Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thí sinh gặp sai sót trong nhập nguyện vọng vẫn được xét tuyển bình thường

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy đề nghị các trường đại học tiếp tục rà soát các trường hợp thí sinh còn sai sót, sai logic khi nhập nguyện vọng vào hệ thống và có hướng xử lý.

Thí sinh sai sót trong nhập nguyện vọng, nộp lệ phí vẫn được xét tuyển

Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022, Triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 Khối Giáo dục đại học tổ chức ngày 12/9, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT thông tin về những khó khăn, vướng mắc trong việc thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống và quá trình tổ chức lọc ảo lần 1.

Theo đó, năm 2022, tất cả các khâu như đăng ký nguyện vọng hay thanh toán lệ phí tuyển sinh, thí sinh đều phải thực hiện trực tuyến. Trong thời gian đầu, nhiều thí sinh còn bỡ ngỡ. Các đường dây trực tuyến của Bộ GD&ĐT đã làm việc 24/7 để hỗ trợ thí sinh. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT có một số lần mở lại hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, kéo dài thời gian giúp các em đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng cũng như thanh toán lệ phí tuyển sinh.

"Số lượng đăng ký thêm nguyện vọng hay số lượng tiến hành thanh toán lệ phí thêm rất ít. Chúng tôi có thống kê theo từng giờ, từng ngày và nhận thấy không có nhiều chuyển biến sau các lần mở lại hệ thống. Điều đó chứng tỏ, không phải thí sinh không biết thông tin, không biết thanh toán mà các em đã có những quyết định riêng.

Và có thể nói, một số lượng lớn thí sinh ở TP.HCM, Hà Nội không tiến hành thanh toán lệ phí tuyển sinh cho thấy có thể các em đã có những quyết định khác hoặc đã đi học tập ở nước ngoài", PGS Thủy phân tích.

Bà Thủy cũng thông tin, trong những ngày đầu tiên khi các trường tải dữ liệu về và tiến hành chạy thử điểm chuẩn, chúng ta đã phát hiện một số sai sót của thí sinh. Cụ thể, nhiều em đăng ký vào hệ thống nhưng đăng ký nhầm tổ hợp hoặc phương thức xét tuyển và phản ánh về các trường mà các em mong muốn trúng tuyển.

 PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Nhật Lam).

Vụ Giáo dục Đại học đề xuất với lãnh đạo Bộ GD&ĐT có chủ trương, giải pháp chung, thống nhất trong toàn hệ thống về vấn đề này.

Theo đó, đề xuất giải pháp các trường khi nhận được phản ánh của thí sinh có thể chủ động làm việc, trao đổi với thí sinh và giải quyết bằng cách trực tiếp đưa những trường hợp này vào danh sách lọc ảo của mình nếu các em thực sự có sai sót. Từ đó, giảm thiểu được mọi sai sót về sau.

"Giả sử vẫn dùng số liệu sai sót đó để tiếp tục xét tuyển, sau cùng chúng ta vẫn phải giải quyết cho thí sinh. Bởi chúng ta phải giải quyết được để đảm bảo lợi ích của người học cũng như tránh rủi ro xảy ra đối với các bên. Rất mong có sự chỉ đạo để các trường thực hiện một cách thống nhất", PGS Thủy nêu ý kiến.

Về nhóm thí sinh đến nay vẫn chưa thanh toán được lệ phí xét tuyển, Vụ Giáo dục Đại học đề xuất lãnh đạo Bộ GD&ĐT đưa danh sách tất cả thí sinh này vào xét tuyển, để các em thực hiện trách nhiệm của mình sau. Việc nộp lệ phí vẫn thực hiện trực tuyến, đảm bảo nguyên tắc thống nhất trong toàn hệ thống, không gây khó khăn cho thí sinh.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy đề nghị các trường đại học tiếp tục rà soát các trường hợp thí sinh còn sai sót, sai logic khi nhập nguyện vọng vào hệ thống và có hướng xử lý.

"Năm nay, chúng ta đang để quyền chủ động cho thí sinh chịu trách nhiệm về đăng ký. Do đó, chắc chắn sẽ còn những sai sót ít nhiều. Chúng ta sẽ cùng xem xét xử lý sau khi hệ thống đã công bố kết quả xét tuyển chung. Chúng tôi cũng đề xuất, các trường được toàn quyền chủ động trong việc xử lý đối với những trường hợp có sai sót, để sau khi giải quyết sai sót thí sinh có cơ hội trúng tuyển vào cơ sở đào tạo.

Với những trường hợp thí sinh đã trúng tuyển sớm nhưng không thấy có đăng ký trên hệ thống, nếu các em thực sự có sai sót, chúng ta không thể đưa vào danh sách lọc ảo bây giờ thì các trường cũng có thể xem xét cụ thể sau khi đã có kết quả xét tuyển đợt 1", PGS Thủy nói.

