong Capital, quỹ đầu tư có rót vốn vào Maroon Bells. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 7, SK Group là cổ đông ngoại lớn nhất sở hữu 14,5% cổ phần của Maroon Bells.
Với hàng loạt biến động nhân sự chỉ trong vòng vài tháng qua, Pharmacity cho biết đang trong quá trình tối ưu hóa hoạt động kinh doanh sau đại dịch. Tân Tổng giám đốc Trần Tuệ Tri cho biết trọng tâm thời gian tới là làm việc với các phòng ban và nhà cung cấp để tiếp tục phục vụ họ theo cách hiệu quả nhất có thể.
Bà Trần Tuệ Tri - tân Tổng giám đốc Pharmacity. Ảnh: Forbes. |
Trước khi gia nhập chuỗi bán lẻ dược phẩm Pharmacity, bà Trần Tuệ Tri đã có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng. Trong đó, bà từng đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo cấp cao và là thành viên hội đồng quản trị tại Unilever, Samsung và P&G ở Việt Nam và trên thế giới.
Gần nhất, bà tham gia vào Hội đồng quản trị của Unilever Indonesia và là Phó chủ tịch thương hiệu toàn cầu của một trong những dòng sản phẩm chính của Unilever.
Điều đáng nói, bà Tri cũng từng là cố vấn cao cấp tại Mekong Capital và năm 2015 được quỹ này giới thiệu trở thành Thành viên HĐQT độc lập của Traphaco - một doanh nghiệp được Mekong Capital đầu tư.
Thành lập từ năm 2011, gần đây Pharmacity đã khai trương cửa hàng thứ 1.100 và chạm mốc khách hàng thành viên thứ 10 triệu. Doanh nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2025 mở được 5.000 cửa hàng, đạt doanh thu 1,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, kể cả khi dẫn đầu về quy mô nhà thuốc trên toàn quốc, Pharmacity vẫn phải đối diện với khoản lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2020 đã vượt mức 1.000 tỷ đồng.
Thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam được ước tính có quy mô khoảng 7-8 tỷ USD và dự kiến tăng trưởng 2 con số trong các năm tới. Tuy nhiên, thị phần chủ yếu vẫn nằm trong tay các nhà thuốc bệnh viện và còn lại là nhà thuốc bên ngoài với khoảng 60.000 cửa hàng. Còn kênh bán hàng hiện đại có chưa đến 3.000 cửa hàng, chiếm tỷ trọng chỉ 5-7%.
Tác giả: Lan Anh
Nguồn tin: zingnews.vn