Bà Thủy nhấn mạnh, quy chế tuyển sinh hiện hành đã quy định, các trường khi tổ chức xét tuyển sớm phải có trách nhiệm thông báo với thí sinh về việc thí sinh đã trúng tuyển sớm, hướng dẫn các em đăng ký lên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Do đó, rất mong các trường có sự hỗ trợ khi thí sinh có phản ánh về những sai sót trong quá trình các em đăng ký.

Cần rút ngắn thời gian xét tuyển

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết đã nhận được nhiều ý kiến từ đại diện các trường đại học về vấn đề cần rút ngắn thời gian xét tuyển.

PGS Thủy chia sẻ, nếu so sánh xét tuyển đợt 1 năm 2022 với năm 2021 sẽ nhận thấy các mốc thời gian hầu như đều trùng khớp.

 Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cùng các đại biểu dự Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 Khối Giáo dục đại học tổ chức ngày 12/9 (Ảnh: Nhật Lam).

Theo đó, năm 2021, thời gian công bố điểm chuẩn cũng như danh sách trúng tuyển muộn nhất là ngày 16/9 thì năm 2022 là ngày 17/9. Năm 2021, ngày 26/9 là thời gian muộn nhất để các trường nhập học hết cho thí sinh thì năm nay là ngày 30/9, chỉ chênh nhau 4 ngày.

"Như vậy, thời gian nhập học của năm nay không chênh lệnh so với năm ngoái. Tuy nhiên, chúng tôi cũng ghi nhận sự lo lắng, mong muốn cho thí sinh nhập học sớm của các trường, để thời gian bắt đầu năm học mới tịnh tiến lên. Chúng tôi đã tham mưu, báo cáo với lãnh đạo Bộ GD&ĐT để trong kỳ tuyển sinh tiếp theo sẽ có những giải pháp tốt hơn", PGS Thủy nhấn mạnh.

Bà Thủy cho rằng để rút ngắn được thời gian xét tuyển, khó nhất chính là khâu dữ liệu: làm thế nào để chuẩn hóa dữ liệu sạch, để các dữ liệu là chuẩn, không vướng mắc ở các khâu. Do đó, cần sự đồng lòng phối hợp của rất nhiều bên liên quan, đặc biệt là từ phía các trường THPT, các Sở GD&ĐT cũng như các trường đại học.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc các trường cùng tham gia vào quá trình lọc ảo.

Theo bà Thủy, hiện nay, còn một số trường đang không tham gia vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT, tức có nhận nguyện vọng của thí sinh nhưng không tham gia xét tuyển, không chạy thử lọc ảo.

"Rất mong các trường có sự phối hợp đồng bộ, như vậy thì cả hệ thống mới có thể tịnh tiến lên, cũng như làm tốt công tác xét tuyển", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nói.

 Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (Ảnh: Mạnh Quân).

Yêu cầu trường đại học không tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, trong những vòng lọc ảo đầu tiên, các cơ sở đào tạo đã xác định được số chỉ tiêu của mình. Do đó, bà Thủy đề nghị các trường thực hiện đúng quy chế, không tuyển vượt quá chỉ tiêu.

Trước đó, trong công văn gửi Sở GD&ĐT các tỉnh thành cùng các cơ sở đào tạo hồi giữa tháng 8, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, các cơ sở đào tạo cần tự chủ trong công tác tuyển sinh và phải chịu trách nhiệm trong việc xác định chỉ tiêu, xác định điểm trúng tuyển vào các ngành/nhóm ngành đào tạo của mình.

Nếu cơ sở đào tạo xác định danh sách trúng tuyển dự kiến không sát với thực tế dẫn đến tuyển vượt chỉ tiêu đã đăng ký thì cơ sở đào tạo và cá nhân liên quan hoàn toàn chịu trách nhiệm và sẽ bị xử lý theo Quy chế tuyển sinh hiện hành. Những cơ sở đào tạo tuyển không đủ chỉ tiêu trong đợt 1 có thể tiếp tục xét tuyển các đợt bổ sung.

Cũng tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022, Triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 Khối Giáo dục đại học, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết Vụ Giáo dục đại học sẽ nỗ lực, cố gắng tối đa, phối hợp cùng các cơ sở giáo dục đại học để có được những chính sách tuyển sinh, chính sách đào tạo ngày càng tốt hơn.

Từ đó, tạo ra sự công bằng giữa các thí sinh, giữa các cơ sở đào tạo, giữa các vùng miền và tăng cường, đảm bảo chất lượng đào tạo của toàn hệ thống.

Tác giả: Nhật Lam

Nguồn tin: Báo Dân trí